Theo như lời của ông Frank Snepp đã phục vụ hai lần, 1969-1972 và 1972-1975 tại đất nước Việt Nam, sau khi đúng đúng vào ngày 30/4/1975, ông Frank Snepp đứng trên nóc Tòa Đại Sứ Mỹ, thất thần chờ chiếc trực thăng cuối cùng đến bốc ông, đưa ra chiến hạm USS Denver, rời Nam Việt Nam.
Nhà phân tích chính về chiến lược Bắc Việt của CIA trong Cuộc chiến Việt Nam trở về Mỹ nhưng có lẽ chưa bao giờ 'rời khỏi' Việt Nam. Giờ đây 78 tuổi, Frank Snepp sống một mình trong một chung cư ở West Los Angeles với con chó nhỏ.
Trong phòng làm việc chứa đầy dấu tích của hai chuyến công tác đã thay đổi cả đời mình, Frank Snepp cho chúng tôi biết ông đang viết một cuốn sách nữa về cuộc chiến VN, và cũng đang làm việc với một hãng phim của Úc về sự tham gia của ông trong cuộc chiến này.
Đã gần 50 năm rồi thì còn gì để viết thêm trong sách nữa?
"Tôi còn bị dằn vặt nhiều về những gì đã xảy ra. Tôi thấy mình còn nợ Việt Nam một món nợ tinh thần. Khuôn mặt của bạn bè, người thông dịch, những người đã cộng tác và trung thành với Hoa Kỳ, kể cả những điệp viên, bị bỏ lại trong những ngày cuối cùng hoảng loạn ấy đến giờ vẫn ám ảnh tôi trong những giấc mơ…'' Ông tâm sự.
'Ngày cuối cùng của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn' mở đầu loạt bài Trò chuyện với Frank Snepp chúng tôi thực hiện cho BBC tại Nam California vào cuối tháng 10/2021.
Đầu tiên là câu hỏi về tình hình Nam VN trước ngày 25/4, khi Frank Snepp đưa ông Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi thủ đô Sài Gòn.
Frank Snepp: Ngày 25/4/1975, còn bốn ngày nữa là chiến tranh kết thúc, tình hình thật hỗn loạn. Chúng ta [Mỹ - BBC] chưa thực sự bắt đầu cuộc di tản đáng kể nào. Đã có một số người Mỹ được đưa ra khỏi VN, nhưng nhiều người Việt đã không tìm được đường đi vì Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin tin rằng sẽ có một thỏa thuận với Bắc Việt, và từ đó Mỹ có thể dễ dàng giúp một số người Việt di tản. Ông Martin tin rằng chỉ cần đưa ông Nguyễn Văn Thiệu khỏi hiện trường, thì sẽ có được thỏa thuận, bất kể những gì điệp viên giỏi nhất của VNCH đã cảnh báo trước đó.
Ông Thiệu đã từ chức hôm 21/4. Ông bị áp lực từ chức vì Đại sứ Martin đưa cho ông xem một nghiên cứu tôi đã thực hiện cho CIA. Nghiên cứu cho thấy nhiều người ở Sài Gòn muốn lật đổ Thiệu vì tình hình chiến sự rất tồi tệ. Lực lượng 140 ngàn quân Bắc Việt đang bao quanh Sài Gòn.
Từ chức rồi nhưng ông Thiệu vẫn chưa ra đi và vẫn còn ảnh hưởng. Phe cộng sản Bắc Việt không biết điều gì sẽ xảy ra. Họ không rõ liệu ông có tìm cách nắm quyền trở lại. Đối thủ chính trị của ông Thiệu, như Nguyễn Cao Kỳ, cũng không biết ông Thiệu sẽ có dở trò gì để tiếp tục quay lại nắm quyền. Trước tình hình đó, ông Trần Văn Hương, tổng thống mới lên thay ông Thiệu, đến gặp đại sứ Martin nhờ đưa ông Thiệu rời khỏi hiện trường, vì sự có mặt của ông lúc đó tại VN, theo ông Hương, bị đánh giá là khiến cho tình thế khó lường.
Ông chính thức nhận được lệnh phải đưa ông Thiệu rời khỏi VN lúc nào, trong hoàn cảnh ra sao?
Frank Snepp: Đại sứ Martin đến gặp ông Thomas Polgar, Trưởng Văn phòng CIA tại Sài Gòn, thượng cấp của tôi, 24/4, một ngày trước khi chúng tôi đưa ông Thiệu đi. Ông Martin nói phải làm thế, vì ông Thiệu đang là yếu tố gây ra rối loạn.
Ông Thiệu lúc ấy buồn khủng khiếp. Ông Hoàng Đức Nhã, em họ của ông ấy khuyên ông đừng có động tĩnh gì, hãy giống như Napoléon ở Elba, ngồi yên và chấp nhận số phận. Bà Thiệu thì lo rằng ai đó sẽ sát hại gia đình bà hoặc chồng bà, và đã rời khỏi VN, bay qua Bangkok.
Tối ngày 24/4, Đại sứ Martin bắt đầu làm việc với CIA để di tản ông Thiệu. Việc đưa ông Thiệu đi khỏi Việt Nam lúc đó là một trong những hoạt động nguy hiểm nhất mà CIA chúng tôi phải thực hiện.
Tại sao việc đưa ông Thiệu rời khỏi VN lại là một công tác nguy hiểm như vậy, thưa ông?
Frank Snepp: Sếp tôi, ông Polgar sau này kể lại rằng việc đưa ông Thiệu đi diễn ra rất nhịp nhàng, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Việc ông Polgar nói là nhịp nhàng là việc thu xếp sao để có một chiếc máy bay. Đó là chiếc máy bay mà chính ngài đại sứ từng dùng khi đi ra nước ngoài. Nó là chiếc máy bay tầm ngắn, nhưng có thể bay đến Đài Loan, nơi mà anh trai ông Thiệu làm đại sứ, vì vậy được cho là một nơi trú ẩn an toàn cho ông Thiệu. Chiếc máy bay đó được đưa đến, và giấu kín trong một khu của phi trường Tân Sơn Nhất.
Bí mật là điều tối quan trọng trong việc đưa ông Thiệu đi, chúng tôi lo là nếu ai đó, như ông Nguyễn Cao Kỳ, biết được việc này, họ có thể thực hiện một cuộc đảo chính vào phút cuối và ông Thiệu có thể bị ám sát.
Tình hình như thế nào trong ngày 25/4, ngày ông Thiệu được CIA đưa ra khỏi VN, ông còn nhớ không?
Frank Snepp: Một số việc xảy ra sáng ngày 25/4 khiến tình hình thêm rối rắm. Người Nga phản hồi đề nghị của Mỹ, nói rằng có vẻ như Bắc Việt sẽ không cố làm bẽ mặt Hoa Kỳ. Henry Kissinger, cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Ford, diễn giải thông điệp này của Liên Xô là chúng ta (Hoa Kỳ) vẫn còn thời gian để thương lượng một thỏa thuận với Bắc Việt. Một lần nữa, đây là một phán đoán hết sức sai lầm. Nhưng việc đưa ông Thiệu đi khỏi VN lúc đó với hai ông Kissinger và Martin là một phần của kế hoạch biến cuộc dàn xếp chính trị mà họ nghĩ là sẽ có ngày thành hiện thực. Vì vậy, sáng hôm đó có sự phấn khích rất lớn, với suy nghĩ là phe Liên Xô cũng đang chuẩn bị cho điều này, bắt phía Bắc Việt phải có một thỏa thuận nào đó.
Yếu tố thứ hai tạo ra căng thẳng lớn ngày hôm đó, là chúng tôi nhận được tin từ Hà Nội - một tín hiệu giả, rằng Bắc Việt sẵn sàng cho phép Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở lại Sài Gòn sau khi ngừng bắn. Điều đó có nghĩa là có vẻ như Bắc Việt sẽ không xóa sổ miền Nam VN, họ sẽ cho phép một chính phủ Nam VN được tồn tại ngay cả khi Bắc Việt chiếm xong được Sài Gòn. Và nếu chính phủ này tồn tại, thì Tòa Đại sứ Hoa Kỳ có thể tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn. Vì vậy, giới lãnh đạo nuôi kỳ vọng vào sáng 25/4, là đơn giản chỉ cần ông Thiệu biến mất, thì một phép màu sẽ xảy ra.
TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) trong một cuộc họp với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, người thứ nhì trong hình từ phải sang, đang nhìn vào ông.
Chiều hôm đó, sếp CIA Polgar và đại sứ Martin bảo tôi là phải tham gia vào điệp vụ này. Tôi sẽ là tài xế của ông Thiệu, và đi cùng xe với ông Thiệu sẽ có cựu Thiếu tướng Charles Timmes, người đã giải ngũ, hiện đang làm việc cho CIA, và cũng là người biết ông Thiệu rất rõ.
Chuyến đi cuối cùng của ông Thiệu ra phi trường:
Cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm được thu xếp làm thành phần của đoàn xe này. Ông Khiêm sẽ ngồi trong chiếc xe đi đầu, do một đồng nghiệp CIA của tôi cầm tay lái. Sếp tôi, ông Tom Polgar, sẽ ngồi trong chiếc xe đi đầu đó. Ông Polgar cũng đã mời một sĩ quan cảnh sát cao cấp của VNCH tham gia công tác này, vì ông dự trù là lỡ đoàn xe bị chặn trên đường đến phi trường Tân Sơn Nhất, thì sẽ có sẵn một sĩ quan cảnh sát cấp cao của Nam VN giúp chúng tôi thoát hiểm. Lúc đó những con đường quanh nơi ông Thiệu trú ẩn, cách không xa phi trường Tân Sơn Nhất lắm, đã bị chặn khắp nơi, và với giới nghiêm, không ai được ra khỏi nhà khi màn đêm buông xuống.
Chương trình là chúng tôi sẽ lái xe khoảng 10 phút từ điểm hẹn đến một khu vực đen kịt không thắp đèn của Tân Sơn Nhất. Chúng tôi phải di chuyển trong bóng tối, và phải đưa hai ông Thiệu, Khiêm an toàn lên máy bay.
Nhận được lệnh vào khoảng 5 giờ chiều hôm đó, tôi vô cùng lo lắng, vì biết có nguy cơ rất lớn là có thể sẽ có nỗ lực ngăn chặn đoàn xe, và chúng tôi có khi sẽ phải nổ súng để thoát. Vì vậy tôi dấu vũ khí trong túi và một khẩu súng lục bên dưới chỗ ngồi. Tất cả những người Mỹ khác tham gia vào điệp vụ này, và những người đi cùng xe với ông Trần Thiện Khiêm, cũng trang bị vũ khí, sẵn sàng cho một cuộc đọ súng khủng khiếp.
Không ai có ảo tưởng nào, rằng nếu thực sư có âm mưu đảo chính, hoặc âm mưu ám sát ông Thiệu, chúng tôi sẽ thoát hiểm dễ dàng. Bởi chúng tôi nghĩ rằng bất cứ kẻ nào tìm cách ngăn chặn đoàn xe cũng sẽ bị trang bị vũ khí tận răng. Kẻ thù ở khắp nơi. Quân đội Bắc Việt lúc ấy chỉ còn cách Sài Gòn khoảng 20 phút.
Bối cảnh xung quanh việc đưa ông Thiệu ra khỏi VN đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Phi trường Tân Sơn Nhất những ngày cuối cùng của VNCH
Frank Snepp: Khi đoàn xe bắt đầu đi, dọc theo ngoại ô Sài Gòn tên lửa bắn vút lên trời. Và khi tập trung tại tư dinh của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm tại Bộ Tổng Tham Mưu của VNCH, điểm khởi đầu của cuộc hành trình, khá gần Tân Sơn Nhất, qua radio chúng tôi nghe thấy tiếng đạn nổ, dấu hiệu cho thấy đang chạm súng ngay tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở trung tâm Sài Gòn, cách đó khoảng năm dặm.
Tình hình lúc đó căng thẳng khủng khiếp. Sếp tôi, ông Polgar đã quên viết giấy thông hành (parole) cho ông Thiệu. Thời đó, nếu muốn được Hoa Kỳ bảo trợ và di tản, bạn phải có giấy thông hành, nhưng trong lúc vội vàng, ông Polgar đã quên. Vì thế Polgar và tướng Timmies hôm ấy phải bước vào căn nhà nơi mọi người tụ họp, loay hoay ký giấy tờ để ông Thiệu có thể hợp pháp đáp chuyến máy bay của Hoa Kỳ rời Việt Nam. Khung cảnh hết sức hỗn loạn.
Chiếc xe tôi lái là xe của Tòa Đại sứ đã được ngụy trang. Chúng tôi đã thay bảng số để nó trông giống như một chiếc xe ngoại giao bình thường. Tất cả xe khác cũng được ngụy trang tương tự. Chúng tôi làm thế để giảm thiểu nguy hiểm.
Ông Thiệu đợi chúng tôi ở một ngôi nhà gần đó. Tôi thì đứng bên ngoài căn nhà ở điểm hẹn, chờ ông đến. Tôi nhớ là ông Thiệu đến bằng xe Mercedes, nhưng có người nói là ông Thiệu đi bộ tới. Ông Thiệu trang phục đẹp đẽ, trông như một người mẫu của tạp chí Quý ông Lịch lãm (Gentlemen's Quarterly) vùng Viễn Đông. Tóc ông vuốt ngược ra đằng sau, và mặt bôi kem, trông ông cực kỳ ấn tượng và tự chủ.
Nhưng người bạn của chúng tôi, vị cựu tổng thống, đã uống một chút, vì từ người ông tôi ngửi thấy mùi rượu whisky và mùi nước hoa đắt tiền. Tôi nhớ rõ như in điều này, bởi vì cảm quan của tôi lúc ấy cực kỳ bén nhậy, tôi cảm nhận được mọi thứ quanh mình, được môi trường chung quanh, rằng bóng tối lúc đó đang buông xuống và những loạt đạn pháo đang được bắn ra, tên lửa xẹt qua lại, chỉ cách đó một quãng ngắn.
Hai ông đến gần đoàn xe và ông Thiệu chui vào sau xe của tôi. Tướng Timmies, người Mỹ được cử tháp tùng ông Thiệu, cũng là một người bạn cũ của ông, cùng ngồi ghế sau với ông ấy. Tôi nhớ là hình như một hay hai vệ sĩ của ông Thiệu cũng đã ngồi vào phía sau. Tôi không nhớ rõ lắm là vì lúc đó đang ngồi ghế tài xế và luôn nhìn chằm chằm vào kính chiếu hậu, để xem có ai tiến gần đến xe của chúng tôi từ hai bên. Chỉ nhớ rõ là tướng Timmies ngồi cạnh ông Thiệu, và trước khi tôi kịp tra chìa khóa vào xe, một vài phụ tá của ông Thiệu từ đâu xuất hiện khiêng những chiếc vali. Họ mở cửa sau xe của tôi và bỏ vali vào.
Trong cuốn 'Decent Interval' ông viết là những chiếc vali này chứa đôla hay vàng, ông có thể nói rõ về việc này?
Frank Snepp: Khi viết phiên bản đầu tiên của hồi ký về sự kiện này, tôi nói mình nghe thấy tiếng kim loại va vào kim loại. Trước đó, tôi cũng đã được nghe nói rằng ông Thiệu có thể sẽ mang theo một số vàng của ông lên xe khi ra đi. Thực thế, ông Polgar, cấp trên của tôi, người sắp đặt tất cả mọi việc, đã nói điều này có thể xảy ra. Sau này có rất nhiều tranh cãi về việc những vali đó có vàng không. Tôi phải nói cho bạn biết điều này, là không ai biết chắc về việc này ngoại trừ ông Thiệu, tôi, và có thể một vài người khác.
Tất cả những người bình luận về sự việc, gồm cả ông Polgar, cũng không biết rõ. Tôi là người ngồi trong xe, tôi thấy mọi người bước ra từ bóng tối và tôi thấy họ bỏ vali vào xe và nghe thấy tiếng chạm của kim loại từ những vali đó. Nhân tiện, tôi cũng muốn nói thêm là tôi chưa bao giờ có ý nói là ông Thiệu mang vàng từ Ngân khố Quốc gia đi theo. Tôi nghĩ ông chắc chắn đã mang theo một số tài sản của riêng mình, bởi vì ông không chắc sẽ bao giờ quay trở lại Việt Nam. Vì vậy, điều đó hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, Ngân khố Quốc gia của VNCH vẫn nằm nguyên trong Ngân hàng Quốc gia ở Sài Gòn.
Đoàn xe đưa ông Thiệu và tùy tùng đi có đông không, và khung cảnh Sài Gòn lúc đó thế nào?
Frank Snepp trên nóc Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước ống kính phóng viên BBC của Anh Quốc thời đó
Frank Snepp: Đoàn có bốn chiếc xe. Xe chở ông Khiêm đi đầu, xe tôi là xe thứ hai, có chiếc xe thứ ba, và tôi nghĩ còn có một chiếc xe thứ tư đi theo sau chúng tôi. Khi chúng tôi ra khỏi khu Bộ Tổng Tham Mưu hướng tới phi trường Tân Sơn Nhất, thì đã khoảng bảy hoặc tám giờ tối. Đường phố tương đối vắng vẻ, ngoại trừ các trạm kiểm soát. Nhìn đâu tôi cũng thấy trạm kiểm soát. Quân lính miền Nam VN và cảnh sát có mặt khắp nơi. Và nỗi lo sợ của chúng tôi là, một trong những người ở các kiểm soát này sẽ tìm cách làm nên lịch sử, ngăn chặn đoàn xe và giết chết ông Thiệu. Tôi được giao trọng trách đưa ông an toàn ra khỏi VN, và tôi cảm được trách nhiệm nặng nề khủng khiếp này.
Khi xe chuyển bánh, tướng Timmies bắt đầu trò chuyện với ông Thiệu. Họ nhắc lại chuyện ngày xưa, lúc ông Thiệu còn là tư lệnh Quân khu I, một trong những vùng phe cộng sản hiện đang chiếm giữ. Và ngay giữa lúc đó, tướng Timmies giới thiệu tôi với ông Thiệu, nói tôi là nhà phân tích giỏi nhất của Tòa Đại sứ, và vì thế, ông Thiệu đang được một 'tài xế hạng sang' chở ra phi trường. Ông Thiệu nói đùa một cách mơ hồ rằng tài xế ở đây lái xe giỏi hơn ở Bangkok nhiều, và tài xế ở Bangkok khá bạt mạng. Đó là cảnh tượng kỳ quái nhất mà bạn có thể hình dung được. Tôi thực sự sững sờ trước cuộc trao đổi qua đó ông Thiệu trông có vẻ rất thoải mái, nhưng đồng thời, cũng rất căng thẳng. Tôi có thể nhìn thấy gương mặt của ông trong gương chiếu hậu.
Đoàn xe phóng về phía trước, chúng tôi qua một trạm kiểm soát, một trạm nữa, và được vẫy tay cho đi. Có ông đại tá cảnh sát người Việt ngồi trong chiếc xe dẫn đầu vẫy tay chào và dẫn đường, không ai nhìn xem trong đoàn xe có những ai. Tôi nghĩ có lẽ họ nghĩ đây là một đoàn xe ngoại giao đang trên đường đến một cuộc họp ngoại giao nào đó. Họ không nhận ra rằng chúng tôi đang đưa cựu Thủ tướng Chính phủ và cựu tổng thống của đất nước họ đến nơi an toàn.
Khi đến gần phi trường, chúng tôi đi ngang qua đài tưởng niệm có hàng chữ "Sự hy sinh cao cả của đồng minh sẽ không bao giờ bị lãng quên'', được xây để tưởng niệm những người lính Mỹ đã chết ở VN. Khi xe vượt hẳn khỏi qua nơi này, tôi chợt liếc vào gương chiếu hậu, và nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ông Thiệu.
Sau này, một số người không có mặt ở đó bàn rằng ông Thiệu chắc chẳng bao giờ khóc. Tại sao không? Ông ấy đang rất đau buồn. Ông đang mất đi đất nước của mình. Ông giống như Napoléon bị đày lên đảo Elba. Ông hoàn toàn là một kẻ lưu vong. Ông bị mọi người ghét. Người Mỹ cho rằng ông là chướng ngại vật của một thỏa thuận có thể cứu mạng sống của mọi người, muốn tống cổ ông đi, địch thủ chính trị muốn giết ông, và ông bị người tham gia vào công tác này ghét bỏ.
Cảm nhận của cá nhân ông về ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó ra sao?
Frank Snepp: Tôi không ghét ông ấy. Tôi chỉ đơn giản muốn ông được an toàn đến sân bay. Nhưng tôi không có ảo tưởng nào về sự thù địch mà ông Thiệu phải đối diện ở khắp nơi. Với tư cách cá nhân tôi vô cùng xúc động khi thấy một người đang lâm cảnh tột cùng tuyệt vọng. Tôi cũng kinh ngạc thấy ông có thể tự chủ được đến vậy. Ý tôi là, đang phải đối mặt với sự sỉ nhục lớn nhất mà bất kỳ tổng thống nào của một nước phải đối mặt mà ông vẫn kiềm chế được, nhưng lại rơi nước mắt cho những người Mỹ đã hy sinh ở VN. Khoảnh khắc ấy tôi không bao giờ quên.
Đoàn xe tiếp tục đi. Có lúc chúng tôi bị chặn lại. Thấy ông đại tá cảnh sát người Việt trong xe đi đầu nói chuyện với những người ở trạm kiểm soát, tôi đã nghĩ chết cha, có thể gặp chuyện rồi, đây có thể là lúc súng sẽ nổ và mọi người sẽ chết. Nhưng chúng tôi được vẫy tay cho đi. Rồi cũng đến khu vực của phi trường, nơi chúng tôi sẽ bàn giao ông Thiệu, ông Khiêm và những người còn lại trong nhóm họ. Tất cả đèn thình lình tắt ngúm. Trời tối đen như mực. Tôi làm mờ đèn xe đi như được yêu cầu và cứ thế lái trong bóng tối, không nhìn thấy gì.
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu hồi tháng Hai 1975
Bỗng nhiên, ngay phía trước xe, trong bóng tối mù mờ, tôi thấy sếp Polgar đang chạy xuống phi đạo. Xe tôi suýt nữa đụng vào ông. Tôi thắng gấp và mọi người ở đằng sau bay về phía trước, đập vào lưng ghế của tôi. Ông Thiệu và tướng Timmies bị trượt khỏi ghế ngồi. Quang cảnh lúc ấy giống một khúc phim hài, nhưng đồng thời cũng rất khủng khiếp. Tôi xin lỗi, và xe nhích về phía trước.
Cuối cùng tôi thấy dáng chiếc máy bay đợi đón ông Thiệu, và dừng xe lại. Đại sứ Graham Martin đã đến đây bằng nẻo đường khác, vì chúng tôi không muốn tất cả các vị chức sắc này tụ họp ở cùng một chỗ và cùng bị giết chết, nếu có một cuộc phục kích. Đại sứ Martin đang chờ để nói lời từ biệt với vị tổng thống cuối cùng của đất nước mà chúng tôi ủng hộ. Tướng Timmies ra khỏi xe. Ông Thiệu vươn tay nắm lấy tay tôi, nói bằng thứ tiếng Anh có giọng Pháp. Cảm ơn bạn. Cảm ơn bạn.
Tôi thật xúc động. Biết đâu ông Thiệu chẳng có lúc ngờ rằng tôi có mặt trong chiếc xe đó để giết ông. Ông không thể nào biết chúng tôi là ai, mà chỉ có một lựa chọn là phải tin rằng người Mỹ sẽ cứu và đưa ông đến chốn an toàn. Trên thực tế, nếu chúng tôi giết ông thì cũng giải quyết được vấn đề. Phe cộng sản chỉ muốn ông Thiệu biến mất. Họ không quan tâm là chúng tôi đưa ông di tản hay cho ông nằm đất. Vì vậy, nếu tôi là ông Thiệu, chắc tôi đã rất lo không biết người đàn ông lái xe này đưa mình đi là ai. Nhưng ông cảm ơn tôi. Tôi không nói gì, nhưng tự hỏi có phải ông cám ơn vì 55,000 người Mỹ đã bỏ mình ở VN? Những ý nghĩ này tôi nhớ rõ, do luôn mang theo mình một cuốn sổ tay, và sau đêm đó, tôi viết ngay xuống những gì đã xảy ra, vì biết mình vừa sống qua những thời khắc của lịch sử.
Sau gần 50 năm giờ ôn lại việc Hoa Kỳ đưa ông Thiệu ra khỏi VN lúc đó, ông có những suy nghĩ gì?
Frank Snepp: Phải nói tôi mãi bị ám ảnh với dằn vặt và hối tiếc. Suy nghĩ lúc đó của Đại sứ Martin, và của Ngoại trưởng Henry Kissinger là sự biến đi của ông Thiệu sẽ giúp họ có được một thỏa thuận với phe cộng sản. Họ tin như vậy bất kể việc Võ Văn Ba, điệp viên giỏi nhất của VNCH, người mà tôi đích thân tiếp xúc, đã cảnh báo họ hai lần, trong hai luần lễ trước đó, rằng phe cộng sản sẽ không thương lượng gì cả, mà sẽ tiến chiếm Sài Gòn kịp để ăn mừng sinh nhật Hồ Chí Minh. Họ bị đối phương lừa ngay từ đầu và tin kẻ thù hơn tin chính người của mình.
Điều này có nghĩa gì? Việc khăng khăng ôm lấy ý tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận với Bắc Việt sau khi đưa ông Thiệu ra khỏi VN, đã khiến đại sứ Martin cảm thấy không cần phải có ngay một kế hoạch lớn để di tản một cách có trật tự những người Việt đã làm việc với và trung thành với Hoa Kỳ. Đại sứ đã trì hoãn kế hoạch đó cho đến những phút cuối hoảng loạn.
Chỉ vài giờ sau khi ông Thiệu ra đi, Henry Kissinger nói chúng ta sẽ có ba tuần để tiếp tục sơ tán, rồi sẽ có các cuộc đàm phán, sau đó chúng ta sẽ có một chính phủ liên minh. Graham Martin cũng tin như vậy. Điều đó điên rồ, và rất nhiều người Việt Nam tôi biết đã phải trả giá cho sự điên rồ đó bằng mạng sống của họ. Nhiều người bị giam giữ, nhiều người khác bị giết chết, kể cả đặc vụ giỏi nhất mà chúng tôi có. Nỗ lực đưa ông Thiệu rời VN là một trong những công tác nguy hiểm nhất của CIA ở Việt Nam, nhưng nó là điều vô nghĩa, mà chỉ củng cố cho ảo ảnh là chúng tôi vẫn còn nhiều thì giờ để hành động.
Tôi còn nhớ rõ cảnh ông Thiệu ra khỏi xe bước về hướng máy bay tối hôm ấy. Đoàn tùy tùng của ông làm theo, và tôi cũng ra khỏi xe. Đạn và tên lửa vẫn bay vèo vèo dọc theo vành đai thành phố. Đại sứ Martin không nói gì với ông Thiệu ngoài lời từ giã. Và khi ông Thiệu mất hút vào lòng máy bay, ông đại sứ thình lình bước xuống khỏi thang máy bay, rồi cúi người, nắm lấy chiếc thang (ramp), dựt băng nó ra khỏi chiếc máy bay. Tôi chạy đến hỏi tôi có thể giúp gì ông được không. Không! không! Ông xua tay.
Frank Snepp nhận huy chương trong thời gian phục vụ ở VNCH
Graham Martin là đại sứ Hoa Kỳ cuối cùng tại VNCH bước lên trực thăng rời thành phố Sài Gòn
Tôi nhớ đã nghĩ hình như những gì vị đại sứ Mỹ đang làm là xé đứt chúng tôi khỏi tất cả những gì đã trói buộc nhau trong quá khứ. Ông vừa từ biệt vị tổng thống mà Hoa Kỳ đã ủng hộ trong 5, 6 năm. Mọi hình ảnh trong tôi đến giờ còn rất sống động. Đại sứ Martin lúc đó đeo kính gọng sừng. Trông ông giống như một giáo sư, chứ không giống một vị đại sứ đã chủ trì một trong những khoảnh khắc xấu hổ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và chắc chắn là của lịch sử VNCH. Tôi hỏi đại sứ còn cần tôi làm gì nữa không. Ông nói không. Xong rồi. Xong rồi. Xong rồi…
14/11/2021
TINA HÀ GIANG (BBC)
No comments:
Post a Comment