Tuesday, May 28, 2019

Xin Thời Gian Qua Mau - Jeffrey Thai



Buồn nào hơn đêm nay,
Buồn nào hơn đêm nay,
Khi ngoài kia bão tố đầy trời.
Từng cánh lá cuốn gió,
Rơi vào lòng đêm thâu,
Thương thầm mối tình ngâu...

Chiều hoàng hôn ấy, trời ngoài kia không bão tố.  Chiều chỉ chầm chậm buông những vạt nắng tàn phai lên trên đỉnh đồi phía trước. Trong không gian xơ xác và vắng tanh của khu nhà (longhouse) ở tận trên đỉnh đồi cao nhất của hòn đảo tị nạn Pulau Bidong, lần đầu tiên tôi được nghe những lời ca ấy.  Giọng ca buồn quá.  Lời ca càng buồn hơn.  Phải rồi!  Buồn nào hơn đêm nay...   

Đêm nay và những đêm này là những đêm thật buồn.  Chưa đầy một năm sống với Bidong, tôi đã thấy lòng mình, thấy cuộc đời mình tả tơi như chiếc lá rách nát trong một chiều mưa bão.  Quá khứ đã bỏ lại đằng sau, cách xa một bờ đại dương, (nghĩ là) vĩnh viễn không về nữa.  Hiện tại thì không tiền, không thân nhân ở bến bờ xa, nên không biết rồi sẽ sống ra sao.  Còn ngày mai?  Ngày mai càng bấp bênh, vô định hơn bao giờ hết.  Bao giờ được phỏng vấn thanh lọc đây?  Cũng chẳng biết đến bao giờ.  Mà có được phỏng vấn rồi thì khả năng được chấp nhận cũng chỉ là một con số phần trăm vô cùng nhỏ bé.  Buồn là vì thế!  Buồn nào hơn đêm nay...

Người phụ nữ ấy chắc hẳn cũng có cùng suy nghĩ và tâm trạng như thế với tôi nên mới chợt cất giọng hát vu vơ những lời ca buồn não nuột.  Mà cũng có thể ả cố tình hát để tôi nghe, vì vào thời điểm đó, nhà chỉ còn lại có hai người, ả và tôi, còn những người khác đã đi đâu hết rồi.  (Gọi người phụ nữ ấy là ả chỉ là gọi vậy thôi, chứ cũng chẳng có ý gì).  Hình như hồi ở Sài Gòn ả làm nghề ăn sương thì phải, nên nét phong trần và lẳng lơ cứ hiện rõ lồ lộ trên vóc dáng, hình hài, trên tấm lưng có hình dáng cong cong của ả. 

Ả có lẽ chỉ ngoài ba mươi, nhưng trông già hơn nhiều tuổi, chắc do hút thuốc nhiều quá; ả hút thuốc hầu như liên tục.  Trong con mắt của ả, tôi (lúc ấy) - một thanh niên mới ngoài hai mươi (thư sinh, hiền hòa và ít nói), có lẽ mang dáng vẻ của một con nai vàng, nên cứ thỉnh thoảng ả lại buông chiều lả lơi, dù rằng ả vẫn luôn giữ một sự tôn trọng chừng mực nào đó cho cái nghề nghiệp mà tôi bất đắc dĩ đã phải làm trong quá khứ, cũng như hiện tại.

Giọng hát hay quá!  Điêu luyện và có hồn (dẫu chẳng thể so sánh với ca sĩ chuyên nghiệp).  Chắc hẳn là vì thế mà ả cứ hát liên tục (ngày và đêm).  Mà cũng có thể là ả hát liên tục để cố quên đi, để xoa dịu cái thân phận khốn nạn và tả tơi của ả (của tôi, cũng như của hầu hết những con người không may đang sống trên hòn đảo vào thời điểm đó).  Ả hát, ả hút và tìm kiếm bạn tình.  

Còn tôi, thường thì từ sáng sớm đã lần mò xuống đồi để đến trường và ở lại thư viện cho đến đêm khuya gần giờ giới nghiêm mới về; vì thế, nên dẫu ở chung nhà nhưng không thường gặp gỡ.  Phút giây ấy, tôi lắng nghe ả hát và bỗng thấy mình hiểu được tâm hồn ả:  Ả buồn, ả cô đơn và ả khao khát yêu thương.  Còn tôi, vô tình lần đầu được nghe ả hát những lời ca ấy, thấy thấm thía nỗi buồn sâu thẳm trong kiếp phận tị nạn dài đăng đẳng của mình.  Phải rồi!  Buồn nào hơn đêm nay...

Một thời gian sau, ả kiếm được một gã bạn tình thật trẻ (trẻ hơn cả tôi), và rồi cả hai có được một đứa con chung.  Lúc đầu, tôi có hơi ngạc nhiên vì sự chênh lệch tuổi tác là khá lớn; nhưng rồi ngẫm nghĩ lại thì âu cũng là "trai tứ chiến" gặp "gái giang hồ" mà; họ cần giết thời gian, để xin thời gian qua mau, để quãng đời tị nạn dài mịt mùng mau đến hồi kết thúc.  Đó cũng chính là lúc tôi dọn xuống ở luôn trong trường và ngủ đêm trong đó, nên sau đó, không còn biết gì về ả và mối tình duyên tị nạn chẳng có gì hứa hẹn ở ngày mai của ả.  

Mãi cho đến nhiều năm sau này, có người loáng thoáng cho tôi biết là, vì không chịu đựng được cuộc sống khổ ải trên đảo và trong trại cấm những năm về sau, nên ả đã bồng đứa con để hồi hương về lại Sài Gòn, còn gã nhân tình trẻ thì đã có một đời sống khác.  Tôi chắc đó không phải là điều ả muốn, nhưng ả đã chẳng thể có một quyết định nào khác hơn.  Tôi biết ả không thể chịu đựng được hơn nữa nỗi buồn.  Buồn nào hơn đêm nay...

**********************************************************

Dù rằng sau mưa bão,
Gió hiền hòa lại về,
Vẫn thấy lòng hoang vu.
Cuộc đời là hư vô,
Bôn ba chi xứ người,
Khi mình còn đôi tay...

Chiều đang dần tắt nắng.  Không gian mênh mông quá, xung quanh là đồng trống, nên có thể thấy được cả một không gian trời chiều hoang vu và cô tịch.  Không có nhiều xe cộ chạy trên con đường này vào thời điểm chiều buông, và tôi thì đang trên đường tìm đến một quán trọ bên đường đã đặt trước.  Cơ thể mệt mỏi vì đường trường vạn dặm, nhưng điều quan trọng hơn là lòng bỗng cảm thấy có chút hoảng sợ vu vơ sau vài phen thoát chết tình cờ trên những xa lộ mênh mông.  

Đã mười mấy ngày trôi qua, rong ruỗi qua mọi nẻo đường xa...  Trời đất hoang vu, hay lòng mình hoang vu quá.  Phải rồi!  Cuộc đời là hư vô.  Nhưng không thể không bôn ba xứ người, vì đó đã là định phận.  Về đâu?  Không nơi để về lại.  Đây đã là quê hương.  

Tôi chợt nhớ đến người phụ nữ, ả ăn sương năm nào trên hòn đảo tị nạn Pulau Bidong - người đầu tiên đã hát cho tôi nghe bài hát Buồn Nào Hơn Đêm Nay (mãi cho đến rất lâu sau này, khi đã đến Mỹ, tôi mới biết được tựa đề thực sự và tác giả của bài hát).  Đã gần ba thập kỷ trôi qua, không biết là ả có còn sống không (không còn ai để nói tôi nghe về cuộc sống hiện tại của ả).  Đứa con ả hiện giờ chắc đã lớn lắm, và không chừng đã cho ả được lên chức danh bà ngoại tự bao giờ.  

Ả và tôi vốn chẳng có bất cứ mối liên hệ (dù nhỏ nhặt) nào.  Tuy vậy, cứ mỗi lần nghe văng vẳng giai điệu Buồn Nào Hơn Đêm Nay, tôi lại mường tượng như ả đang ngồi đó, tựa mình vào vách gỗ, tay bâng quơ chải mái tóc thật dài, và miệng không ngừng ngân nga những lời ca thật buồn của một đêm trường mà ngoài kia bão tố đầy trời.  Buồn nào hơn đêm nay...

Khi tôi nói rằng, ả và tôi vốn chẳng có bất cứ mối liên hệ (dù nhỏ nhặt) nào; thực ra, tôi đã nói sai rồi.  Ngẫm nghĩ lại, có hơn một mối liên hệ đấy chứ, và không hẳn là chúng chẳng đậm sâu.  Nếu không có mối liên hệ gì thì ả đã không buồn cất lên những lời ca buồn ai oán, và tôi đã không buồn lắng nghe mê mỏi.  Mối liên hệ ấy, mối đồng vọng ấy là cả một nỗi buồn mênh mang, không gì có thể đo đếm được, như đồi núi chập chùng ngoài kia. 

Làm thân tị nạn, đến sau ngày đóng cửa đảo là cả một định mệnh đắng cay.  Quê hương xưa không còn về lại được, hay không muốn về nữa bao giờ.  Còn tương lai định cư thì lại mịt mùng xa thẳm và mờ mịt như một buổi sớm mai đầy sương mù.  Chỉ còn lại hiện tại thôi, mà hiện tại là những đêm mưa dột đầy nhà, không nơi trú ẩn, chuột cứ chạy rần rần suốt cả đêm thâu, gặm cả vào ngón chân khi đang ngủ đến rướm máu. Buồn nào hơn đêm nay...

Nếu tôi nhớ không lầm, chiếc tàu ả đi vượt biên gặp phải bọn cướp biển thì phải.  Tàu tôi đi gặp phải bão khơi tháng Mười, sóng gió đánh tan tác con tàu mỏng mảnh đến nỗi sắp chìm tới nơi, may mà được cứu kịp.  Tàu ả và tàu tôi chỉ cách nhau vài con số; và chính vì thế, mà có thêm bao nỗi đồng vọng mênh mông: nỗi chịu đựng xót xa, nỗi mong chờ miên viễn, nỗi mong cầu thiết tha...

Nỗi cầu xin ấy là:  xin thời gian qua mau!  

28.05.2019
Jeffrey Thai   




No comments:

Post a Comment