Monday, January 2, 2017

Lisa Phạm - Bao Nhiêu Tiền Đủ Trả Cho Lisa? [Jeffrey Thai]



Đã hơn năm tuần trôi qua, kể từ khi tiếng nói Lisa bắt đầu xuất hiện một cách thường xuyên và rộng rãi trên các trang mạng xã hội phổ biến, cất lên những thanh âm phản kháng đầy cuồng nộ nhắm vào chính quyền cộng sản ở trong nước.

Trước hết và trên hết, người ta nghe trong tiếng nói ấy có một sự căm phẫn tột cùng, cao ngất ngưởng đến tận mây xanh, xoáy vào giới lãnh đạo cộng sản VN hiện nay, nói riêng, và Đảng cộng sản VN, nói chung.

Xét về độ dày và độ cao mà nó được biểu lộ, nỗi căm phẫn hừng hực ấy không thể là của riêng chỉ một cá nhân đơn lẻ. Nó như được và chắc hẳn là được tích tụ lại từ những nỗi căm hờn oan khiên của vô vàn người dân Việt trong nước đang phải sống trong cảnh đọa đày: bị tước đoạt đất đai, tài sản, bị tước đoạt đi quyền sống, quyền làm người…

Như một cách để giải tỏa phần nào nỗi căm phẫn không biết trút vào đâu ấy, người ta thấy tiếng nói ấy bất thần bật lên những tràng thanh âm rủa xả thê lương và ai oán (nhưng không kém phần khốc liệt), một cách có vần, có điệu, một cách rất bình dân và rất “Việt”.




Những tiếng rủa xả ấy rất bình dân! Những tiếng rủa xả ấy rất “Việt”! Chắc hẳn là vậy. Vì chúng thực ra là không xuất phát từ cửa miệng của một công dân Mỹ, đang sống một cuộc đời ấm no và sung túc trên đất lạ quê người. Chúng thực ra là đã vượt qua đường xa vạn dặm, qua núi cao, qua biển rộng, để về đây, mang theo tất cả những u linh, oan trầm, và ưu khuất.

Không chỉ là nỗi căm phẫn, không chỉ là tiếng oán than, người ta còn nghe rất rõ trong tiếng nói ấy - tiếng nói Lisa - một niềm đau, một niềm xót đau, một niềm tủi đau, một nỗi đớn đau mang tên dân tộc, quằn quại không thể nào tả xiết.

Tiếng nói ấy tức tưởi, thét gào theo tiếng kêu gào vô vọng của những kẻ dân oan; tiếng nói ấy nức nở, nghẹn ngào theo sau hình ảnh của bao người dân miền Trung vô tội bị bão lũ cuốn trôi theo dòng nước xoáy; tiếng nói ấy vỡ vụn, đắng cay trước cái viễn cảnh rất gần của một Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ hai, mà khi đó những người dân Việt sẽ bị cai trị thật dã man và hà khắc như những con vật không hơn, không kém …

Căm phẫn, oán than, đau đớn…! Ngày qua ngày. Đêm qua đêm. Tưởng chừng như là quá nhiều. Tưởng chừng như là có chút gì đó hơi bất công và tàn nhẫn, khi mà tất cả những xúc cảm hư hao đó như thông đồng với nhau để trút dồn lên trên và chất đầy bên trong hình hài nhỏ nhoi của một người phụ nữ - người phụ nữ mang tên Lisa Phạm.




Nặng lòng lắm chứ! Day dứt lắm chứ! Tàn phá lắm chứ! Có ai muốn sống mà luôn mang trong lòng nỗi u uất triền miên ấy? Không, không ai cả, không bất kỳ ai. Không anh. Không chị. Không em. Không tôi. Không bất kỳ người dân Việt nào trong nước. Càng là không, đối với một người đang sống một cuộc sống mãn nguyện và đủ đầy giữa một đất nước văn minh – nơi mà luôn có bao người khao khát tìm đến. 

Thế mà, người phụ nữ ấy - người phụ nữ mang tên Lisa Phạm ấy – đã tình nguyện để mang cả gánh nặng của một quê hương lên trên đôi vai nhỏ bé của mình. Tại sao không phải là anh? Tại sao không phải là chị? Tại sao không phải là em? Tại sao không phải là tôi? Mà phải là người phụ nữ nhỏ bé ấy – đi làm cái công việc không hề nhỏ bé chút nào: một mình cất cao tiếng nói chống lại cường quyền, một mình khẩn thiết kêu gọi người dân đồng lòng quật khởi.



Quê hương có bao giờ là của riêng ai đâu? Không phải là anh, là vì anh còn ngày đêm mải mê bên những tiệc nhậu lu bù để trốn chạy hiện thực. Không phải là chị, là vì chị cho rằng chuyện quốc gia đại sự là chuyện của đấng mày râu, chị còn bận rộn mua sắm hay buôn chuyện giết giờ. Không phải là em, là vì em còn phải đi đón thần tượng Hàn mới sang, em còn bao nhiêu trò chơi và bao nhiêu game show nữa đang chờ đợi. Không phải là tôi, là vì tôi quá nhát hèn, tôi sợ hiểm nguy, tôi chỉ có thể yêu nước một cách chung chung, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.

Khi đất nước đang nghiêng ngả bên trên bờ vực vong quốc dưới sự cai trị của cường quyền cộng sản, khi giặc ngoại xâm phương Bắc đang ngày đêm từng bước tiến hành kế hoạch lâu dài thôn tính quê hương, như tình cảnh của đất nước VN hiện nay, yêu nước là một công việc nguy hiểm, yêu nước có nghĩa là đồng nghĩa với hy sinh (kể cả hy sinh mạng sống của mình). Chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tiền để trả công cho những con người đang làm cái công việc yêu nước chân chính nguy hiểm ấy. Và vì thế, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tiền để trả công cho những gì mà Lisa Phạm đang làm ngày nay.


Lòng yêu nước ấy là vô giá.


Có thể bạn đang cố nói với tôi rằng, sao lạ vậy, tôi đang sống ở đây và tôi thấy đất nước đang yên bình lắm mà.  Phải vậy không?  Tôi không ngạc nhiên.  Tôi hiểu và thông cảm cho bạn.  Tôi hiểu và thông cảm rằng đã từ lâu bạn không còn có cái đầu, để nhìn ra sự việc và sự vật như nó chính là.  

Có thể bạn đang cố nói với tôi rằng, sao lạ vậy, tôi đang sống ở đây và tôi thấy người dân đang sống hạnh phúc lắm mà.  Phải vậy không?  Tôi không ngạc nhiên.  Tôi hiểu và thông cảm cho bạn.  Tôi hiểu và thông cảm rằng từ lâu bạn đã không còn có trái tim hay trái tim của bạn, vì lý do gì đó, đã hóa đá tự bao giờ. 

Cũng có thể bạn là một trong những kẻ được thuê mướn để truy tìm, săn đuổi những người yêu nước trong đời thực, hay mạt sát, xúc phạm, bôi nhọ những người yêu nước cất tiếng nói trên mạng ảo.  Phải vậy không?  Không sao.  Tôi hiểu và thông cảm cho bạn.  Tôi hiểu và thông cảm rằng bạn không từ bất cứ công việc gì, miễn là kiếm được tiền để sống.  Tôi hiểu và tôn trọng quyền kiếm sống đó.  

Nói chung, dẫu cho bạn có là kẻ vô thủ, vô tâm, hay vô lương đi nữa, tôi cũng thật lòng mong là  bạn sẽ có một đời sống tốt đẹp theo như bạn nghĩ.  Và hãy cố gắng để duy trì và trao truyền cuộc sống tốt đẹp đó đến thế hệ con cháu của bạn - những kẻ rồi sẽ sống theo đúng cái cách mà bạn đã từng sống. 


Hãy sống và sinh sôi nảy nở trong cái thế giới tốt đẹp ấy của bạn.  Tôi thật lòng mong như vậy cho bạn, duy chỉ xin được nhắn nhủ một điều:  quá trình tiến hóa từ thế giới của loài động vật hai chân ấy đến thế giới của con người hiện đại là một bước đường dài - rất dài.  


31/12/2016
Jeffrey Thai 

No comments:

Post a Comment