Saturday, November 27, 2021

NỖI ĐAU KIẾP NGƯỜI - CẦM HUỲNH

 
Minh họa: Đinh Trường Chinh

Sau ngày miền Nam không còn cái tên “Saigon” của thành phố hoa lệ mỹ miều được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, những con đường của Thi ca của Văn sĩ, của những bài tình ca lãng mạn, góc phố con đường quen thuộc ngày ngày đi qua, bỗng trở thành xa lạ.

Còn đâu những ngày tà áo dài thướt tha bay bay quyện vào chân anh chàng “giày Saut áo trận”. Nay chỉ còn thấy những bóng dáng ngơ ngác lạ hoắc nhưng đầy oai lực. Gia đình chồng tôi ở Sài Gòn sau ngày tan hàng, con gái con dâu, cả nhà ba thế hệ trong một căn nhà “đi ra đụng người, đi vô phải nhường”. Tôi ôm con gái nhỏ về Phan Rang nương tựa cha mẹ. Một năm sau, nghe có lệnh bắt người dân miền Nam phải đi kinh tế mới, ông bà già chồng tôi sợ quá nên chia làm hai phe, phân nửa ở lại Saigon giữ cái chân của người Saigon, phân nửa lên Xuân Lộc mua đất để làm rẫy. Tôi khăn gói về lại Sài Gòn rồi theo lên Xuân Lộc.

Bà má chồng mua cho cái nhà bé bé xinh xinh như cái hộp quẹt vừa để núp nắng trú mưa vừa làm vựa chứa chuối. Trong cái thời củi quế gạo châu, có chỗ dung thân là mừng rồi. Tôi trở thành người làm rẫy làm vườn cuốc đất, buôn bán; hòa nhập vào dòng người, cuộc sống xô bồ. Tôi quen đủ mọi tầng lớp, lăn lộn trong chốn chợ đời. Những ngày mới về ở gần bến xe, không khí nhộn nhịp ồn ào, tôi thường bị đánh thức vào 3-4 giờ sáng, bởi tiếng động, tiếng người ơi ới, kẻ lên người xuống. Xe lam, xe gắn máy, âm thanh vang dậy bắt đầu cho ngày mới.

Rồi chiều đến, những chuyến xe lửa từ miền ngoài dừng lại ga, mang vào Nam lớp lớp người người, gồng gánh lôi thôi lếch thếch. Họ tràn vào đặc kín bến xe, tung tóe như đàn vịt dưới ao, lao xao ồn ào, âm thanh sao nghe xa lạ. Sáng đến, họ theo những chuyến xe xuôi ngược tản mác khắp nơi tìm vùng đất hứa, bỏ lại ấu uế dơ bẩn, biến cái bến xe thành bãi rác công cộng. Người lao công quét dọn sáng nào cũng chống chổi lầm bầm bâng quơ, rồi cắm cúi dọn dẹp bao nhiêu dơ bẩn của người để lại.

Ngày ngày tôi nhìn thấy dòng người tất bật, đảo lộn từ có đến không, mọi thứ theo cơn “hồng thủy” cuốn trôi vuột khỏi tầm tay, phải làm lại từ con số không, phơi lưng với trời, cúi mặt nhìn đất. Rồi có những người từ không đến có, như cơn lũ đi qua mang phù sa bồi đắp mảnh đất khô cằn, một bước ngẩng cao đầu như ông hoàng bà chúa.

Đêm xuống ngoài trời bóng đêm bao trùm, không gian vắng lặng đến ghê sợ. Tôi nuối tiếc suy nghĩ, đau đầu nhức óc, không biết rồi đây những ngày sắp tới sẽ đi về đâu, cái ăn cái mặc như thế nào. Tâm trạng lo sợ, bất an. Sáng lăn lộn mưu sinh cho sự sống, đêm co ro trên cái sạp tre, bao quanh mùi nhựa của chuối, mùi của ẩm mốc, bữa đói bữa no, ngày qua ngày, mắt nhắm mắt mở cho yên thân.

Một buổi sáng, bến xe huyện Xuân Lộc rộn ràng. Nhiều người khô khốc gầy gò. Họ ngồi từng nhóm. Tôi bước ra cửa ngóng. Thì ra một số sĩ quan VNCH trong trại tập trung được thả xuống bến xe. Họ ngồi chờ chuyến xe để về nhà. Nhìn ngang qua có bốn anh đang chia nhau nải chuối chín, tôi lật đật chạy qua hàng cơm trong bến xe, mua bốn dĩa cơm nhờ chị bán cơm mang qua cho họ. Thương thương, sao xót xa quá. Tôi không dám nhìn. Tôi thẫn thờ nhớ lại những ngày miền Nam khói lửa lan tràn. Tiếng súng, tiếng đạn pháo khắp nơi. Các anh vẫn hiên ngang đối diện cái chết, để giữ gìn từng tấc đất, để bảo vệ cuộc sống người dân được bình yên, được cơm no áo ấm.

Có những lần vừa dứt trận đánh, đứng nhìn trận địa tan hoang, mùi thuốc súng, mùi bom đạn, mùi tử thi, các anh đã rơi nước mắt khi nhìn những người nằm xuống, dù bên này hay bên kia, những mái đầu tóc hãy còn xanh, những gương mặt còn quá trẻ, hay những người lính già đi hết đời người cho cuộc chiến. Tình người với người cùng chung giống nòi. Người lính Việt Nam Cộng Hòa không có hận thù trong lòng, chỉ mong mang hòa bình và tự do bình yên cho đất nước. Để rồi hôm nay họ là những “viên tướng” thất thủ, mất thành mất đất, mất tất cả; thân tù tội, nuốt uất hận vào lòng, không biết rồi đây cuộc sống ra sao giữa hai làn ranh đối lập.

Tôi xót xa. Còn đâu những ngày tự do của người miền Nam thân thương. Tôi thầm nghĩ phải chi con người chịu loại bỏ những tham vọng chiếm đoạt, bỏ những hận thù oán ghét ra khỏi trong khối óc và trái tim. Mà hãy đến với nhau bằng tình thương yêu nhân loại giữa người với người, cuộc sống sẽ đơn giản nhẹ nhàng thanh thản biết mấy…

Có những điều kỳ diệu luôn hiện hữu. Tôi lấp ló lén nhìn mấy anh. Rồi một anh đại diện mang tặng tôi chiếc áo màu xanh, màu của người lính VNCH bạc màu. Tôi trân trọng tấm lòng của mấy anh đã trao cho tôi. Anh ngập ngừng nói, chị bán cơm cho anh biết tôi là người đãi mấy anh bữa cơm ngày đầu tiên ra trại. Tôi khóc, anh cũng khóc. Thời gian đi qua, hình ảnh đó chưa bao giờ tôi quên. Không biết bây giờ họ ra sao. Có may mắn được an lành nơi quê nhà hay cũng lưu lạc nơi xứ người?

Mấy mươi năm rồi, các anh ai còn ai mất, có còn nhớ căn nhà nhỏ xíu như cái hộp quẹt nằm cạnh bến xe huyện Xuân Lộc, có người phụ nữ trẻ thật trẻ, cùng khóc với các anh, cùng có nỗi đau của người thất trận, cùng chia sẻ niềm vui mừng ngày các anh được tự do, về xum họp cùng gia đình. Tôi vẫn ước ao ngày nào đó được gặp lại các anh, những người năm ấy.

No comments:

Post a Comment