Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1961
Trong chương trình phát thanh hôm nay, Nguyễn Phương xin giới thiệu tiểu sử và hoạt động nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1961.
Nguyễn Phương xin nhắc lại vài nghệ sĩ đã đoạt huy chương vàng trước Thanh Thanh Hoa: năm 1958; Nữ nghệ sĩ Thanh Nga, năm 1959 nữ nghệ sĩ Lan Chi và nam nghệ sĩ Hùng Minh. Năm 1960: hai nữ nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu, năm 1961 nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa.
Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Hoa, sanh năm 1943 (tuổi Quí Mùi), học văn hóa trường tiểu học Phạm Thế Hiển, quận 8, học ca tại lò cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trong. Cha của Thanh Thanh Hoa hành nghề lái xe taxi, mẹ mua gánh bán bưng ở chợ Nancy.
Năm 1955, đoàn hát Thanh Minh thành lập vũ đoàn, vì lúc đó các tuồng cải lương đều thể hiện dưới các hình thức thi, ca, vũ, nhạc, kịch.
Nhạc sĩ Hoàng Việt, soạn giả Lê Khanh và Nguyễn Phương chịu trách nhiệm dạy ca, múa cho vũ đoàn, gồm có các học viên và diễn viên trẻ Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Thanh Hiền, Kim Anh, Kim Em, Liễu Thuận, Kim Phụng, Văn Minh, Văn Dũng (sau là nghệ sĩ Dũng Minh Sang), Văn Xí (sau đổi tên nghệ sĩ Nam Hùng), Văn Bảy, Văn Tây…
Các cháu Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Thanh Hiền, Văn Dũng, Văn Xí, Văn Tây đều là những học viên giỏi, buổi sáng các cháu học múa ở rạp, buổi chiều học ca cổ nhạc ở nhà nhạc sĩ Út Trong, ban đêm đóng vai quân sĩ, tướng cạnh, vũ nữ. Thỉnh thoảng được đóng một vài vai tuồng có ca vọng cổ do soạn giả viết thêm để giới thiệu các giọng ca trẻ.
Giọng ca quyến rũ
Thanh Thanh Hoa lúc đó mới có 12 tuổi, hơi rong, giọng thổ, ca rất chắc nhịp và đúng bài bản nên tôi viết thêm vai hai em bé trong tuồng Biên Thùy Nổi Sóng và Ngược Sóng Phú Lương cho Thanh Nga và Thanh Thanh Hoa thủ diễn, mỗi vai tuồng có hai câu vọng cổ.
Thanh Thanh Hoa học tuồng mau thuộc, giỏi bắt chước lối diễn của nghệ sĩ đàn chị, dạn dĩ nên lúc cần thế vai tuồng khi có diễn viên bịnh bất ngờ, Thanh Thanh Hoa thế vai thành công dễ dàng.
Nam 1957, bầu Sinh lập gánh Tân Hương Hoa, tập trung các diễn viên trẻ Thanh Thanh Hoa, Hoài Dung, Hoài Mỹ, Ánh Hoa, Nam Hùng, Minh Viễn và dàn đào kép tên tuổi, vững tay nghề để hướng dẩn các cháu, gồm có các nghệ sĩ Minh Chí, Ba Xây, Văn Khoe, Văn Danh, Ánh Nguyệt (mẹ của Ánh Hoa). Thanh Thanh Hoa đảm nhiệm vai đào chánh, chia vai với nữ nghệ sĩ Hoài Dung, được báo chí kịch trường ngợi khen giọng ca quyến rũ của Thanh Thanh Hoa.
Năm 1960, ông bầu Ba Bản, chủ nhân hãng dĩa Hoành Sơn thành lập đoàn hát cải lương Thủ Đô. Đào chánh của đoàn có Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Thanh Hoàng (sau đổi tên là Bo Bo Hoàng).
Thanh Thanh Hoa, 17 tuổi, trổ mã con gái, xinh đẹp mặn mà, giọng ca trầm buồn, cô đóng tuồng cặp với Út Trà Ôn, Thanh Hải xứng đào xứng kép. Thanh Thanh Hoa thành công qua các tuồng Tiếng Trống Sang Canh, Sầu Quan Ải, Cây Quạt Lụa Hồng, Cát Dung Phương Tử.
Năm 1961, Ngọc Hương, Ánh Hồng, hai diễn viên tài sắc đương thời được đề cử dự thi giải Thanh Tâm cùng với Thanh Thanh Hoa. Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa dù chỉ mới mấy năm lăn lộn trong nghề hát, không được ký giả kịch trường tạo thuận lợi về dư luận như những diễn viên khác, nhưng Thanh Thanh Hoa có giọng ca thiên phú, lối ca điêu luyện đúng bài bản và được nghệ sĩ Ba Vân dạy diễn xuất nên cô thể hiện những vai tuồng thật là xuất sắc. Thanh Thanh Hoa đã vượt điểm của Ngọc Hương và Ánh Hồng, đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1961 một cách vẻ vang.
Cuối năm 1961, mối tình Thanh Thanh Hoa và nghệ sĩ Nam Hùng bị một số ký giả kịch trường khai thác, gây tai tiếng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp sân khấu của Thanh Thanh Hoa.
Cuộc tình Thanh Thanh Hoa – Nam Hùng
Trước khi kể những khó khăn trở ngại trong cuộc tình Thanh Thanh Hoa – Nam Hùng, tôi xin giới thiệu tóm lược tiểu sử và cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Nam Hùng.
Trong nghề hát, có giọng ca tốt cũng phải cần có dịp may thì mới mau phất lên được. Tấn Tài gia nhập đoàn Tân Hương Hoa, gặp dịp may là kép chánh Hoàng Sương nghĩ đoàn để qua hát cho đoàn Thúy Nga, Bầu Sinh liền giao Tấn Tài cho kép Nam Hùng huấn luyện cấp tốc để thế vai của Hoàng Sương.
Nam Hùng tên thật là Nguyễn Văn Xí, cha là công nhân sân khấu tên Xức, Mẹ làm tẩm khậu nấu cơm tên Đầm, cả hai đều là nhơn viên của đoàn VIệt Kịch Năm Châu.
Anh Xức, quê ở Quảng Ngãi, năm 1937, khi đoàn cải lương Con Tằm (tiền thân của đoàn hát Việt Kịch Năm Châu) lưu diễn miền Trung, anh Xức quen biết chị Đầm nhơn viên của đoàn hát Con Tằm. Anh bèn bỏ xứ Quảng, theo chị Đầm về Saigon, làm công nhân sân khấu cho đoàn hát Con Tằm.
Anh Xức và chị Đầm yêu nhau chung sống vợ chồng. Năm Mậu Dần (1938), sanh ra một cháu trai, đặt tên là Nguyễn Văn Xí, ý nói là «xí được» thằng bé từ miền Trung đem về. Nguyễn văn Xí tức nghệ sĩ Nam Hùng ngày nay. Đứa con trai thứ hai được chị Đầm đặt tên là Giỏi, ý chừng khen ông Xức giỏi, khéo kiếm thêm một thằng con trai. Em Giỏi hiện nay là trưởng đoàn cải lương Saigon 1 và là một thành viên rất tích cực của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Saigon.
Em Xí được hai nhạc sư Hai Phát và Bảy Phải dạy ca cổ nhạc, em thủ diễn những vai kép con, đánh đao, múa kiếm rất hay. Cô Bảy Phùng Há gia nhập đoàn Việt Kịch Năm Châu, cô thủ diễn vai Phạm Lải, nữ nghệ sĩ Kim Lan trong vai Tây Thi, cả hai nghệ sĩ tài danh Phùng Há – Kim Lan đã một thời nâng cao bảng hiệu Việt Kịch Năm Châu qua tuồng Tây Thi – Gái Nước VIệt cùa nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Thời gian nầy cô Phùng Há dạy nghề hát Quảng cho các diễn viên trong đoàn. Em Xí là học viên giỏi, được cô Phùng Há nhận làm con nuôi, đặt cho nghệ danh Nam Hùng.
Lúc đó đoàn Việt Kịch Năm Châu có nhiều diễn viên tài giỏi như Hoàng Kinh, Tám Vân, Văn Chung, Thanh Kỳ, Thanh Liêm… các em cháu trong đoàn khó có cơ hội có vai tuồng để hát, nên sau vài năm học nghệ, các em tìm gánh hát khác để đi. Trong số các em rời Việt Kịch Năm Châu có Văn Chung, Thanh Hương, Lệ Thẳm, Nam Hùng, Dũng Minh Sang, Hoàng Kinh, NGọc Đán.
Nam Hùng trở thành kép diễn khi em gia nhập gánh Tân Hương Hoa của Bầu Sinh. Sau đó Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa ký hợp đồng về hát cho gánh hát Thủ Đô – Ba Bản. Đôi bạn trẻ cùng ở chung một đoàn hát, khi đóng tuồng trên sân khấu họ cũng gặp gở nhau, giúp đở lẫn nhau nên tình yêu nẩy sanh ra là một chuyện bình thường.
Nhưng Thanh Thanh Hoa đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm, người trong giới dều nghĩ đây là một vinh dự lớn, một dịp trở thành ngôi sao sân khấu và gặt hái ra được nhiều tiền.
Quan niệm của khán giả và nhứt là ký giả kịch trường ảnh hưởng rất mạnh đối với tiền đồ, sự nghiệp của người nghệ sĩ. Họ quan niệm là đào ca, đào chánh phải đóng chung với kép chánh, nếu thành vợ thành chồng thì đào chánh và kép chánh mới xứng đào xứng kép. Họ cũng nghĩ như kép độc lẳng Hoàng Giang thì vợ cũng là đào lẵng Kim Giác…
Cha mẹ cô hy vọng cô sẽ đóng vai đào chánh ở một đại ban khác, với tiền contrat và tiền lương cao hơn đoàn Thủ Đô. Họ nghĩ là nếu có chồng thì phải là một người chồng kép chánh, danh ca hoặc một người chồng có địa vị, giàu sang, chớ nều như làm vợ của nghệ sĩ Nam Hùng thì Thanh Thanh Hoa chỉ có thể đóng vai đào nhì, đào ba chớ không thể là đào chánh được.
Ông bà không tán thành mối tình của Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa. Một số ký giả kịch trường và những người quen của cha mẹ Thanh Thanh Hoa cũng có một quan niệm xưa cũ về tình yêu và sự nghiệp như vậy.
Ảnh hưởng đến sự nghiệp
Trước sức ép của gia đình và quan niệm hẹp hòi của một số ký giả kịch trường, Thanh Thanh Hoa và Nam Hùng bỏ đoàn hát, bỏ nhà, cương quyết ra đi để bảo vệ tình yêu của mình.
Các ký giả kịch trường muốn bảo vệ uy tín của giải Thanh Tâm và tán thành một tình yêu chân chính, không so đo danh và lợi nên khuyên Thanh Thanh Hoa và Nam Hùng chánh thức thành hôn với nhau. Cô Bảy Phùng Há, ông Trần Tấn Quốc, bà Bầu Thơ, một số soạn giả và ký giả kịch trường thuyết phục cha mẹ của cô Thanh Thanh Hoa để tác thành cho đôi trẻ.
Họ chung đậu một tiền và giúp tổ chức một tiệc cưới cho Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa tại nhà hàng Á Đông ở Chợ Lớn, có mặt hai bên cha mẹ chàng rể và cô dâu. Khách dự tiệc cưới gồm nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh có mặt ở Saigòn và nhiều ký giả kịch trường.
Năm 1962, Thanh Thanh Hoa sanh được con gái, đặt tên là Thanh Thanh Tâm, ý nói nhờ giải Thanh Tâm mà đứa bé được chào đời.
Quan niệm của khán giả và nhứt là ký giả kịch trường ảnh hưởng rất mạnh đối với tiền đồ, sự nghiệp của người nghệ sĩ. Họ quan niệm là đào ca, đào chánh phải đóng chung với kép chánh, nếu thành vợ thành chồng thì đào chánh và kép chánh mới xứng đào xứng kép. Họ cũng nghĩ như kép độc lẳng Hoàng Giang thì vợ cũng là đào lẵng Kim Giác…
Vì quan niệm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường nghệ thuật của Thanh Thanh Hoa, ở với Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa tụt xuống hàng đào nhì, đào ba và Nam Hùng là kép diễn, chỉ là kép độc, kép hạng hai, hạng ba chớ không thể là kép chánh được.
Trong khi đó, các cô đào bị Thanh Thanh Hoa bức bỏ lại rất xa trong cuộc đua giành giải Thanh Tâm năm 1961, thì qua năm 1962, Ánh Hồng và Ngọc Hương đoạt được giải Thanh Tâm. Năm 1963, Bạch Tuyết, Kim Loan (sau đổi là Mộng Tuyền) và Trương Ánh Loan đều được huy chương vàng giải Thanh Tâm. Các cô vừa được kể đều là đào chánh của nhiều gánh nhát đại ban, trong khi đó thì Thanh Thanh Hoa phải chịu số phận hẩm hiu.
Soạn giả Nguyễn Phương
No comments:
Post a Comment