Đến giờ, sau vừa tròn bốn năm, tôi vẫn nhớ về chuyến đi ngày ấy với tất cả những chi tiết sống động và dữ dội của nó, với tất cả những cung bậc cảm xúc mới lạ và nồng nàn của nó, cùng những trải nghiệm sinh tử không dễ gì có được.
Nằm sâu lại trong tôi, nó là một cột mốc trong đời sống - nơi tôi rẽ trái khỏi lối mòn kiếm sống thường nhật đã trở nên nhàm chán đến ám ảnh. Không chỉ thế, nó còn là một thử thách lớn lao - thử thách mà sau đó, tôi không hề biết chắc được rằng mình còn có thể trở về với đời sống này không (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Và thực tế đã chứng minh điều đó. Phải vất vả lắm và cũng vật vã lắm, tôi mới có thể trở lại được với đời sống kiếm sống ở cõi ta bà này, và trở lại với cuộc đời. Hơn hai năm trời, sau cuộc hành trình vạn dặm ấy, tôi đã thực sự bỏ cuộc đời này mà đi, để sống trong thế giới của riêng mình - nơi không hề hiện hữu hoặc hiện hữu rất ít những gương mặt người.
Thực ra, chuyến đi ấy là một chuyến đi dang dở. Tôi dự định khởi hành từ Atlanta, rồi băng qua các tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ để đi về bờ Tây - tiểu bang California. Sau đó, sẽ nương theo bờ Tây xuyên qua tiểu bang Oregon để đến tiểu bang ở phía Tây Bắc là Washington. Rồi sau đó, từ hướng Tây Bắc sẽ chuyển qua Đông Bắc, rồi cuối cùng về lại Atlanta ở phía Đông Nam.
Thực tế là tôi đã dừng lại ở thành phố San Francisco, rồi quay về, tức là chỉ thực hiện được khoảng một nửa chuyến đi dự định.
Có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là vấn đề an toàn. Ngay ở đêm thứ nhất của chuyến đi, xe đã bị đụng móp nhẹ ở hông trái khi đậu ở Walmart, mà phí tổn tôi phải trả để sửa chữa sau đó là $800. Cũng ngay ở đêm thứ nhất, bốn tấm thảm đen mới của xe đã bị lấy cắp do quên hạ cửa sổ, mà hai ngày sau tôi mới nhận ra.
Sau hai ngày đầu với những hiểm họa tiềm ẩn, tôi đã phải ngày càng nâng cao chất lượng khách sạn mình nghỉ đêm để tránh rủi ro. Đó là điều mình có thể kiểm soát được. Nhưng vấn đề giao thông thì không. Làm sao có thể kiểm soát được những tay lái bất cần, nhất là những tay lái lái xe tải? Thế là, sau đúng ba lần thoát chết, tôi tự nhủ là có lẽ mình nên dừng lại.
Nhưng đó không phải là lý do lớn nhất cho chuyến đi dở dang. Tôi thừa biết rằng, dù mình có chấn động đến đâu thì rồi sẽ hồi phục thôi, rất nhanh, để tiếp tục chuyến đi. Nguyên nhân lớn nhất chính là nỗi cô đơn ngày càng lớn nhanh trong lòng tôi theo từng quãng viễn hành nhiều bất trắc. Để khắc phục nỗi cô đơn ấy, cần có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, nhưng tiếc là, hợp đồng xe chỉ cho phép thuê tối đa 24 ngày, nên đành chịu.
Gần đây, ý nghĩ tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở ấy xuất hiện trong tâm trí tôi. Phàm cái gì còn dang dở cũng để lại những tiếc nuối khôn nguôi, tôi muốn phần nào xoa dịu cái nỗi niềm tiếc nuối ấy. Thế là, tôi lại có một cái hẹn mới với cuộc đời này. Rằng, một hai ba năm nữa, khi nào thuận tiện, thì tôi lại sẽ ra đi. Ra đi để thực hiện nửa cung đường phía trên còn sót lại của cuộc hành trình vạn dặm xuyên Mỹ.
Mỗi một chuyến đi mang theo nó một định mệnh và ý nghĩa riêng biệt. Không còn có ý nghĩa khai phóng như ở chuyến đi đầu, tôi thấy thấp thoáng ở chuyến đi tương lai này lời hẹn cuối của một kiếp người. Không phải hẹn ước nào trong đời rồi cũng được hoàn thành viên mãn, nhất là lời hẹn cuối trăm năm. Và vì thế, tôi bỗng thấy mình háo hức đón chờ tính khả thi của nó như một bí ẩn cuộc đời.
15.05.2021
Jeffrey Thai
Em mong anh luôn khỏe mạnh và thật bình an ạ!
ReplyDeleteThiên Nga
Cám ơn em. Trả lời em hơi chậm vì bận quá. Vẫn nhớ về em với những ảnh hình cũ. Đã từ lâu rồi không còn biết em đã và đang sống ra sao. Nếu em có mặt trên Facebook thì cho anh biết địa chỉ nhé. Anh sẽ ghé thăm.
Delete