Đạo diễn: Leon Quang Lê
Sản xuất : Ngô Thanh Vân, Irene Trinh
Cốt truyện: Leon Quang Lê, Nguyễn Thị Minh Ngọc
Diễn viên: Isaac, Liên Bỉnh Phát, Kim Phương, Hữu Quốc, Minh Phượng, Thanh Tú
Âm nhạc: Tôn Thất An
Quay phim: Bob Nguyễn
Hãng sản xuất: Studio68
Phát hành: Lotte Entertainment
Công chiếu: 17 tháng 8, 2018 (Việt Nam)
Song Lang là phim điện ảnh chính kịch đầu tay tại Việt Nam của đạo diễn Leon Quang Lê chính thức công chiếu vào tháng 8 năm 2018. Tên phim được đặt theo một loại nhạc cụ cùng tên có vai trò giữ nhịp trong dàn nhạc tài tử và cải lương. Phim lấy bối cảnh tại Sài Gòn vào những năm 1980 với câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Linh Phụng, một kép hát cải lương, và Dũng "Thiên Lôi", một tay chuyên đòi nợ thuê, do Isaac và Liên Bỉnh Phát lần lượt thủ vai. Xuyên suốt bộ phim, nghệ thuật cải lương được làm nổi bật và giữ vai trò dẫn dắt toàn bộ mạch truyện. Phim bấm máy trễ một năm so với dự định nhưng nhờ vậy lại có thể ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Sau khi ra mắt, phim nhận được nhiều ý kiến tích cực từ khán giả nhưng lại không thành công về mặt doanh thu.
Diễn viên
Isaac vai Linh Phụng
Liên Bỉnh Phát vai Dũng "Thiên Lôi"
Kim Phương vai bà bầu gánh hát
NSƯT Hữu Quốc vai kép độc Khánh Linh
Minh Phượng vai Dì Nga
Tú Quyên vai Thùy Vân
Ngọc Lan vai Chị Lệ
Hoàng Sáng vai Thầy cải lương
Hồng Sáp vai bà đồ hội
'Song Lang' kén khán giả, lỗi đâu phải ở một cuộc làm tình?
Quang Đức 09/09/2018
"Song Lang" rất đẹp, đẹp đến từng cảnh quay, đến giọt mưa rơi, đến đôi mắt huê tình. Nhưng phim cũng mang lại đầy sự nuối tiếc trên cả hai phương diện, điện ảnh và xúc cảm.
22h đêm 6/9, theo kế hoạch, là suất chiếu cuối cùng của Song Lang tại Hà Nội sau chiến dịch "Cho Song Lang thêm tuần nữa", được khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Trong phòng chiếu, khán giả yêu bộ phim đến không còn một ghế trống, trong đó có nhiều người xem lần 2, lần 3.
Vì hết vé, và không còn đủ chỗ ngồi, những khán giả đến sau được cho phép ngồi trên nệm babykid dọc hai lối đi. Một cảnh tượng hiếm hoi. Càng bất ngờ hơn, khi trước giờ chiếu, Hoàng, một nhân viên trẻ của rạp chiếu cầm trên tay chiếc loa kiểu "loa phường", và tuyên bố: Song Lang lại được yêu thêm một tuần nữa.
Với Song Lang, Isaac thuyết phục hơn trong diễn xuất.Câu hỏi không lời giải: Họ có yêu nhau?
Nói "yêu" với Song Lang không khó. Trên mạng xã hội, bao mỹ từ đã dành cho bộ phim của đạo diễn Leon Lê, có nghệ sĩ, có người làm nghề, có giới phê bình, và có cả khán giả. Ở môi trường mà đâu đâu cũng thấy anh hùng bàn phím, cũng thấy ném đá, thì những lời hay ý đẹp dành cho một tác phẩm điện ảnh Việt, thật đáng quý, đáng để một ê-kíp tự hào.
Nhưng có một câu hỏi bao người thắc mắc, rằng "Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) có yêu nhau không?". Mối quan hệ ấy liệu có phải là tình yêu hay chỉ là sự đồng điệu, gắn kết, thương cảm của hai tâm hồn cô đơn đến cùng cực, may thay được cứu rỗi bởi những câu vọng cổ.
Phải chăng thứ tình ấy giống như hai nhân vật chính trong The King And The Clown (Nhà vua và chàng hề)? Một thứ tình huynh đệ keo sơn, đồng điệu, chẳng thể gọi tên. Hình như, họ cùng ở bên nhau, cùng rong ruổi, thậm chí cùng "ghen" chỉ vì hai người cùng yêu ca hát.
Ánh mắt và ngoại hình của Isaac trong vai Linh Phụng có nét giống ánh mắt Lee Jun Ki trong vai Lee Gong Gil, một vẻ sắc rất nữ tính. Trong khi Liên Biểu Phát với Dũng Thiên Lôi như Kam Woo-sung với vai Jang-saeng, cũng bụi phủi, bất cần.
"Mối quan hệ không tên của Dũng và Linh Phụng chưa tới mức tri kỉ, cũng không hẳn là tình yêu, thậm chí còn chưa thể coi là tình bạn hữu. Đó đơn thuần là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người xa lạ trong thoáng chốc", một nhà báo viết.
Nhận định ấy có phần tàn nhẫn với khán giả nhưng là suy luận có lý trí.
Trong một tác phẩm hay, chi tiết không bao giờ là vô nghĩa. Cảnh làm tình của Dũng và bạn gái không lộ một chút da thịt nam nữ, lại nằm trong một bộ phim bị gắn mác "tình trai", hẳn đạo diễn phải có dụng ý. Có nhiều tình tiết để chứng tỏ Dũng và cô bạn gái không chỉ là mối quan hệ qua đường, nhưng Dũng thực lòng yêu ai thì không ai có thể có câu trả lời.
Liên Bửu Phát là một phát hiện thú vị của đạo diễn, cách thoại của nam diễn viên tương đối ấn tượng và phù hợp với nhân vật.
Với Leon Lê - cha đẻ của tác phẩm, anh gọi mối quan hệ của Dũng và Linh Phụng là tình yêu, dù không hôn, không làm tình, không va chạm. Một thứ tình yêu chớm nở, thánh thiện, không toan tính, không dục vọng. Một thứ tình yêu không thể coi là không đẹp.
Thật, Linh Phụng đã yêu Dũng, yêu đến từng ánh mặt, cử chỉ, nụ cười. Có yêu mới muốn người ta thay đổi, mới nâng niu hộp quà, mới chờ đợi sốt ruột, và mới diễn được như không trên sân khấu trong cảnh mất mát, chia ly.
Dũng, dù gồ ghề, nhưng cũng có những khoảnh khắc bộc lộ tình yêu như vậy. Nếu không yêu Linh Phụng, liệu Dũng có thể nhìn say đắm khi đối phương đang ngủ. Và không yêu, liệu có vì hai ba câu nói mà thay đổi, từ bỏ công việc đòi nợ, "đâm thuê chém mướn" để thành một nhạc công dù biết đó là nghề bạc bẽo.
Nhưng một giả thuyết khác, Dũng cũng có thể là một nhân vật Song tính luyến ái, yêu cả nam lẫn nữ như Hong Lim (Jo In Sung) trong Sương Hoa Điếm (Hàn Quốc).
Và cũng không loại trừ trường hợp tình yêu Linh Phụng chỉ là bi kịch tình đơn phương như Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) trong Bá Vương Biệt Cơ.
Vì thế, câu hỏi "Dũng và Linh Phụng có yêu nhau không?", gần như đã không có đủ tình tiết để giải đáp. Câu hỏi rơi vào hư không, tạo nên những thắc mắc đầy ẩn ức, khiến Song Lang, dù quá đỗi đượm tình nhưng không hẳn là bộ phim về tình yêu giới tính.
Một trong những cảnh quay cho thấy sự hòa hợp của hai nhân vật nam chính, người đàn kẻ hát."Song Lang", hay thì hay thật, nhưng vẫn thiếu?
Song Lang là tác phẩm có nhiều tình tự đẹp. Song Lang mang đến những nét văn hóa "hiếm có, khó tìm" trên màn ảnh. Cải lương hiện lên chân phương mà lộng lẫy.
Thật khó để phục dựng Sài Gòn những năm 1980, thật khó để phục dựng thời hoàng kim của cải lương, càng khó để tạo nên không khí nghệ thuật cải lương đong đầy, đúng nghĩa và chính xác nhất.
Nhưng Leno Lê và ê-kíp của mình làm được điều đó. Dù tất nhiên, có chỗ chưa thật chính xác với lịch sử cải lương. Nhưng những tình tự đẹp mà phim mang lại xóa nhòa đi tất cả.
Song Lang là bộ phim đẹp đến từng cảnh quay, là những thước phim điện ảnh nhất, và cũng Việt nhất có thể. Từ giọt nước rơi xuống vũng máu, từ trang sách cũ, từ ánh nhìn của nhân vật hay những góc quay trung, cận cảnh đều cho thấy sự chỉn chu, kỹ lưỡng đến mức hoàn hảo, khó có thể chê trách.
Nhưng tại sao Song Lang đã không thể "hot" hơn dù có nhiều yếu tố được cho là khả quan về hiệu ứng như diễn viên đẹp, tình yêu đồng giới trong một tác phẩm có cao trào, kịch tính, lại có yếu tố văn hóa cải lương vốn quá ư quen thuộc.
Song Lang, đáng ra không cần phải có những chiến dịch "cho thêm một tuần nữa", nghe có phần đáng thương. Đúng ra, Song Lang có thể không gây bão, nhưng phải được yêu thích và lan tỏa hơn, như những gì phim xứng đáng được nhận.
Có rất nhiều biện giải, trong đó có ý kiến cho rằng Song Lang là một phim dòng nghệ thuật, lại là nghệ thuật lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống, hẳn nhiên sẽ kén khán giả.
Nhưng ngoài những yếu tố ngoại cảnh, tự thân Song Lang cũng có những nuối tiếc điện ảnh. Về câu chuyện, Song Lang thiếu một chút tàn nhẫn trong việc xây dựng nhân vật Dũng ở phần đầu, thiếu một chút trong khắc họa sự tài hoa, cô đơn và nổi tiếng của Linh Phụng.
Về âm nhạc, cải lương trong Song Lang thiếu một chút thuyết phục trong giọng hát Isaac, và của các nhân vật khác.
Về mối quan hệ giữa Dũng và Linh Phụng, đạo diễn chủ ý tạo nên sự dở dang, nuối tiếc nhưng vô tình cũng khiến cảm xúc người xem hụt hẫng, bẽ bàng. Kết thúc ấy là một nỗi buồn, một sự bất ngờ bi ai, nhưng nếu xem lại lần 2, lần 3, khi sự bất ngờ không còn nữa, cảm xúc gì sẽ ở lại nơi người xem?
Không ít khán giả "chùng" xuống, cảm giác như không muốn đứng dậy sau cảnh cuối vì mối tình dang dở của Dũng Thiên Lôi và Linh Phụng, lại là dang dở theo kiểu "drama" nhất. Nhiều chữ "giá như" được hiện lên, dù ai cũng biết, số phận nhân vật là quyền năng của biên kịch và đạo diễn.
Có rất nhiều cách để tạo nên sự dở dang, và dở dang mà vẫn đẹp bao giờ cũng dễ được đón nhận hơn. Call me by your name kết thúc trong 3 phút nước mắt của nhân vật Elio, cũng là kết thúc một mối tình đẹp nơi mùa hè nước Ý. Nhưng sự dở dang ấy có phần bớt "sát thương" hơn nhiều Song Lang.
Tình dang dở không phải là kết thúc mới mẻ trong những bộ phim có yếu tố đồng tính.
Huống hồ, "sát thương" ở cảnh cuối, nhưng mạch phim trước đó lại có phần thiếu cao trào, "gieo" tình tiết chưa xuất sắc khiến phim trôi qua nhanh trong 90 phút, và ít nút thắt.
Khi Song Lang chưa công chiếu, trailer và poster phim khiến nhiều người liên tưởng đến phim Bá Vương Biệt Cơ, một bộ phim cũng tuồng tích và đau đớn.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng, trong Bá Vương Biệt Cơ, cách xây dựng cả về nghệ thuật truyền thống là kinh kịch đặt trong bối cảnh lịch sử, đến mối quan hệ đầy đau khổ, khó xử của các nhân vật đều được đẩy đến tận đỉnh, khiến phim cao trào và có nhiều nút thắt hơn Song Lang.
Tất nhiên, Song Lang là một bộ phim riêng biệt và rất Việt. Tuy cũng có những tình tự vô tình tương đồng với một số bộ phim chung hướng đề tài trên thế giới, nhưng Leon Lê đã có những kiến tạo tài hoa rất cá nhân. Leno cho thấy bản thân là một người có thể làm nên chuyện với điện ảnh nước nhà, trong bối cảnh phim Việt vẫn đầy "remake" và hài nhảm.
Những phát hiện tâm đắc của người xem
Trên mạng, trong 2 tuần qua, có rất nhiều bài chia sẻ, cảm nhận và gợi mở về Song Lang sau khi thưởng thức. Từ giới nghệ sĩ (Thành Lộc, Nguyễn Hoàng Điệp, Vũ Ngọc Đãng), từ giới viết lách chuyên nghiệp (nhà báo, nhà văn) và các khán giả thông thường vốn không có thói quen viết dài hay bình luận phim.
Đó là những bài viết trau chuốt với nhận định cẩn thận, ngôn từ chọn lọc, được tác giả của chúng thừa nhận là do ảnh hưởng từ sự trau chuốt và duy mỹ của bộ phim. Mỗi người có những suy tư riêng về từng cảnh phim họ ấn tượng.
Cảnh sân thượng ở nhà Dũng với logo Sinco được sử dụng nhiều lần với nhiều dụng ý nghệ thuật. Ảnh: Studio68.
Chẳng hạn, nghệ sĩ Thành Lộc chỉ ra rằng, cảnh nhân vật Dũng (Liên Bỉnh Phát đóng) ngồi khóc vì hối hận trước tội ác mình gây ra trên sân thượng một tòa nhà, anh tựa vào hàng chữ SIN" (của thương hiệu Sinco nhưng cố tình quay thiếu chữ) có nghĩa là "tội ác".
Đạo diễn Leon Lê cho biết, anh tâm đắc đến nổi da gà khi đọc những nhận định giải mã phim như vậy, bởi nó chứng tỏ anh đã tìm được nét tri kỷ ở người xem, bất kể họ khen chê phim như thế nào. Và không chỉ riêng Thành Lộc, nhiều người xem cũng cắt tỉa được những chi tiết tâm đắc.
Isaac diễn tốt những cảm xúc chớm yêu, khiến nhiều khán giả tâm đắc. Ảnh: Studio68.
Khán giả Trang Lê chỉ ra chi tiết cuối phim: "Việc Dũng nói với Phụng rằng lần đầu gặp nhau không phải lúc đòi tiền cũng như một lời thổ lộ tình cảm thật nhẹ nhàng. Vì chẳng ai nhớ lần đầu gặp mặt kĩ đến vậy nếu không có một sự rung động nào hết".
Khán giả Selena Do dẫn một phát hiện của người bạn: "Bạn mình bảo: Em để ý đi, cử chỉ của con gái với người mình yêu sao thì anh Linh Phụng với anh Dũng cũng như vậy”.
Khán giả Vi Trung Ngô bình luận: "Cách Isaac hát cải lương trước và sau khi rung động trước Dũng khác biệt hoàn toàn cũng thể hiện rất thuyết phục trong phim".
Nhà báo Hoa Linh Thoại viết: "Nhớ cái bờ tường Linh Phụng tựa nỗi xao xuyến vào, cái cầu thang âm u mỗi ngày một sớm mai bỗng lung linh nắng sớm. Nhớ cái khung cửa nơi chàng giang hồ hay đốt thuốc trầm tư một ngày được lấp đầy khoảng trống. Cái khung cửa đẹp của riêng 2 tâm hồn cô đơn. (Mình đọc đâu đó nói bộ phim mất 27 set quay cho cảnh ở khung cửa này. Sự kỹ lưỡng đó thật là đáng giá)".
Song Lang là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi của Việt Nam tạo được nguồn cảm hứng như vậy trong năm nay.
‘Song lang’: Khi cải lương gắn kết và mở lối cho những tâm hồn cô độc
Khánh Hưng 20/08/2018
Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê là lời tri ân rất chân thành đến môn nghệ thuật cải lương thông qua một câu chuyện đầy ray rứt về những con người cô đơn.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Leon Lê
Diễn viên chính: Liên Bỉnh Phát, Isaac (365)
Zing.vn đánh giá: 8/10
Song lang là bộ phim đầu tay của đạo diễn Leon Lê, và Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất.
Bộ phim Song lang lấy bối cảnh Sài Gòn của thập niên 1980. Ở đó, Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) là một tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Gã sống lặng lẽ tại căn tập thể cũ, không ai thân thích.
Một ngày nọ, khi đi đòi nợ tại đoàn cải lương Thiên Lý, Dũng chạm mặt Linh Phụng (Isaac) - kép nam chính của đoàn. Họ mới đến thành phố và bắt đầu những buổi diễn đầu tiên.
Cả hai không ngờ rằng sau lần gần gỡ tình cờ đó, sợi dây liên kết vô hình giữa hai con người cùng nặng lòng với cải lương đã hình thành, và khiến số phận của họ thay đổi mãi mãi.
Lời tri ân chân thành đến môn nghệ thuật cải lương
Ngay từ những hình ảnh quảng bá đầu tiên của Song lang, khán giả đã có thể dễ dàng nhận ra đây là tác phẩm nói về cải lương - bộ môn nghệ thuật kịch hát có nguồn gốc từ vùng Nam Bộ, đến nay đã có tuổi đời kéo dài hơn trăm năm.
Thông qua bối cảnh và câu chuyện của các nhân vật trong phim, đạo diễn Leon Lê muốn dành lời tri ân chân thành nhất đến thứ món ăn tinh thần không thể thiếu tại khu vực miền Nam, đặc biệt trong quãng thời gian 1950-1980.
Nhưng Song lang không đơn thuần giới thiệu lịch sử hình thành, hay tập trung đi sâu khắc họa cải lương với mục tiêu tôn vinh giá trị của bộ môn nghệ thuật một cách trực tiếp. Cải lương được Leon Le đưa vào trong phim rất tự nhiên, bình dị, đời thường, nhưng vẫn không phải là đối tượng chính để khai thác.
Đó đơn giản là những buổi diễn đầu tiên tại thành phố của một gánh hát nhìn bên ngoài tưởng như hào nhoáng, nhưng phía sau luôn mang gánh nặng miếng cơm manh áo. Đó là những phút giây thăng hoa tuyệt diệu trên sân khấu của người nghệ sĩ, nhưng phía sau cánh gà là nỗi niềm cô đơn ít ai thấu hiểu.
Song lang là lời tri ân đầy khéo léo tới bộ môn nghệ thuật cải lương vang bóng một thời.
Đó là những bi kịch của người nghệ sĩ khi phải lựa chọn giữa nghệ thuật và mưu sinh. Nhưng đó còn là niềm đam mê mãnh liệt với những lời ca tiếng nhạc đầy mê hoặc, là những lời truyền đạt chân tình giữa người thầy và người trò để làm sao có thể diễn xuất có tâm, có tình, có hồn.
Sợi dây kết nối hai nhân vật chính của Song lang chính là cải lương. Dù là những cá nhân có cuộc đời và hướng đi hoàn toàn khác biệt, họ mang một điểm chung là đều nặng lòng với các câu ca đầy tâm trạng thống thiết, bi ai của người nghệ sĩ trên sân khấu, của tiếng đàn, nhịp phách réo rắt giúp dẫn dắt từng lời ca một cách tài tình.
Song lang đã miêu tả cải lương dưới nhiều góc độ của nhiều đối tượng nhân vật, từ người nghệ sĩ đến khán giả, hay từ cả kẻ bàng quan, mang định kiến hoặc coi thường. Không lý tưởng hóa, không khuôn mẫu với những chi tiết khô khan, bộ phim đưa khán giả trở lại trải nghiệm cảm xúc cũ thân thuộc của một thời đã xa.
Thậm chí với lớp khán giả còn xa lạ hay chưa từng biết tới cải lương, khi theo dõi Song Lang có thể không thể nắm bắt hay hiểu hết loạt chi tiết liên quan tới bộ môn, thì những trích đoạn cải lương vẫn tỏ ra hấp dẫn, mê hoặc.
Tất cả cho thấy lòng yêu mến rất nhiệt thành của Leon Lê đối với cải lương, đồng thời khẳng định nỗ lực tri ân bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời đến khán giả hiện đại của anh là rất thành công.
Nỗi niềm ray rứt của những tâm hồn lạc lõng
Song lang (hay song loan) là một loại nhạc cụ mang tính biểu trưng của dàn nhạc tài tử và cải lương, có tác dụng giữ nhịp điệu. Đồng thời, danh xưng ấy cũng có thể hiểu là “hai người đàn ông”.
Nhân vật chính của bộ phim Song lang là Dũng “thiên lôi” - tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Lạnh lùng, đơn độc, gã dường như chẳng có chút gì liên hệ gì đến nghệ thuật nói chung hay bộ môn cải lương nói riêng.
Nhưng càng theo dõi, cuộc đời và quá khứ nhiều thăng trầm của tay anh chị càng dần hiện rõ. Bên trong vẻ ngoài trầm lặng đó hóa ra ẩn giấu một tâm hồn từng rất lạc quan, bay bổng theo lời ca tiếng nhạc trên sân khấu, một tâm hồn thuần khiết phải từng ngày đối chọi với cuộc sống nghiệt ngã mà gã không thể tránh khỏi một cách đơn độc.
Mối quan hệ của Dũng và Linh Phụng để lại nhiều nỗi niềm ray rứt.
Cho đến một ngày, anh gặp Linh Phụng. Linh Phụng có hoàn cảnh và quá khứ gần như trái ngược với Dũng, ngoại trừ nỗi cô đơn không ai thấu hiểu. Và từ đó, hai con người cô đơn với cùng trái tim nặng lòng với cải lương đã tìm thấy nhau, cùng chia sẻ cảm xúc, nỗi niềm riêng thầm kín, để nhận ra bản thân đang thực sự tìm kiếm điều gì.
Mối quan hệ không tên của Dũng và Linh Phụng chưa tới mức tri kỉ, cũng không hẳn là tình yêu, thậm chí còn chưa thể coi là tình bạn hữu. Đó đơn thuần là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người xa lạ trong thoáng chốc.
Họ đến với nhau với cùng một niềm đam mê thầm kín mãnh liệt, chỉ chờ đợi ai đó phát hiện ra và khẽ hé mở. Nhưng như thế cũng là đủ mạnh mẽ, đủ ray rứt, và đủ để khắc cốt ghi tâm với bất cứ ai.
Khắc họa chân thực một góc Sài thành những năm 1980
Một điểm nhấn không thể không nhắc đến trong Song lang là bộ phim đã đem đến cho khán giả một góc Sài Gòn của thập niên 1980 một cách đầy chân thực và hoài niệm.
Đội ngũ sản xuất của bộ phim đã rất khôn ngoan khi lựa chọn nhiều bối cảnh đơn giản, đặc trưng nhất, để xây dựng không gian Sài Gòn xưa. Từ những cảnh nội là căn nhà tập thể nhỏ hẹp, đến những quán hàng nhỏ nhắn, đơn sơ, rồi đến bối cảnh ngoại là vài con phố nhỏ hẹp, tất cả tạo nên bầu không gian Sài Gòn cách đây hơn 30 năm đầy hợp lý.
Không dừng lại tại đó, Song lang còn đem đến nhiều chi tiết miêu tả nếp sống thường nhật của người dân bình thường vô cùng phù hợp với thời đại.
Đó là những quầy cho thuê băng đĩa với loạt băng phim bộ Quỳnh Dao, đó là băng trò chơi Contra của hệ máy điện tử bốn nút NES, hay mấy trò chơi con trẻ như giật xèng, tạt lon…
Đồng thời, cũng không thể không nhắc đến đoàn cải lương Thiên Lý với những buổi diễn kín đặc khán giả. Đây là thời kỳ mà cải lương còn là môn nghệ thuật rất được ưa chuộng, còn các nghệ sĩ cải lương được mến mộ chính là những ngôi sao. Nhờ đó, Sài Gòn xưa cứ thế, cứ thế hiện lên đầy gần gũi và hoài niệm.
Bầu không khí thập niên 1980 của Sài Gòn được tái hiện qua nhiều chi tiết khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở cải lương.
Phần hình ảnh và âm thanh của Song lang thực sự tạo ra điểm cộng lớn. Hình ảnh trong phim trau chuốt, mượt mà với thủ pháp quay phim truyền thống: chủ yếu là góc máy cận và trung cận, góc máy đặt ngang thân nhân vật để bắt trọn nhân vật và bối cảnh vào một khung hình. Màu sắc của bộ phim mang hiệu ứng trầm đục với nhiễu hạt, trên khung hình cố định với tỷ lệ 3:2 nhằm tạo ra bầu không khí hoài cổ.
Với âm nhạc, bên cạnh các giai điệu dựa trên trích đoạn cải lương như Mỵ Châu - Trọng Thủy, Lữ Bố hí Điêu Thuyền…, thì các bản nhạc nền cũ được đưa vào cẩn thận, khéo léo, thông qua nhiều phương tiện khác nhau như loa phát thanh phường, đài phát thanh…
Mối lương duyên lửng lơ và còn tiếc nuối
Có nhiều ưu điểm nổi bật rất đáng khen ngợi, nhưng Song lang vẫn có thể khiến khán giả cảm thấy còn đôi phần tiếc nuối khi bước ra khỏi rạp chiếu.
Sở hữu phần kịch bản chỉn chu, gọn gàng, gần như không có chi tiết dư thừa, nhưng chính điều đó lại khiến bản thân bộ phim trở nên có phần còn vội vàng, chưa thực sự thuyết phục khi xây dựng sự chuyển biến trong tâm lý và cảm xúc của các nhân vật, đặc biệt là Dũng “thiên lôi”.
Khi bộ phim kết thúc, khán giả có thể sẽ thắc mắc: tại sao lại là Linh Phụng? Tại sao chỉ nhờ một chút tác động của Linh Phụng mà Dũng thay đổi nhiều đến thế sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc đời đầy khắc nghiệt đến mức chai lì?
Sự tương tác giữa Linh Phụng và Dũng thiếu những chi tiết đắt giá để khán giả có thể cảm thấy tác động thực sự đến Dũng. Do đó, động lực khiến nhân vật thay đổi bản thân là chưa đủ mạnh mẽ, thuyết phục.
Điều đó xảy ra do nhân vật Linh Phụng của Isaac có lối xây dựng thiếu cân bằng so với Dũng của Liên Bỉnh Phát. Từ đầu đến cuối, Dũng được mặc định là nhân vật chính, được ưu tiên thời lượng và đất diễn rộng rãi, đầu tư xây dựng hoàn cảnh quá khứ, cuộc sống hiện tại, cùng tâm lý khá kỹ càng, chi tiết.
Còn Linh Phụng ngoài những cảnh diễn xuất trên sân khấu thì bản thân nhân vật lại khá nhạt nhòa, chỉ là mẫu hình tượng nhân vật đam mê nghệ thuật cải lương điển hình, không có gì nổi bật. Thậm chí, tình yêu cải lương vô hạn cùng tâm lý có phần đơn giản, ngây ngô của anh cũng chưa được thể hiện rõ ràng.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính còn thiếu đi tính cân bằng.
Điều đó khiến việc Linh Phụng có thể tác động đến Dũng không thể nào mạnh mẽ, thuyết phục giống như cách Dũng tác động đến Linh Phụng. Hậu quả là chuyện Dũng có thể thay đổi bản thân như bộ phim thể hiện bỗng trở nên quá dễ dàng, không phù hợp với tâm lý nhân vật đã phải chịu đựng như miêu tả ban đầu.
Nửa đầu bộ phim diễn ra khá chậm rãi, với nội dung chủ yếu xoay quanh việc xây dựng nhân vật Dũng cùng một vài phân cảnh nói về Linh Phụng. Sau đó, cuộc gặp gỡ định mệnh giúp tạo ra biến chuyển của cả hai nhân vật diễn ra, có thời lượng tương đối dài, nhưng vẫn chưa đủ chi tiết cần thiết để họ thay đổi tâm lý.
Và khi đôi nhân vật bắt đầu có biến chuyển đáng kể, bộ phim đem đến cái kết khá chóng vánh và gây sốc. Công bằng mà nói, đoạn kết phim hoàn toàn có thể nằm trong dự đoán của người xem. Nó khá ấn tượng, để lại nhiều điều suy ngẫm.
Song, giá như kết phim được xử lý kỹ hơn để khán giả cảm nhận rõ sự biến chuyển trong tâm lý, tình cảm các nhân vật rõ ràng, chân thực hơn, thì bộ phim hẳn sẽ còn thuyết phục và đáng nhớ hơn nhiều.
Nhìn chung, Song lang là bộ phim thực sự nổi bật của điện ảnh Việt, và ghi dấu ấn về nhiều mặt. Khai thác đề tài khó với bối cảnh xưa cũ, câu chuyện tâm lý đặc biệt, bộ phim vẫn thể hiện chất lượng rất tốt, giúp khẳng định tài năng của biên kịch kiêm đạo diễn Leon Lê. Hi vọng rằng anh sẽ còn có nhiều bước tiến xa hơn nữa trong tương lai.
No comments:
Post a Comment