Đã có những năm tháng rất cũ, ngày ấy - ngày 14/03 của năm 1989 - là một ngày định mệnh luôn ở trong tâm trí tôi và hàng vạn người Việt khác - những kẻ khát tìm tự do sống. Nhiều ngày 14/03 như thế đã trôi qua và tôi không còn nhớ nhiều về những câu chuyện cũ. Ngày 14/03 này, một sự dung rủi tình cờ trên Facebook lại khiến đưa tâm trí tôi trở về với cái ngày định mệnh (không hề muốn nhớ nhưng không thể quên) ấy.
Tôi vượt biên khỏi Việt Nam thành công vào cuối tháng mười năm 1989, tức là trễ hơn cái ngày 14/03 ấy đến hơn bảy tháng. Thực ra, trước đi khi tôi có biết và biết rất rõ (qua tin tức trên đài BBC) rằng ngày 14/03/1989 là ngày "cut-off day", tức là sau ngày ấy toàn bộ các trại tị nạn ở Đông Nam Á sẽ không mặc nhiên chấp nhận cho người tị nạn đi định cư nữa, mà họ hoặc bị đẩy trở lại ra biển, hoặc sẽ phải trải qua một quá trình thanh lọc kéo dài để xác định tình trạng tị nạn chính trị.
Biết thế nhưng tôi vẫn đi. Hay nói một cách chính xác hơn, biết thế tôi lại càng muốn đi. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là như thế này. Tôi vốn chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ ở lại Việt Nam sau ngày thay đổi thể chế năm 1975. Dẫu vào năm ấy, tôi chỉ vừa học xong bậc tiểu học nhưng chừng ấy tuổi đã cho tôi có đủ thời gian để đọc vô số sách báo, tiểu thuyết, để xem vô số chương trình trên vô tuyến, và trong tôi đã hình thành nên ý nghĩ rằng, mình không thể nào sống được với chế độ mới.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Nếu nói rằng cái chế độ mới đó đã cướp đi thời thiếu niên của tôi thì cũng đúng. Đó là những năm tháng rất tối tăm, rất khó khăn, rất buồn và rất bế tắc. Tôi dường như trở nên trầm cảm ở thời hoa niên khi không biết phải làm gì và sẽ sống ra sao. Trời sinh ra tôi chỉ giỏi việc học, mà ở xã hội ngày ấy học để làm gì. Chung quanh tôi, người ta cố phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng để tiến thân. Tôi thấy việc ấy có phần "kỳ lạ" và "tội nghiệp". Trong tâm trí tôi, từ ngay ở bậc trung học, chỉ có một ý nghĩ thôi là phải tìm được cách vượt biên, để thoát khỏi chế độ này.
Khổ nỗi, làm sao tôi có được chừng ấy cây vàng để đi, cũng không có ai lo cho mình đi. Vượt biên ngày ấy trong tâm trí tôi là một giấc mơ to lớn - lớn đến nỗi khó bao giờ có thể thành sự thật. Tin đóng cửa đảo vào ngày 14/03 ấy vừa là một tin buồn, vừa là một tin vui đối với tôi. Vui là vì việc vượt biên sẽ dễ dàng hơn nhiều vì không ai còn dám đi nữa. Và quả thực đúng vậy, để kiếm được đủ khách đi, họ đã giảm giá xuống đến mức thấp nhất, và thậm chí, trong trường hợp của tôi, không phải trả trước đồng bạc nào cả. Cái giá một cây rưỡi ấy sẽ chỉ phải trả nếu tôi đến được đảo an toàn.
Và khi tôi đến được đảo an toàn, sau chuyến hải trình đầy hiểm nguy (gặp phải bão biển và được cứu vớt), cũng chính là lúc phải đối mặt với bi kịch nghiệt ngã ngày 14/03. Dâu đã biết trước, áp lực tinh thần mà cái ngày định mệnh ấy gây ra không hề nhỏ. Đi đâu trên đảo cũng nghe những lời đầy bi quan và bế tắc về một tương lai mịt mùng vô định. Chờ đợi! Chờ đợi bao lâu? Năm năm hay mười năm? Và biết rồi có được chấp nhận hay không? Có thể nói cái áp lực vô hình ấy nó giết chết người ta còn dữ dội hơn là những năm tháng đợi chờ.
Tôi chưa bao giờ dám mơ tới việc đậu thanh lọc, vì lý lịch hồ sơ của tôi chẳng liên quan gì đến chế độ cũ, mà ngày ấy tôi còn ngây thơ đến nỗi chẳng dám bịa đặt gì nhiều. Tôi đã hình dung trước cho mình một quãng đời dài đăng đẳng phía trước trong trại tị nạn, và rồi thực tế đã là như thế. Dẫu vậy, tuyệt nhiên tôi chưa hề bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc để đăng ký trở về Việt Nam. Điều ấy, dẫu sau bao biến cố dồn dập trong trại tị nạn Sungei Besi, cũng chưa bao giờ nảy sinh trong tâm trí của tôi. Nếu được để yên như thế, có lẽ tôi chấp nhận sống và chết nơi ấy như một kẻ lưu vong. Tôi đến chùa để thiền định vào mỗi sáng trong ngày, và bằng cách ấy, tôi đã tìm được sự bình an cho mình trong đoạn đời bi thương ấy.
Nhưng không, tôi đã không được để yên. Vấn đề tị nạn Đông Nam Á và việc đóng cửa các trại tị nạn đã đến thời điểm phải được giải quyết rốt ráo. Thế là chúng tôi bị dồn vào một nơi tập trung nhỏ hẹp với điều kiện sống không thể nào chấp nhận được: phải xếp hàng dài dưới trời nắng nóng chỉ để đi vệ sinh, khi ngủ phải nằm sát vào nhau như trong trại tù vì không có chỗ... Không chỉ vậy, mỗi đêm khuya, những âm thanh vang rền lại được tạo ra để không ai nghỉ ngơi được và vì thế, tâm thần càng thêm bấn loạn.
Không hiểu sao, tôi không nhớ ra được là mình đã sống bao nhiêu ngày trong tình trạng như thế. Một tháng, hai tháng, hay lâu hơn thế nữa... Có lẽ là do ký ức ấy quá khủng khiếp đối với một người bình thường, không phải là phạm nhân. Cuộc sống ấy xô bồ, chen chúc và hỗn loạn đến nỗi chiếc quần lót cuối cùng của tôi khi phơi cũng bị đánh cắp. Tôi đã phải tìm cách xoay sở mới mua được một cái quần lót cũ khác để mà mặc. Và còn đôi dép cũ! Lúc nào cũng phải canh chừng chúng, kể cả khi đang ngủ, như canh giữ một đứa con thơ...
Tôi không nhớ được nhiều về những ngày "địa ngục" ấy, nhưng có một ý nghĩ này ở những ngày ấy mà tôi không thể quên. Tôi nhìn chung quanh, nhìn mọi người, rồi nhìn lại bản thân, nhìn lại những ngày mình đã sống qua, rồi lòng tôi chưa bao giờ thấy xót xa như thế. Tôi tự hỏi lòng mình: Có phải chăng tự trong tiền kiếp mình đã phạm phải một tội lỗi nào to lớn quá không thể tha thứ được? Ý nghĩ ấy ám ảnh tôi trong mỗi ngày sống ấy.
Sau quãng đời tị nạn dài đăng đẳng gần bảy năm, tôi ý thức được rằng nó đã đến hồi chung cuộc. Không phải vì tôi không còn chịu đựng nổi nữa, mà vì lòng tôi đã cảm thấy đủ: đủ chua cay, đủ nhọc nhằn, đủ xót xa, đủ tủi nhục... Tôi chấp nhận đánh đổi mạng sống giữa biển cả và sống giam cầm trong gần bảy năm qua để được làm người, chứ chẳng phải để trở lại sống như loài thú vật. Với ý nghĩ ấy, tôi đã làm một việc mà trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm: đăng ký trở về Việt Nam bằng đường máy bay, thay vì chờ để bị cưỡng bức trở về bằng đường tàu thủy.
Quyết định tưởng chừng như rất đau lòng ấy của tôi ngày ấy, hóa ra lại là một quyết định đúng đắn một cách tình cờ. Tôi đã vô tình thực hiện quyết định ấy rất đúng thời điểm để rồi chính thức hợp lệ để được tái phỏng vấn và định cư tại Mỹ, và cũng tránh cho mình phải tiếp tục sống thêm những ngày sống đày đọa không cần thiết.
Ngày 14/03 này, vô tình bắt gặp được video chiếu cảnh cưỡng bức những người ở lại ngày ấy ra về bằng tàu thủy mà tôi thấy có chút xót xa, bồi hồi. Đã 26 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ thật rõ những gương mặt tị nạn ấy. Chúng như in thật sâu trong tâm trí của tôi. Tôi đã là một chứng nhân chung thủy của những quãng đời tị nạn sau ngày 14/03 và đã là chứng nhân đủ đầy cho mọi biến cố lớn nhỏ diễn ra trong khoảng thời gian bảy năm ấy. Chỉ duy nhất có đoạn đường ngắn tàn khốc sau cùng này thôi là không có tôi. Tôi thấy mình vừa may mắn, vừa có chút tiếc nuối bâng quơ.
Thông qua những comment mà tôi đọc được, dường như có cả thảy ba chuyến cưỡng bức về bằng tàu thủy (mỗi chuyến 400 người) và chuyến cuối còn 100 người thì về bằng máy bay. Tuy vậy, theo như comment đó nói thì chỉ có những ai bị cưỡng bức về chuyến đầu tiên thì mới hợp lệ để được tái phỏng vấn ở Sài Gòn, còn những người khác thì không. Tôi không biết rằng điều đó có đúng không, nhưng nếu thật vậy, thì quả là rất tàn nhẫn đối với họ - những thuyền nhân tị nạn đã lựa chọn để "chiến đấu" đến giây phút cuối cùng.
14/03/2022
Jeffrey Thai
VIDEO CƯỠNG BỨC THUYỀN NHÂN TỊ NẠN TẠI TRẠI SUNGEI BESI NĂM 1996
Em đã đọc, hình dung ra và thấy thật bùi ngùi.
ReplyDeleteLúc anh vượt sóng để tìm cuộc sống, em đang mịt mùng chốn rừng sâu ...
Thật bình an nha anh!
Người ra biển cả. Người về chốn rừng sâu. Đã có một thời định mệnh Việt Nam buồn như thế ấy! Chúng ta đã vô tình trở thành những chứng nhân lịch sử để kể lại những câu chuyện quá khứ mà thế hệ ngày nay khó tin là sự thật, phải không em?
Delete