Sunday, August 18, 2019

Âm Nhạc Đáng Thương "Thời Tụt Dốc": Từ Tình Ca Đến Dục Ca... - Tâm Minh



Ở Đồng Tháp, có vị sư trụ trì mang cái danh “Tiến sĩ Phật học” cưỡng dâm bé gái 14 tuổi. Ở Phú Thọ, có cha ruột ép con gái quan hệ đến sinh con. Nơi đô thị từ Nam chí Bắc, có những kẻ yêu râu xanh “200.000 đồng” sàm sỡ phụ nữ trong thang máy. Phố nọ tỉnh kia, những mái đầu hoa râm ngấm ngầm ấu dâm con trẻ. Giật mình chao ôi: cả xã hội thác loạn vì dục, cả xã hội điên đảo vì tình!


Vì đâu mà thói đời lắm nỗi hoang dâm? Nếu nhìn lại, sẽ thấy đâu đâu cũng là tình sắc, đâu đâu cũng có thứ dâm tà: Dạo chơi công viên, chỗ nào cũng thấy cảnh khoá môi đắm đuối. Đi giữa phố phường, hết đụng độ anh chàng ‘tóc đỏ, mũi xỏ khuyên’ lại gặp phải cô nàng ‘hai dây đầy mát mẻ’! Vào thăm triển lãm, nóng mắt thấy tranh ảnh khoả thân bày khắp nơi, trần trần trụi trụi được tung hô như là nghệ thuật. Mở phim ảnh hay MV ca nhạc lên xem, nếu không phải cảnh giường chiếu thì cũng là những màn khoe thân táo bạo. Nền nghệ thuật vốn được coi là sang trọng thánh khiết, chẳng biết tự bao giờ đã trở nên dung tục và quá đỗi tầm thường.

Hãy nói riêng về âm nhạc. Âm nhạc có thể nuôi dưỡng tâm hồn nhưng cũng có thể huỷ hoại tâm hồn. Khi chúng ta hát và nghe những gì là tình sắc, dâm đãng, phóng túng, buông tuồng… thì chẳng phải tâm hồn chúng ta cũng ngập ngụa trong thứ cảm xúc đầy nhục dục đó sao? Chẳng ai nói âm nhạc là nguyên nhân của mọi sự suy đồi, nhưng rõ ràng có một mối liên hệ giữa âm nhạc và đạo đức. Từ âm nhạc có thể thấy cảnh giới tâm hồn là cao sang hay hèn kém, từ âm nhạc có thể thấy lòng người đục hay trong. Cho nên khi âm nhạc bại hoại cũng là lúc đạo đức đã suy đồi…

Từ tình ca đến dục ca

Có một thời, tình yêu trong âm nhạc là thứ tình rất đẹp rất thơ:

“Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa”…

Người con gái đi vào thi ca đã từng là như thế: thơ ngây như trăng tròn 16, thuần khiết như màu trắng hoa lê:

“Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê”

Còn chàng trai, dẫu nhất mực si tình thì cũng chỉ dám âm thầm đứng bên khung cửa sổ, chiều chiều ngóng đợi nàng bước qua:

“Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”…

Tình yêu có khi vai kề vai sát cánh, lại có khi chia lìa hai người đôi ngả. Nhưng dẫu tan vỡ thì nỗi đau trong tình yêu không hề bi luỵ mà nhẹ nhàng như cánh chim bay:

“Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên”…

Tình yêu đã từng là như thế: không chỉ đẹp để người ta khao khát, mà còn sáng trong thuần khiết để người ta tôn thờ. Khi con người coi tình yêu như ngọc quý, thì một cách tự nhiên cũng sẽ dành những lời trân trọng để hát về tình yêu.

Còn ngày nay thì sao? Tình yêu đầy rẫy những hỉ nộ ái ố, chỗ này cổ vũ ‘tình một đêm’, chỗ kia ca ngợi chuyện chăn gối, lời lẽ ca từ ngập ngụa điều dung tục. Từ “tình ca” mà trở thành “tục ca”, và từ “tục ca” lại hoá thành “dục ca” từ lúc nào không hay.

Tình yêu chẳng có gì ngoài niềm vui thân xác:

“Trao đi trao hết đi đừng ngập ngừng che giấu nữa
Quên đi quên hết đi ngại ngùng lại gần thêm chút nữa”…

Nam thì đòi hỏi chuyện gió mây:

“Hãy trao cho anh
Hãy trao cho anh thứ anh đang mong chờ
Hãy trao cho anh
Hãy mau làm điều ta muốn vào khoảnh khắc này đê!”…

Nữ thì chẳng e dè úp mở mà lẳng lơ mời chào:

“Chẳng cần phải gõ cửa
Tự vào tìm em đi (…)
Bài nhạc tình đang say ở lại một đêm nay!”…


Tình yêu được thể hiện trong các bài hát trẻ hiện nay đa phần là những lời lẽ phóng túng, buông tuồng. (Ảnh: pixabay.com)
Khi say đắm thì buông tuồng hoan lạc:

“Đêm nay ta quẩy trong bar (…)
Đêm nay ta bên nhau đắm đuối (…)”

Khi chia ly thì không tiếc lời oán trách. Từ đổ lỗi cho nhau…

“Chính em gây ra mà
Những điều vừa diễn ra
Chính em gây ra mà”

… đến đạp đổ và phá tan hết thảy, thiêu hủy hết thảy:

“Đốt sạch hết
Son môi hồng vương trên môi bấy lâu (…)
Đốt sạch hết
Xin chôn vùi tên em trong đớn đau”…

Từng câu từng chữ đều ngùn ngụt hận thù:

“Bốc cháy lên cơn hận thù trong anh
Cơn hận thù trong anh
Bốc cháy lên cơn hận thù trong anh
Ai khơi dậy cơn hận thù trong anh”…

Đáng nói là những lời lẽ thô thiển không giới hạn trong một vài ca khúc đơn lẻ nào, mà đã tràn lan khắp cả nền nhạc Việt đương đại. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, từ hình ảnh, âm thanh, trang phục của người nghệ sĩ, cho đến nội dung kịch bản… tất cả tạo thành thứ sản phẩm khiêu dâm: Chỗ này là dàn mỹ nữ khoe thân nóng bỏng, chỗ kia là màn múa may gợi cảm, chỗ nọ là cảnh ái ân tình tứ khiến người xem phải ngượng ngùng quay đi.

“Vạn ác dâm vi thủ”, người xưa coi tà dâm là tội ác đứng đầu trong những tội ác, nên mới tránh dâm như tránh tà, giữ thân như giữ ngọc, âm nhạc cũng vì vậy mà nhuần nhị thanh tao. Người nay coi dâm tà là thú vui, nên mới buông tuồng phóng túng, tận lực truy hoan. Trong âm nhạc thì chẳng còn gì ngoài tình sắc, trong tình sắc lại chẳng còn gì ngoài nhục dục. Những chuyện gối chăn nhạy cảm, nay người ta không e dè gì mà cứ thế phô phang.

Từ “dục ca” đến “quỷ ca”

Khi công chúng Việt đang say sưa tận hưởng những ca khúc đầy dục tính và tung hô đó như một sự “sáng tạo”, “cách tân”, là “tự do biểu đạt” của người nghệ sĩ, thì cùng lúc ấy, không ít học giả Tây phương đã nhận ra: Âm nhạc xác thịt đang dẫn dụ nhân loại về phía ma quỷ.

Nếu từng đọc Kinh Thánh, bạn sẽ nhận ra rằng: Dâm dục cũng là một trong ba đặc điểm của Satan. Vậy thì, sẽ ra sao nếu âm nhạc ngợi ca tình dục, và người ta say sưa thưởng thức, thậm chí còn tôn vinh những bài hát dâm tà?

Giám mục Dag Heward-Mills đã từng viết trong cuốn “Ai có sẽ được cho thêm”: “Ma quỷ dùng âm nhạc và tài năng của họ cho mục đích của nó. Satan tiêm nọc độc tham dục và băng hoại vào trong âm nhạc của những con người đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Nó kích động nhiều người nghe nhạc này, hát nhạc này”.

Truyền thuyết kể rằng, xưa có chàng thanh niên đam mê nhạc Blues nhưng cậu lại không thể chơi ghi-ta. Cậu đã từng theo học một bậc tiền bối về ghi-ta, nhưng vì khả năng có hạn nên sớm bị thầy từ chối. Quá buồn bã, cậu bỏ đi biệt xứ, vác cây đàn lang thang trên một giao lộ gần Dockery Plantation ở vùng ngoại ô Mississippi. Tại đây cậu tình cờ gặp một người đàn ông cao lớn tự xưng mình là quỷ, giúp cậu chỉnh sửa dây đàn và nói rằng: “Ngươi trao linh hồn cho ta, ta ban cho ngươi thiên tài âm nhạc”. Sau đó chàng thanh niên trở về, và quả thực đã khiến người thầy phải thán phục bởi tài năng ghi-ta tuyệt đỉnh của mình.

Người thanh niên trong câu chuyện trên chính là nghệ sĩ huyền thoại Robert Johnson (1911-1938), người được coi là bậc thầy nhạc Blues đồng thời là sáng lập ra dòng nhạc Delta Blues của Mississippi. Nhiều tác phẩm sau này của Robert Johnson cũng ẩn ý kể về những gì đã xảy ra trong đêm định mệnh ấy, như “Crossroads Blues” hay “Me and the devil blues”. Câu chuyện của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho điện ảnh, nhờ đó mà năm 1986 bộ phim “Crossroads” (Giao lộ) đã ra đời.


Robert Johnson. (Ảnh: lettera43.it)

Không phải nghệ sĩ nào cũng giống như Robert Johnson: đổi linh hồn lấy tài năng và danh tiếng. Nhưng nếu nghệ sĩ nào cũng sáng tác và hát dục ca… thì nào có khác chăng đang hát thay lời ma quỷ? Không ít ca khúc Việt đã từng có những tín hiệu đầy âm u như thế: Ở MV nọ, một nữ ca sĩ cầm búa đập vỡ trứng Phục sinh rồi lại bắn cháy ‘cây Thánh giá’. Một MV khác, xuất hiện nào là thầy tu quỷ ám nào là ma nữ tóc trắng, đằng sau là chiếc đuôi ve vẩy. Lại một MV khác, lửa và khói ngùn ngụt khắp nơi, đốt cháy hình ảnh Chúa và Đức mẹ… Đáng nói là, đó đều là những ca khúc hát về tình yêu, không rõ vì lẽ gì lại được lồng ghép những cảnh minh họa đầy ma mị!

Trong cuốn “Ngọt ngào dầu thánh”, tác giả Dag Heward-Mills viết: “Nhiều nhạc sĩ Cơ Đốc ngày nay đã tiếp thu phong cách âm nhạc của đời, của xác thịt, thậm chí của ma quỷ. Các nghệ sĩ Cơ Đốc trình làng nhiều bản nhạc sặc mùi xác thịt; ca từ cũng đầy xác thịt (…) Lẽ ra chúng ta phải hổ thẹn mới phải, vì âm nhạc Cơ Đốc bây giờ có thể đem phát trong vũ trường cũng rất hợp. Nhưng chúng ta lại hớn hở chỉ vì âm nhạc đó quá phổ biến trên thế giới”.

Cũng như những nhạc sĩ Cơ Đốc phương Tây, chúng ta đang tạo ra những bản nhạc “đem phát trong vũ trường cũng rất hợp” nhưng lại vui mừng vì bản nhạc ấy đang dẫn đầu bảng xếp hạng quốc tế. Bạn có thể tự hào với bạn bè năm châu, nhưng liệu bạn có thể tự hào không khi để lại di sản ấy cho con cháu? Bạn có thể dễ dãi cho phép bản thân nghe những ca khúc tục tĩu, xem những MV khêu gợi, nhưng liệu có yên tâm không khi thấy con cái mình nghêu ngao hát những bài ca như thế?

Một nền âm nhạc dung tục không chỉ làm ô nhiễm văn hoá, mà còn ô nhiễm cả một lớp người. Mong rằng những gì chúng ta để lại sẽ không phải là một nền văn hoá bại hoại cho thế hệ tương lai…

Tâm Minh

No comments:

Post a Comment