Tuesday, September 19, 2017

Sau 7.000 Dặm Đường Xa - Jeffrey Thai (Version 2)



Trong tôi, đi như là một sự thôi thúc dài lâu - sự thôi thúc của những đam mê mãnh liệt chìm sâu. Trong tôi, đi như là một sự khai phóng - khai phóng khỏi những cũ kỹ, nhàm chán và tù đày. Trong tôi, đi như là một cách để tìm lại chính mình, tìm lại cái bản ngã chân chính mà mình đã để lạc mất đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược.


7000 dặm đường xa trên bản đồ Google.


Phần I - Đi Như Một Sự Thôi Thúc Dài Lâu

Tôi vừa trở về từ sau một chuyến đi dài, rất dài; rong ruỗi miệt mài không ngưng nghỉ trên những chặng đường gió bụi. Đó là chuyến đi trên 7.000 dặm đường xa, mà mỗi dặm đường gói ghém trong nó những cung bậc cảm xúc khác nhau của người lữ khách đường trường. Tôi vẫn cho rằng đó là chuyến đi mà mỗi con người chỉ có thể thực hiện được một lần duy nhất thôi trong cuộc đời mình. Không phải chỉ vì nó quá dài, quá xa, mà còn vì nó rất đỗi... cô đơn, và kể cả nguy hiểm nữa. Nếu không thực lòng đam mê, không ai tự nguyện thực hiện một cuộc phiêu lưu kỳ bí (mà có đôi khi mình không trở về nữa) như thế bao giờ.

Từ bấy lâu nay, chuyến đi này hiện hữu trong tâm trí tôi như là một món nợ mà mình phải trả cho cuộc đời này. Tôi phải trả món nợ ấy là vì đó là cách duy nhất mà tôi có thể tìm thấy được chút ý nghĩa đích thực khả dĩ nào đó cho đời sống mình. Tôi phải trả món nợ ấy là vì chủ nợ tuy không lên tiếng gắt gao để đòi, vẫn âm thầm thúc giục một sự hoàn trả sòng phẳng trước khi tôi nhắm mắt lìa đời. Trong tôi, đi như là một sự thôi thúc dài lâu - sự thôi thúc của những đam mê mãnh liệt chìm sâu. Trong tôi, đi như là một sự khai phóng - khai phóng khỏi những cũ kỹ, nhàm chán và tù đày. Trong tôi, đi như là một cách để tìm lại chính mình, tìm lại cái bản ngã chân chính mà mình đã để lạc mất đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược.

Thực ra, chuyến đi này của tôi không hẳn chỉ mang ý nghĩa đi tìm vốn sống cho dù có nghĩ như thế đi nữa thì có lẽ cũng chẳng có gì sai. Đúng hơn, tôi cho rằng đó là một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại những cảm xúc tinh khôi và nhân bản đã bị thui chột theo dòng đời năm tháng, đã bị mài mòn trong những cuộc tương tác lạnh lùng và trơ tráo với con người thời hiện đại. Con người ấy, con người cũ ấy, con người với đầy những cảm xúc dâng trào ấy trong tôi, đã từ lâu nằm trên giường bệnh, cất lên những tiếng hấp hối não lòng về một cái chết thật âm thầm và lặng lẽ. Ở phương diện ấy, cuộc hành trình tôi đi mang dáng nét của một phương án cứu rỗi sau cùng.


Phần II - Chào El Paso Ngày Mới


Hôm nay, vừa di chuyển thêm một múi giờ nữa, có nghĩa là so với Atlanta là nơi xuất phát thì nơi đây thời gian chậm hơn hai giờ (trong khi ở San Antonio và Houston thì chỉ chậm hơn một giờ). Càng đi về phía Tây của nước Mỹ thì múi giờ càng lệch nhiều hơn (càng chậm hơn so với ở phía Đông).

Tôi đến với thành phố El Paso này như vừa qua một cơn mơ. Tất cả hùng vĩ quá, đẹp và lãng mạn một cách không ngờ, vượt qua mọi sự tưởng tượng. Đêm El Paso thanh bình và thần tiên, chìm ngập giữa hàng triệu ánh đèn lấp lánh tỏa khắp các triền núi bao quanh thành phố. Không như Atlanta và các nơi vừa đi qua (gieo nhiều cảm giác lo sợ về sự không an toàn), ở El Paso có thể nhìn thấy xe cảnh sát ở khắp mọi nơi mỗi khi đảo mắt nhìn quanh. Con người nơi đây cũng lạ: ai cũng thân thiện, cũng cúi đầu chào, cũng nói chuyện như thể đã quen nhau. Trong thoáng phút giây nhận ra không còn nhiều sự hiện diện của những người Mỹ da đen nữa - cơn ác mộng của những ngày tôi vừa sống qua.

Chiều El Paso thật bình yên, mang sức sống của một thành phố đang phát triển. Không thấy nơi nào có bóng dáng tội phạm. Tôi cứ có cảm giác đang lạc vào thế giới nào khác chứ không phải nước Mỹ. Xa lộ tuy xe rất đông và mọi người chạy nhanh nhưng cách họ chạy rất lịch sự: nhường đường bằng ánh mắt, không tỏ vẻ bực bội bao giờ, các dòng xe cứ lặng lẽ lướt qua nhau an bình. Nghỉ ngơi một chút nơi một công viên tĩnh lặng giữa lòng thành phố, những dòng suy nghĩ sau chợt nảy ra trong tâm trí tôi: “Khi chúng ta cảm thấy ngột ngạt, tù túng với thế giới cũ kỹ và nhàm chán của bản thân, hãy đi tìm một thế giới mới tươi nguyên hơn. Thế giới ngoài kia còn vô số điều để nhìn ngắm, để chiêm nghiệm. Còn có đâu đó những con người tử tế mà ta sẽ gặp trên đường. Hãy dấn thân. Chỉ cần một ít lòng dũng cảm.”

Phần III - Một Điều Gì Đó Vừa Sống Lại Trong Tôi

Hình như ngay ở phút đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố El Paso ấy, có một điều gì đó vừa sống lại (dẫu chỉ chút ít thôi) trong lòng tôi, và tôi thấy lòng mình khẽ khàng mở ra he hé.

Chiều tối hôm ấy ở thành phố El Paso thuộc tiểu bang Texas, tôi ngạc nhiên thấy mình nhìn trực diện và chăm chăm vào gương mặt xinh đẹp và trẻ trung của cô gái người Mễ Tây Cơ phục vụ bàn. Hình như đã lâu lắm rồi, tôi không nhìn ai thật lòng như thế. Trong ứng xử hằng ngày, tôi tránh không nhìn vào mặt người khác; một nỗi lo ngại mơ hồ nào đó luôn nhắc nhở tôi rằng đó là những gương mặt người... đáng sợ.

Sợ ư? Chẳng phải tôi vốn luôn tự hào rằng mình chẳng biết sợ là gì, ngay cả đến cái chết sao? Đúng vậy, tôi đã đôi lần trải qua một vài kinh nghiệm sinh tử nhưng lại không hề cảm thấy sợ hãi là gì. Thế mà, tôi cũng không hiểu vì sao, từ một ngày nào đó, tôi bỗng nhiên cảm thấy mình sợ hãi những gương mặt... người. Những gương mặt mà tôi phải đối diện hàng ngày đã để lại trong tâm trí tôi một ám tượng sợ hãi mơ hồ nào đó không tên. Có thể đó là hậu quả của sự lặp đi lặp lại những cuộc tương kiến không mong đợi. Cũng có thể đó là sự tích tụ dài lâu của những bất đồng nho nhỏ giữa tôi với con người.

Cô đến bên tôi, cứ đi rồi trở lại, với lời hỏi han ân cần. Cái sự ân cần ấy thật lạ, nó khác bình thường nhiều lắm, vì nó bỗng xóa tan ngay cái khoảng cách chủng tộc giữa hai cá thể con người và cả khoảng cách tuổi tác nữa. Tôi để ý thấy cô cũng đối xử như thế với các khách hàng khác. Không khó để đoán rằng, cái sự ân cần và nhiệt tình ấy của cô là nhằm mục đích có được tiền thưởng của khách cao hơn. Nhưng nếu chỉ có thế thôi, thì có cần phải sốt sắng và chân thành đến thế không? Tôi vừa thấy có chút ấm áp, vừa cảm thấy tội nghiệp cô trong cuộc mưu sinh vất vả. Để lại món tiền thưởng gấp đôi bình thường, tôi hình dung ra gương mặt cô nở một nụ cười hạnh phúc và biết ơn.

Thật ra, tôi đã nhìn thẳng vào cô với ánh mắt mở rộng không chút gì nghi ngại ngay ở giây đầu tiên chạm mặt, chứ không hẳn đợi đến lúc nhận ra rằng cô là một cô phục vụ bàn nhiệt tình và lịch sự. Hình như ngay ở phút đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố El Paso ấy, có một điều gì đó vừa sống lại (dẫu chỉ chút ít thôi) trong lòng tôi, và tôi thấy lòng mình khẽ khàng mở ra he hé.


Phần IV - Kỷ Niệm El Paso


Thành phố El Paso (tiểu bang Texas) với đồi núi chập chùng bao quanh.

Tôi đang ngồi cạnh khung cửa sổ ở tầng ba của một khách sạn. Ngoài kia, đêm El Paso càng về sâu hơn, đã quá nửa đêm. Hàng ngàn, hàng vạn ánh đèn nhấp nháy dọc theo các triền núi khiến đêm El Paso như một đêm của thần thoại. Tuy nhiên, đó là đêm thần thoại của thời hiện đại, vì những dòng xe cộ liên tục chạy trên xa lộ dưới kia đã lôi kéo con người trở về với thực tại.

Tôi đang ngồi cạnh khung cửa sổ ở tầng ba của một khách sạn - một điều thoáng nghe qua, có vẻ như quá đỗi bình thường. Thực ra, không phải vậy - không là bình thường chút nào. Khách sạn có nghĩa là quán trọ của một đêm hay của nhiều đêm. Và vì thế, khách sạn có nghĩa là dịch chuyển - từ một địa điểm này đến một địa điểm khác. Có những hoa từ ngày xưa gọi sự dịch chuyển đó là "bước chân phiêu lãng" hay "gót tang bồng". Tôi yêu thích vô cùng và có một ám ảnh đậm sâu với những hoa từ ấy.

Và cũng vì sự ám ảnh đậm sâu đó, mà tôi có lý do để yêu thích vô cùng nhạc phẩm Yêu Thầm của nhạc sĩ Lam Phương. Trong nhạc phẩm ấy, bao trùm là hình ảnh của một con người lãng tử "một đời phiêu lãng... dừng chân nghe sương gió nặng trên đôi vai". Tôi thấy trong con người mình có một thôi thúc không ngưng nghỉ và mãnh liệt vô cùng về một cuộc đời phiêu lãng như thế. Thế mà, đã từ lâu, tôi tự nguyện giam mình trong một thế giới cũ kỹ và nhàm chán đến buồn nôn. Và chính vì thế, đã từ rất lâu, tôi chẳng có dịp nào để ngồi cạnh khung cửa sổ của một căn phòng khách sạn - một điều tưởng chừng như quá đỗi bình thường.

Tôi đang ngồi cạnh khung cửa sổ ở tầng ba của một khách sạn - một khách sạn ở thành phố El Paso. Tôi ngồi đây để viết về... kỷ niệm. Kỷ niệm? Ở một thời điểm nào đó rất xa xưa, và ngay cả ở những tháng ngày không xưa lắm, tôi hay nghĩ về và viết về kỷ niệm. Tôi vốn là một tín đồ cuồng si của kỷ niệm. Tôi vốn cho rằng đời sống của mỗi con người chẳng qua chỉ là tập hợp của những kỷ niệm. Tôi vốn cho rằng mỗi khoảnh khắc mình đã sống qua là một kỷ niệm - những kỷ niệm mà một khi chúng đã trôi qua sẽ chẳng bao giờ còn trở lại. Và vì thế ở những tháng ngày còn thơ trẻ, có đôi khi tôi ngồi đó mà tiếc thương cái khoảnh khắc kỷ niệm chỉ vừa mới trôi qua một vài giây trước đó.

Rồi có một ngày (tôi không xác định được chính xác là khi nào), kỷ niệm và tôi chợt trở thành những người khách lạ như thể chưa quen biết bao giờ. Có đôi khi, tôi cố quay về vùng trời cũ mà mình đã sống để lục lọi lại trong mớ ký ức hỗn mang chút bóng dáng kỷ niệm nào đó để tìm chút ý nghĩa cho đời sống. Điều tôi tìm thấy chỉ là một khoảng trống - một khoảng trống trống không và lạnh lẽo. Không còn lại ai, không còn lại gì: Tôi không còn nhớ đến ai và tôi không còn nghĩ về ai nữa.

Từ một ngày nào đó, tôi đã sống mà không còn nghĩ về ai và nhớ về ai nữa. Từ một ngày nào đó, ám tượng của tôi về con người là ám tượng của những nhiêu khê, bất trắc, giả trá và phù du - thậm chí là độc ác và bạo tàn. Trong cuộc sống thường nhật, tôi tập sống mà không nhìn vào mặt con người để phòng tránh những ám ảnh không hay trong tâm trí; dẫu biết rằng chẳng làm sao có thể tránh khỏi hoàn toàn được. Có những con người (vô lương) chúng ta không muốn thấy, không muốn biết, không muốn nhớ đến nhưng vẫn phải đối mặt hằng ngày trong cuộc sống áo cơm. Tôi cho rằng đó là bi kịch của đời sống tôi, của đời sống con người thời hiện đại.

Tôi đang ngồi cạnh khung cửa sổ ở tầng ba của một khách sạn - một khách sạn ở thành phố El Paso. Tôi ngồi đây và ngạc nhiên vô cùng khi thấy mình viết về... kỷ niệm - kỷ niệm với El Paso. Có lẽ người ta không biết rằng đất cũng giống như con người, cũng có linh hồn. Chỉ hơn 24 giờ sống với El Paso thôi mà tưởng chừng như đã gắn bó, đã thương yêu: những dòng xe âm thầm, những gương mặt nhìn nhau cười thân ái, những ánh đèn giăng mắc ngập trời về đêm...

Và có điều này nữa mà tôi đã biết lắm từ lúc tôi mới đến với El Paso: đồi núi, đồi núi chập chùng. Những rặng núi nhấp nhô với những đỉnh đồi hoang trọc luôn gợi lại trong tôi những ký ức không rõ tên nhưng sống động lạ thường. Cứ mỗi lần tôi nhìn đồi núi, có một điều gì đó dường như vừa sống lại, vừa tái sinh trong lòng. Cứ mỗi lần tôi nhìn chúng, tôi dường như thấy mình chìm ngập trong một thế giới đầy những ảo ảnh thần tiên. Chiều nay, tôi đã lái xe vòng quanh cả một vành đai bao quanh thành phố, và nhận ra rằng, lần đầu tiên mình và đồi núi bạt ngàn gần gũi nhau đến thế.

Đêm nay là đêm cuối với El Paso. Chợt như có một chút luyến thương trong lòng khi tôi lái xe vòng quanh thành phố về đêm. Chợt như có một chút gì đó bùi ngùi trong lòng như khi một người thương sắp rời xa một người thương. Và vì thế, tôi xin được gọi nó là kỷ niệm - kỷ niệm với El Paso. Mà kỷ niệm nhiều khi đến và đi rất đỗi vô tình nên tôi nghĩ là tốt hơn mình nên ghi nó lại nơi đây.


Phần V - Những Con Người Tử Tế
Chiếc xe đã đi cùng tôi trên 7000 dặm đường xa, vượt qua bao nguy hiểm và lo sợ. Nó đã trở nên gắn bó và thân thiết đến nỗi việc chăm sóc vẻ ngoài của nó trở thành một bổn phận tự giác.

Một nhà hàng của người Mễ ở thành phố El Paso, nơi tôi có dịp trò chuyện với gã người Mễ tình cờ gặp trong đó.

Thành phố Las Vegas về đêm. Ảnh được chụp khi lái xe vòng quanh thành phố. Vì là ngày thường nên đường phố không đông lắm. Trên bầu trời có vầng trăng gần tròn rất đẹp.

Ai mới đến thành phố Las Vegas lần đầu tiên không thể không choáng ngợp với thế giới đầy màu sắc về đêm. Cứ như một thiên đường nơi hạ giới. Đối với tôi, đây đã là lần thứ hai. Lần đầu là cách đây 12 năm về trước.

Phút giây đầu tiên ấy, trên vỉa hè El Paso, có một gã thanh niên khoảng trên 30 tuổi (mà tôi không rõ là người Mỹ trắng hay người Mễ Tây Cơ, hay có thể là người có hai giòng máu pha trộn) mang một vóc dáng phong trần đường phố, đã chủ động nhìn thẳng vào tôi và chào tôi với ánh mắt và phong cách mang chút gì đó nét trang trọng và cung kính cổ xưa. Dường như đã khá lâu rồi tôi không còn bắt gặp được nét trang trọng đó, nét cung kính đó nơi con người. Và đây quả thật là một kinh nghiệm lý thú đầu tiên của tôi v ới thành phố El Paso.

Đêm hôm ấy - đêm đầu tiên ở thành phố El Paso, khi đã quá nửa đêm và hầu như mọi nhà hàng đã đóng cửa, tôi ghé vào một nhà hàng Mexico ở gần khách sạn tôi ở. Có dịp trò chuyện với gã người Mễ mà tôi tình cờ gặp trong phòng vệ sinh, tôi mới cảm nhận thêm được rằng đây quả là một thành phố thân thiện làm sao. Chỉ mới gặp nhau ít phút thôi mà cuộc chuyện trò cứ như giữa hai con người đã quen biết nhau từ trước. Gã thật cởi mở và nhiệt tình với câu chuyện. Tuy vậy, tôi biết đám bạn gã bên ngoài đang đợi gã ở bàn ăn nên đã lịch sự ngắt ngang ; nếu không, có vẻ như gã sẵn sàng nói tiếp thật lâu. Cũng lạ, chỉ mới gặp cách đây ít phút thôi mà!

Ở chỗ rửa xe có tên là MAGIC TOUCH CAR WASH, máy đổi tiền lẽ không còn hoạt động. Tôi khá ngạc nhiên khi cậu trai người Mễ còn rất trẻ chẳng những sẵn sàng đổi giùm cho tôi mà còn cho thêm tiền lẽ để đủ tiền rửa xe. Ban đầu khi thấy số tiền lẽ thừa ấy, tôi ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao, cứ tưởng rằng cậu ta đưa lộn. Vì không nói được tiếng Anh nên cậu ta phải dùng ngôn ngữ cơ thể để giải thích. Lúc ấy, tôi mới hiểu ra lý do. Số tiền chẳng có là bao nhưng thái độ ân cần và lễ phép của chàng trai trẻ ấy thật là một sự tử tế lớn. Sự tử tế ấy tuy đơn giản biết bao nhưng không phải ta có thể gặp được ở bất kỳ nơi đâu.

Thành phố Las Vegas là nơi nổi tiếng thế giới về những ánh đèn màu về đêm. Khi bóng đêm buông xuống cũng là lúc thành phố hiện lên thật lung linh và huyền ảo với muôn triệu ánh đèn màu. Có cô gái Mỹ không còn trẻ lắm chạy xe đạp vòng quanh để tập thể dục, thấy tôi mải miết chụp ảnh, khi đã quá nửa đêm, nhoẻn miệng cuời thật thân thiện và ấm áp. Rồi khi tôi lên xe rời đi, có một cô gái Mỹ thật trẻ khác cứ bám theo, ra dâú hạ kính cửa xe xuống với vẻ mặt hốt hoảng. Hóa ra, cô đang cố để báo tôi hay là tôi đã quên bật đèn xe. Thành phố Las Vegas được mệnh danh là thành phố tội lỗi nhưng lạ thay, tôi đã gặp ở đây những con người thật tử tế và ân cần.


Phần VI - Chiều Barstow: Dừng Chân Nghe Sương Gió Nặng Trên Đôi Vai

Thành phố Los Angeles nhìn từ trên cao, từ phía Hollywood Universal Studios

Đường lên Hollywood Universal Studios.

Đường phố San Francisco với những độ dốc cao và nguy hiểm đến mức có thể làm lúng túng bất cứ tay lái sành sỏi nào.

Tôi sẽ không bao giờ quên buổi chiều ấy, buổi chiều ở Barstow. Đó là buổi chiều mà lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm nhận được cái cảm giác "một đời phiêu lãng... dừng chân nghe sương gió nặng trên đôi vai".

Thực ra, Barstow chỉ là một thị trấn nhỏ nằm ở ven đường. Nó nằm ven xa lộ nối liền hai thành phố lớn là Las Vegas và Los Angeles. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ dừng chân qua đêm ở một thị trấn nhỏ bé bao giờ; tôi sợ cái vắng lặng và tịch liêu của nó, tôi cũng ngại những quán trọ không được tiện nghi. Thế mà, tôi đã ghé đến và dừng chân ở Barstow, và tình cờ cảm nhận được ở nơi đây một buổi chiều thật bình yên và ý nghĩa đủ đầy cho một người khách phương xa đã quá mệt mỏi với bụi đường.

Tôi đến Barstow sau khi từ giã thành phố San Francisco với nhiều những bất trắc và lo âu. Không chỉ San Francisco mà cả Los Angeles cũng thế, chúng đều là những thành phố không an toàn với bao bất trắc chực chờ. Chiều tôi đến hai thành phố, trời giá buốt lạnh căm làm cơ thể cảm thấy rã rời. Âm thanh đầu tiên tôi nghe ở Los Angeles là tiếng còi xe cấp cứu vang rền làm mình cảm thấy một sự đe dọa không tên. Âm thanh đầu tiên tôi nghe khi thức dậy sau đêm đầu tiên ở thành phố ấy cũng vẫn chính là âm thanh đầy hoảng loạn ấy. Và rồi cái âm thanh không mong đợi ấy cứ tiếp tục vang lên ở mọi chốn, mọi nơi. Và rồi những kẻ lái xe điên cuồng không luật lệ hiện diện khắp nơi và bất thần xuất hiện bất kỳ lúc nào làm việc lái xe trên đường và xa lộ trở thành một nỗi sợ hãi mơ hồ.

Tôi đã rời San Francisco với một sự rã rời về cơ thể do cái cảm lạnh cuả thời tiết đột nhiên giá buốt. Tôi đã rời San Francisco với một sự rã rời về tinh thần do phải thường xuyên đối phó với bao bất trắc cứ chực chờ xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự bất ổn của tiểu bang California đến như thế này: giao thông thật mạo hiểm và vật giá lại quá cao. Quyết định để quay về một chút sớm hơn so với dự tính, trong trạng thái rã rời ấy, tôi đã phải chọn phương án quay trở về bằng lối nào an toàn nhất thông qua những con đường nhỏ. Sau một ngày len lỏi qua những con đường nhỏ, trước khi đến được Barstow, một kẻ lái xe tải mạo hiểm trên xa lộ California lại đủ kịp thời gian để để lại cho tôi một cảm giác kinh hoàng nữa trước khi thoát ra khỏi được địa phận của tiểu bang này.

Đến với thị trấn Barstow thông qua những con đường ngoằn ngoèo, hai bên đường mênh mông và hoang vắng, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây chính là một buổi chiều mà từ lâu tôi kiếm tìm. Đó là buổi chiều bình an dành cho một kẻ đường xa, đã mệt nhoài sau những phong trần trên dặm đường sương gió. Đó là một buổi chiều mà người lữ khách đường xa dừng chân nơi một quán vắng bên đường và cảm nhận hết được nỗi nhọc nhằn trên đôi vai, trong lòng mình. Ở đây, trong chiều Barstow này, tôi thực sự sống với tâm thái của gã lữ hành trong nhạc phẩm Yêu Thầm của nhạc sĩ Lam Phương.

Thị trấn này bình yên đến nỗi ông chủ của khách sạn tiếp đón tôi như một người thân đã quen biết từ lâu. Ông ta giới thiệu mình đến từ Nam Mỹ, rồi kể cho tôi nghe ông đã xây dựng được cơ ngơi khách sạn này như thế nào. Ông còn nhiệt thành kể tiếp về dự án sửa chữa mà ông ta đang thực hiện để cải tiến khách sạn, và rồi ông dẫn tôi đi xem những nơi mà ông đang cho sửa chữa còn dang dở. Đón đêm bình yên ở Barstow, tôi nhớ lại cảm giác ngày xưa vì sao mình rất thích đi vào những vùng rất hoang liêu và cô tịch. Một lần nữa, tôi hiểu rất rõ vì sao. Vì nơi ấy có điều mà tôi luôn mong chờ: một thứ tình người thân ái và ấm áp, không ngăn cách.

Đêm Barstow qua đi trong tất cả những sự yên bình và lắng đọng mà một thị trấn có thể có được trên đất Mỹ này.


Phần VII - Mưa Chiều Oklahoma: Mưa Thương Ai, Mưa Nhớ Ai!



Chiều tôi đến thành phố Oklahoma City, mưa rơi suốt một chặng đường dài. Trời âm u với toàn những áng mây xám làm không gian nhuốm buồn man dại. Có một điều gì đó khuấy động dữ dội trong tâm hồn tôi chiều nay - một sự khuấy động dữ dội mà đã từ lâu rồi tâm hồn tôi thiếu vắng. Hình như có một nỗi nhớ nào đấy chợt dâng tràn lên mãnh liệt. Hình như có một nỗi luyến tiếc nào đấy chợt dâng tràn lên thật mơ hồ. Hình như có một nỗi xót xa nào đấy đang âm thầm nức nở theo tiếng mưa rơi.

Tôi biết tất cả sự khuấy động ấy bắt đầu từ lúc tôi bất ngờ nhìn thấy cuộn khói xám thật lớn bốc lên từ trên một cánh đồng mênh mông, lúc tôi vừa rời địa phận của tiểu bang New Mexico và đi vào địa phận của tiểu bang Texas. Ôi! hình ảnh ấy thật quen thuộc quá: khói chiều quê mẹ đây mà. Hình ảnh đơn giản thế thôi mà sao làm buốt giá lòng tôi và một nỗi đau mơ hồ nào đó chợt dâng trào. Phải, đã lâu lắm, đã thật lâu lắm tôi không còn được nhìn thấy cảnh tượng thân quen ấy từ trong thời niên thiếu. Phải, đã lâu lắm, đã thật lâu lắm, đã gần hai thập kỷ trôi qua, tôi chưa một lần về thăm lại phố huyện quê nhà. Nỗi nhớ chợt dâng trào thật mãnh liệt đến mức tưởng chừng như không chịu đựng nổi.

Tôi đã sống qua chiều mưa trên xa lộ của tiểu bang Oklahoma với một tâm trạng nhớ nhung đầy hoài cổ và xót xa như thế. Nhìn mưa rơi, nhìn trời chiều u ám, nhìn mây xám giăng đầy, ôi sao tôi nhớ những chiều mưa xưa tôi đã sống ở quê nhà đến thế, nhất là những chiều mưa tôi ngồi trên những chuyến xe đò đi về những nơi xa. Và rồi những chiều mưa trên những con đường sình lầy mà tôi đã đi cũng trở về trong tâm trí với một dáng nét thật gần. Gần đấy thôi mà chẳng thể với tới được. Gần đấy thôi mà đã xa lấp, khuất chìm rồi với dòng thời gian.

Trong chiều mưa hôm nay trên xa lộ Oklahoma, tôi cảm nhận thêm lần nữa điều này: cái hạnh phúc không tên rất đỗi bình dị và êm ả của những chiều mưa mà tôi đã sống ở quê nhà tưởng bình dị thế thôi, mà sao dường như có một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng. Xa đấy, xa thật lâu rồi, nhưng không quên đâu, chỉ tạm ngủ yên thôi. Để khi nó sống dậy, nó sống thật thiết tha, và khi nó phải đối diện với hiện thực vong quốc hôm nay, tôi đã phải cố hết sức để kiềm chế một sự vỡ òa uất nghẹn của một nỗi đau quá to lớn và quá xót xa.

Quãng đường từ chỗ đậu xe đến khách sạn vô tình thật xa, vì những chỗ gần đã hầu như bị chiếm hết. Tôi dầm mình đi trong mưa và cảm nhận một sự khác lạ thật thân quen. Dường như đã gần nửa thế kỷ trôi qua hay thậm chí lâu hơn thế nữa, tôi không có dịp nào để đi trong mưa như thế này. Như tôi đã rất thường đi như thế vào những ngày xưa tôi còn sống ở quê nhà.





Phần VIII - Xa Lộ 22: Trong Bóng Đêm Miên Viễn

Khách sạn ở Forrest City của tiểu bang Arkansas: Đã đến nhưng không ở.

Trong bóng đêm miên viễn của xa lộ 22

Tôi từ giã thành phố Oklahoma với một bầu trời thật u ám và những đám mây xám mang hình nỗi nhớ. Khác với phía Tây của nước Mỹ với thật nhiều đồi núi, càng đi về phía Đông, về phía Atlanta, núi trọc càng trở nên ít đi, cây xanh nhiều hơn, và khi băng qua địa phận của tiểu bang Arkansas, có những đoạn đường mà hai bên toàn là những cánh đồng lúa mênh mông giống hệt như cảnh vật của Việt Nam.

Có lẽ vì cảnh vật giống nhau đến thế nên tôi lại có thêm một ngày nữa sống trong tâm trạng hoài hương vô cùng mãnh liệt. Đã lâu, đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp để sống với tâm thế của một người con đất Việt và tôi nhận ra rằng, dẫu đã xa lâu rồi, dẫu đã cố quên, nỗi nhớ quê hương vẫn luôn âm thầm da diết trong con người mình; nó chỉ chực chờ cơ hội để sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Thực ra, đoạn đường 850 miles từ thành phố Oklahoma City về đến Atlanta là một đoạn đường quá dài cho một ngày đường; vì thế, tôi đã có đặt khách sạn ở thành phố Forrest City ở ngay giữa đoạn đường và dự định sẽ nghỉ một đêm nữa ở đó. Thế nhưng, khi ghé qua khách sạn ấy vào khoảng 7 giờ tối, nhìn thấy ngoài trời còn sáng, một sự thôi thúc nào đấy thật mãnh liệt khiến tôi quyết định quay trở lại ra xe để tiếp tục cuộc hành trình, dù biết rằng đó là một điều khá mạo hiểm: chỉ còn khoảng hơn một tiếng nữa thôi là trời sẽ tối và đoạn đường trước mắt còn hơn 400 miles nữa, tức là mất khoảng sáu giờ lái xe nữa.

Tôi không cưỡng lại được mình. Tôi biết tôi không thể trở vào khách sạn để lặp lại cái điệp khúc quen thuộc đã trở nên nhàm chán. Có một sự háo hức dâng trào, có một niềm vui âm thầm, có một chút lo âu, có một chút thử thách. Tôi biết tôi yêu thích sự háo hức cùng niềm lo âu thử thách đó. Bằng việc tiếp tục cuộc hành trình, tôi biết tôi lại có thêm được ít thời gian nữa để sống trong cơn mộng du hoài niệm mà đã thật lâu rồi tôi không có được. Hoàng hôn dần buông xuống, tôi tiếp tục lái xe về với tâm thế của một con người dĩ vãng đang sống những chiều hoàng hôn nơi quê nhà.

Hơn ba giờ lái xe trong bóng tối trên xa lộ 22 không quen thuộc băng qua địa phận của tiểu bang Tennessee, Mississippi và Alabama có thể xem là một cơn mộng du mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi biết tôi không đang lái xe bằng con người hiện tại của mình. Tôi biết tôi đang là một con người của dĩ vãng, và để được sống lại, dẫu chỉ ít phút giây thôi ảo hình trong quá khứ, thì bóng tối này có ý nghĩa gì đâu. Tôi thấy mình háo hức và có một chút hạnh phúc nào đó cứ bãng lãng mơ hồ trong bóng đêm hoài niệm mà tôi đang lái xe lướt qua.

Tối! Tối quá! Đoạn đường bị bóng cây hai bên đường bao phủ nên bị phủ trùm bởi một màn đêm dày đặc. Đường lại dốc cao, dốc thấp nên không thấy được phía trước là gì. Tôi âm thầm đi trong đêm và lần đầu tiên, thấy mình mong mỏi thiết tha một ngọn đèn xe. Phải! Chỉ cần một ngọn đèn xe là đủ an toàn rồi, giống như là có người dẫn đường phía trước, mình không sợ phải lao xuống vực sâu nào. Tôi miệt mài bám theo bất cứ ánh sáng nào xuất hiện trong đêm và trong bóng đêm mù mịt, tôi thấy mình thật phiêu lưu và mạo hiểm biết bao nhiêu, tôi thấy mình không biết lo sợ là gì. Dường như có một sự che chở nào đó luôn bao quanh tôi. Tôi cảm nhận rất rõ điều đó mỗi lần tôi phiêu lưu sinh mạng mình trên những xa lộ mênh mông.

Ba giờ đồng hồ trong bóng đêm miên viễn trên xa lộ 22 xa lạ rồi cũng trôi qua. Ánh sáng thành phố Birmingham của tiểu bang Alabama bắt đầu xuất hiện trước mặt tôi như ánh sáng của thiên đường cứu rỗi. Thôi, thế là an toàn rồi. Thế là, tôi đã đến được xa lộ 20 quen thuộc để về đến Atlanta trong khoảng hai giờ nữa.

Nhìn lại bóng đêm phía sau lưng, tôi thấy mình vừa sống qua những phút giây không thể quên, và dường như đó là một con người hoàn toàn khác hẳn, không hề biết run sợ là gì.

Phần IX - Anh Còn Nợ Em




Trên 7.000 dặm đường xa trong cuộc hành trình mà tôi lái xe băng qua các tiểu bang nước Mỹ, có một nhạc phẩm tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần và tình cờ đã gắn vào lòng tôi rất chặt. Đó là nhạc phẩm Anh Còn Nợ Em của nhạc sĩ Anh Bằng. Thực lòng, lúc ấy tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại say sưa với nhạc phẩm ấy đến thế. Tôi đã nghĩ rằng có thể là do chất giọng của chàng ca sĩ trầm ấm và tha thiết quá. Cũng có thể là do những quảng đoạn ngân cao của bài hát thống thiết và da diết lạ thường. Cũng có thể là do quang cảnh khoáng đạt, bát ngát và hoang vu hai bên đường đã khiến mọi cung bậc ngân lên được khoác lên lớp áo liêu trai, mộng mị đầy thu hút.

Tình cờ nhìn lại được em sau biết bao ngày dò tìm trên facebook, tôi mới hiểu ra rằng vì sao tôi lại yêu nhạc phẩm Anh Còn Nợ Em đến thế. Thói thường, khi người ta càng biết nhau hơn, người ta càng trở nên hụt hẫng với những khám phá không mong đợi. Kinh nghiệm của tôi với em là một kinh nghiệm hoàn toàn ngược lại. Ngày ấy còn trẻ người và non dại, tôi vốn luôn nghi ngờ tình cảm mà em dành cho tôi, tôi cứ nghĩ rằng xinh đẹp và có tiền thừa thãi như em thì tội vạ gì phải dành tình cảm chân thành cho một kẻ chẳng có gì như tôi. Tự trọng và kiêu hãnh, có những lúc tôi thật lạnh lùng, kể cả những lúc em khóc buồn rưng rức.

Đã rất nhiều năm trôi qua kể từ ngày đầu tôi gặp em, và bây giờ tôi đã bắt đầu chớm già. Có lẽ cái sự “chớm già” ấy bỗng nhắc nhở cho tôi biết rằng trong cuộc đời mình, mình đã mắc phải một món nợ ân tình rất lớn. Hai thập kỷ viễn xứ đã trôi qua trên đất Mỹ, chưa một lần nào tôi bắt gặp lại được (dẫu chỉ một mảnh nhỏ thôi) bóng dáng của cái khối ân tình đẹp đẽ mà em đã dành cho tôi. Cảm giác nợ nần có lẽ vì thế mà đã manh nha khởi phát đâu đấy từ trong tiềm thức ngủ yên.

Còn một điều này thật quan trọng nữa mà tôi đã suýt quên nói ra. Tôi cảm thấy nợ em thật nhiều còn vì một lẽ này nữa: Sau tất cả những cay đắng tình đời mà tôi đã sống qua, em là người duy nhất đã cho tôi niềm tin rằng, dẫu có bao nhiêu năm tháng trôi qua, có ít nhất một con người nào đó mà lòng dạ của họ sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Dẫu rằng, tôi chẳng bao giờ cho em có dịp nhìn thấy hay biết gì về tôi nữa, như đã từng vô tình là như thế , tôi vẫn tin rằng nếu có một dịp xui khiến nào đó em và tôi vô tình gặp lại nhau giữa dòng người hối hả, thì em vẫn sẽ nhận ra tôi ngay và chạy đến bên tôi mà hỏi trong hơi thở dập dồn: Còn nhớ hồi đó không anh? Tôi sẽ trả lời rằng: Nhớ, nhớ chớ. Làm sao mà quên được.

Ôi! hình ảnh đó mới đẹp làm sao!

(08/2017)
Jeffrey Thai








No comments:

Post a Comment