Monday, March 14, 2022

SUNGEI BESI NHỮNG NGÀY TAO LOẠN - LARRY DE KING

 


Ngày 14 tháng 3 1989, một ngày không thể quên của người tỵ nạn của 3 thập niên về trước. Ngày mà những thuyền nhân liều lĩnh với đại dương không còn được chào đón, mà phải nếm đủ đoạn trường, tận cùng của khổ đau trần thế. 

Hôm nay mình muốn viết một ít về giai đoạn này của thuyền nhân ở trại tỵ nạn Pulau Bidong và Sungei Besi thuộc Malaysia, như một kỷ niệm đau thương, nơi mình trải qua 4 năm 10 tháng thống khổ trầm luân.

Nếu Bidong là 1 hoang đảo giữa mịt mù biển khơi thì Sungei Besi là 1 thị trấn nhỏ nằm ngoài vành đai của thủ đô Kuala Lumpur, nơi giam giữ cuối cùng của người tỵ nạn Việt Nam trước khi khép lại lịch sử tỵ nạn đau thương đầy nước mắt.

Do ra đi sau ngày đóng cửa, những người tỵ nạn VN không còn được hưởng quy chế tỵ nạn để đi định cư ở các nước thứ 3 mà phải trải qua 1 cuộc kiểm tra thanh lọc vô cùng khắt khe. Người rớt thanh lọc chỉ có 1 con đường duy nhất là trở về cố hương với nhiều lo âu về 1 tương lai vô định. Cuộc thanh lọc này đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát. Tỷ lệ vượt cạn vô cùng thấp. Lúc bấy giờ chỉ có 3 diện đậu thanh lọc là TU, TÙ và TỤ.

Tu là các tu sĩ tôn giáo do bị áp bức mà phải ra đi. Tù chỉ về các tù chính trị diện HO, ở tù 3 năm trở lên, do không chờ đợi được thủ tục ra đi HO ở VN nên phải liều mình ra đi. Tụ tức đoàn tụ, là diện có vợ hay chồng đang ở nước ngoài, và cũng do thủ tục bảo lãnh từ VN quá lâu nên họ cũng đành liều mình với đại dương và sóng dữ.

Ngoài 3 diện này, để đậu thanh lọc bạn phải chứng minh được rằng ở VN bạn bị ngược đãi đến độ không thể sống nỗi, hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Than ôi! Đây là một yêu cầu rất chủ quan, phiến diện, kém nhân đạo, và rất khó để thoả mãn. Mục đích cuối cùng là trả họ về VN, và chấm dứt lịch sử tỵ nạn kéo dài từ sau 1975.  Lòng nhân đạo nào rồi cũng mòn mỏi. Chỉ còn lại định mệnh quá khắc nghiệt cho những con người đang sống với ngày tháng lê thê trong trại cấm này.

Còn nhớ chuyến tàu đầu tiên đi thanh lọc từ Pulau Bidong là MC327. Với số lượng chỉ khoảng vài mươi người mà thời gian thanh lọc kéo dài 1 tháng. Nếu tính đến số tàu MC602 của Truc Bidong (một người bạn) là 275 tàu, vị chi mất khoảng 275 tháng, tức 23 năm chờ đợi.

Chỉ cần nghĩ đến con số này là đủ choáng, không còn thiết tha chi. Vì thế, từ đó Truc Bidong chỉ còn biết lên đồi tôn giáo, tìm niềm an ủi trong tiếng mõ sớm chuông chiều. 

Và như thế, người tỵ nạn phải sống qua những ngày mòn mỏi đợi chờ, luôn hy vọng vào một phép lạ. Nhưng phép lạ cũng quay lưng.

Ở Bidong, họ phải sống trong điều kiện tối tăm chật chội ở các dãy nhà lụp xụp, gọi là longhouse, rách nát điêu tàn, lợp bằng tôn cũ rỉ sét, vách ngăn bằng ván ép vá víu sơ sài, cùng với nỗi ám ảnh kinh hoàng về chuột và rệp. 

Chuột có mặt lúc nhúc khắp nơi kể cả ban ngày. Khi đêm về là lúc lũ chuột đùa giỡn, cắn nhau chí choé trên la phông lót tạm bợ bằng mền hay bạt cũ dưới mái tôn cho bớt đi cái nóng nung người của khí hậu Mã lai.

Đang nằm ngủ bị chuột chạy giỡn rơi lên mình là chuyện thường. Có khi sáng dậy thấy ngón chân cái của mình đầy máu mới hay là bị chuột gặm đêm qua.

Rệp lại là 1 nỗi kinh hoàng khác. Rệp sống cộng sinh với người, rệp đàn đàn lũ lũ trong các vách che tạm bợ bằng ván ép. Ban ngày chả thấy chúng đâu. Nhưng ban đêm chúng hiện ra hàng hàng lớp lớp, cứ như xe tăng của Đức thời thế chiến II.

Dù khối Vệ sinh phòng dịch hằng tháng đi xịt các longhouse 1 lần, nhưng chả thấm vào đâu. Người mới đến luôn là bữa tiệc ngon cho chúng bởi sự tươi mới. Và phải mất 1 vài tháng mới biết sống chung với chúng, phải hiến cho chúng 1 ít máu để được yên thân. Lâu dần, cơ thể cũng quen với những vết cắn, và không còn ngứa ngáy nhiều.

Không chỉ là điều kiện sống tồi tệ, nỗi ám ảnh to lớn nhất của dân tỵ nạn là sự chờ đợi lê thê và nguy cơ rớt thanh lọc, bị trả về VN sau nhiều năm lỡ làng. Người tỵ nạn, sau khi chiến thắng tử thần trên biển cả, cứ ngỡ được yên vui. Đã có biết bao bi kịch xảy ra trên đường đi. Ai 1 lần vượt biên mới hiểu nỗi cảm giác này - 1 chiếc thuyền bé xíu giữa đại dương mênh mông với muôn trùng cơn sóng dữ. Thân phận con người thật bé nhỏ mong manh. Đã có biết bao người xấu số vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển, làm mồi cho cá. Đó là chưa kể đến nạn hải tặc cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ rồi thảm sát cả tàu để phi tang.

Xác em nay ở phương nào

Tấp sang đất Thái, hay vào Nam Dương

Có khi xác vượt trùng dương

Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu

Sau cơn thập tử nhất sinh trên biển, giờ đây người tỵ nạn phải đối diện với khổ đau mới. Thanh Lọc - 2 từ nghe tưởng rất bình thường nhưng là nổi ám ảnh khôn nguôi, là nguồn cơn của biết bao nhiêu thảm kịch.

Người đậu thanh lọc thì vui mừng phấn khởi cùng giấc mơ ở 1 miền đất mới, dù thực tế không luôn luôn màu hồng. Kẻ rớt thanh lọc phải đối diện với 1 tương lai tối tăm đầy bất trắc. Nỗi ám ảnh khiến nhiều người trở bệnh tâm thần, tinh thần kiệt quệ. Còn nhớ 1 chị tuổi đời chỉ hơn 30, sau khi rớt thanh lọc mái tóc chị thành bạc trắng chỉ sau vài đêm mất ngủ.

Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm khác, đáng kể nhất là vụ Lâm Văn Hoàng MC381. Chịu không nổi áp lực, sau khi nhận kết quả rớt, ngày 25 tháng 1 1990 anh đã nhẩy xuống biển tự tử. Thân xác anh dập nát vì sóng biển dập vào vách đá phía sau khu F.

Cái chết của anh khởi đầu cho 1 giai đoạn đấu tranh đòi quyền tỵ nạn. Cuộc biểu tình tuyệt thực đầu tiên đã xảy ra ngay sau cái chết của Hoàng. 

Sau 1 thời gian tuyệt thực, căng thẳng được đẩy lên khi có vài người mổ bụng tự sát. Toàn đảo tham gia biểu tình, đòi hỏi tự do.Tuy nhiên, sau những cuộc thương lượng bất thành, đâu rồi cũng vào đó. Những ước mơ, khao khát của người tỵ nạn vẫn chỉ là ước mơ.

***

Năm 1991 Bidong được lệnh đóng cửa, chính thức khép lại lịch sử vượt biên của Pulau Bidong từ 1975. Tất cả thuyền nhân được chuyển sang trại Sungei để tiếp tục thanh lọc và chờ đợi.

Tình hình ngày càng bi thảm, số người rớt thanh lọc ngày càng nhiều. Khổ đau và tuyệt vọng ngày càng chồng chất.

Do địa hình nằm trên khu vực quặng mỏ, trại Sungei Besi có khí hậu khá khắc nghiệt, mùa khô thì nắng cháy da, trong khi mùa mưa có nhiều sấm sét. Đã có thầy giáo Phúc bị sét đánh chết khi chỉ còn vài ngày nữa là rời trại đi Mỹ định cư.

Vào những ngày đầu của tháng 4 1993, Sungei với cái nắng nung người trong trại cấm bao bọc bởi hàng rào kẻm gai. Tình hình càng bức bối thêm khi có chính sách đóng cửa 2 trường trung và tiểu học, và việc cấm nấu ăn cải thiện ở các chái bếp bên ngoài khu A3 và A4. Động thái này là giọt nước làm tràn ly, châm ngòi cho 1 cuộc biểu tình quy mô toàn trại kéo dài 17 ngày được khởi xướng bởi phong trào bảo vệ nhân quyền điều hành bởi anh Hảo và anh Tám Lé.

Khởi đầu là vài mươi người quấn khăn tang quyết tử chiếm lấy khu trung tâm ngay trước cổng văn phòng Task Force, 2 bên tả hữu là văn phòng Cao Uỷ và bệnh viện Sick Bay. Họ bắt đầu cuộc tuyệt thực, và nêu yêu sách về các chính sách o ép nói trên. 

Cuộc biểu tình nhanh chóng được ủng hộ trên toàn trại, không chỉ là người rớt thanh lọc. Chỉ 1 thời gian ngắn đồng bào đã tập trung tại điểm nóng này, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ. Lượng người kéo đến ngày càng đông.

Trước tình hình này, Cao Uỷ Tỵ nạn và lực lượng Task Force ban đầu yêu cầu họ giải tán và từ chối thương lượng. Họ tiên đoán cuộc biểu tình sẽ nhanh chóng tàn lụi. Nhưng có ngờ đâu đây là cuộc biểu tình có tổ chức tốt, các anh em tham gia đều là tự nguyện và có kỷ luật, trên tinh thần bất bạo động.

Xin nhắc đến Ban Hưng Ca của phong trào. Đây là 1 đoàn thể ca nhạc tranh đấu có quy mô, bài bản với nhiều giọng ca chính thống được luyện tập kỹ càng, với các kỹ thuật hát bè, hát đuổi.v.v.... Họ dùng tiếng ca để sưởi ấm tinh thần đồng bào và các cảm tử quân trong vòng rào tuyệt thực.

Khắp nơi vang lên những bài ca hùng tráng, sôi sục lòng người. "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn ...", rồi "Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi....", hay Chiến Sĩ vô danh "Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng...", hoặc " Hàng ngàn cánh tay đưa lên....Quyết đấu tranh cho 1 nền hòa bình công chính"...

Và điều không thể quên là trumpettist ĐỨC VƯỢNG. Tiếng kèn anh rất điêu luyện, hùng dũng và âm vang như thôi thúc mọi người ra trận. Tài năng của anh đã có chỗ đứng rất đặc biệt trong cuộc biểu tình này. Anh luôn thổi bằng cả con tim khao khát tự do. Tiếng kèn của anh mỗi lần vang lên là được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đồng bào, làm không khí sục sôi tràn đầy hy vọng. Có lúc anh đứng trên mái nhà bệnh viện SickBay để tiếng kèn anh vang xa, làm vực dậy tinh thần của các cảm tử quân đang dần kiệt sức trong vòng rào, làm ấm lại sự ủng hộ của đồng bào bên ngoài có lúc chùng xuống vì mệt nhọc. Mặt khác, tiếng kèn của anh làm bọn cảnh sát Mã Lai và lực lượng chống biểu tình rất căm ghét. Chúng lùng bắt anh và cướp lấy chiếc kèn huyền thoại nhưng bất thành.

Cho đến tận giờ, dù đã 30 năm, khi tình cờ nghe lại các bài hát này ai trong chúng ta cũng không khỏi bồi hồi nhớ về những tháng ngày đau thương mà sôi động ấy.

Cuộc biểu tình được sự ủng hộ của tất cả các khối ban trên toàn trại, kể cả hội đồng liên tôn giáo. 

Trong lúc ấy, vào một buổi sáng nọ, ở ban Sport Section nơi mình làm việc, có một cuộc họp khẩn cấp. Toàn thể hơn 40 thành viên trong ban đều đồng ý tham gia ủng hộ cuộc biểu tình, mặc cho cố vấn father Harry cực lực phản đối. 

Sau một hồi bàn bạc, tất cả đồng ý lập một ban nhạc lấy tên là TIẾP LỬA, với ý đồ tiếp thêm lửa đấu tranh, đang khi ban Hưng Ca có dấu hiệu quá tải. Ban Sport Section cũng đã tham gia cuộc tuần hành toàn trại với băng rôn: "DIE HERE FREE MAN RATHER THAN LIVE SLAVE UNDER THE COMMUNIST".

Thoạt đầu ban Tiếp Lửa không được đánh giá cao, bởi nhiều người cho rằng đây chỉ là 1 đoàn quân ô hợp, chắc là ham vui thôi. Dần dần, bằng sự tập luyện năng nổ và nghiêm túc, bằng lòng quả cảm, nhóm đã nhận được rất nhiều quan tâm và cảm kích. Các bài hát của nhóm ngày càng có chất lượng hơn, 2 cây guitarist là Trì Hoa Cứu và Hoàng lép cộng với cố vấn âm nhạc của Quang MC372, 1 tài năng ẩn mình, giúp phần trình diễn của ban ngày càng phong phú.

Ngoài những bài hát đấu tranh thông thường nhóm còn ghi dấu ấn riêng của mình qua bài Wind of Change, trong đó tiếng huýt sáo dạo đầu của Hiền quăn trở thành nổi tiếng, và phần lời được sự giúp đỡ của cố vấn Sơn mèo.

Follow the Moskva

Down to Gorky Park

Listening to the wind of change

An August summer night

Soldiers passing by

Listening to the wind of change

Lúc bấy giờ trại đã hoàn toàn mất kiểm soát. Cao ủy và các nhân viên hội Hồng Nguyệt đã rút khỏi trại, chỉ còn nhà ăn là hoạt động. Giới nghiêm cũng không còn hiệu lực.

Ngay khi ấy, nhóm đã chính thức được phong trào tin cậy và giao nhiệm vụ rõ ràng. Hằng ngày, buổi sáng nhóm lo tập luyện bài hát, buổi chiều tối ra trình diễn trước vòng rào tuyệt thực. Ban đêm nhóm có nhiệm vụ túc trực và ứng cứu trước cổng rào giữa khu A3 và A4 mỗi khi có báo động, đề phòng lực lượng chống biểu tình xâm nhập bắt bớ.

***

Cuộc biểu tình đã sang ngày thứ 10. Tình hình nóng lên khi có vài cảm tử quân xung phong mổ bụng tự sát. Máu đã đổ! Không khí ngày càng căng thẳng đang khi chưa có hứa hẹn nào về 1 cuộc thương lượng.

Về phía lực lượng biểu tình, danh sách tình nguyện tuyệt thực đã lên đến vài trăm, danh sách mổ bụng tự sát cũng đến tầm vài chục. Tất cả đều sôi sục, sẵn sàng đổ máu, dù sự hy sinh này có thể không đi đến đâu.

Phía bên kia, phe cảnh sát Mã Lai đã chuẩn bị  kế hoạch đàn áp khi có lệnh. Hàng trăm cảnh sát đặc biệt chống biểu tình luôn túc trực bên ngoài vòng rào, chưa kể xe cứu hoả vòi rông, cứu thương cũng đã tập kết sẵn.

Cuộc biểu tình kéo dài đã mười mấy ngày, tất cả đều mệt mỏi, thức ăn khan hiếm, chỉ có cơm nhà bếp, lại thêm phong trào trả thẻ cơm. Tất cả bắt đầu chịu đựng cái đói. Khi ấy 1 gói mì đã là sang trọng.

Vào 1 đêm khuya, khi tất cả đều đang ngủ say vì mệt lã, bổng có tiếng phèng la, tiếng đập xô báo động liên hồi. Bọn cảnh sát chống biểu tình đã thấp thoáng, trang bị tận răng với dùi cui, mặt nạ, khiên, kể cả súng.

Chỉ 5 phút sau, ngay cổng rào giữa khu A3 và A4, ban Tiếp Lửa đã có mặt, đầy đủ và hiên ngang. Những bài hát bắt đầu nổi lên, tiếng hát át tiếng đạn bom, đẩy lùi sợ hãi. Ngay sau đó, cả ngàn đồng bào đã kéo ra đứng sau ban nhạc tạo thành 1 hàng rào người dầy đặc, hô vang trời các khẩu hiệu đấu tranh. Không khí trở nên tưng bừng dù đang rất gần nguy hiểm.

Trước tình hình ấy, nhóm cảnh sát chống biểu tình phía ngoài rào đã dừng tay, và án binh bất động. Bên trong, không khí vẫn sôi sục, nhóm Tiếp Lửa hoạt động hết công suất, và đồng bào hưởng ứng nhiệt tình.

Sau 1 giờ căng thẳng, bọn cảnh sát được lệnh rút lui, trã lại sự yên bình cho trại. Đây là 1 thành công vang dội của cuộc biểu tình, và nhóm đã nhận được sự khen ngợi về lòng can đảm, ý thức trách nhiệm và tinh thần vì đồng bào.

***

Cuộc biểu tình rồi cũng kết thúc sau 17 ngày. Trường học được mở cửa trở lại, lệnh cấm nấu ăn cải thiện cũng được dỡ bỏ. Nhưng ước mơ về quyền tỵ nạn vẫn chỉ là viễn vông. Máu, nước mắt, nổi đau khổ thống thiết của người tỵ nạn không thể lay động con tim sắt đá của những người làm chính sách. Họ đang ở đâu đó bên Thụy Sĩ, trong những căn phòng sang trọng, đang nhâm nhi những ly rượu vang đắt tiền, và xoa tay hài lòng với tiến trình hồi hương người tỵ nạn.

Thanh lọc tiếp tục là nỗi buồn lo tuyệt vọng. 

Không lâu sau đó, chàng thanh niên tên Dũng tàu MC504 đã tự sát. Hôm ấy dến lượt anh đi nhận kết quả, sau khi ra khỏi văn phòng Task Force, anh bình tĩnh đọc thật kỹ kết quả, rồi rút trong mình ra 1 con dao nhỏ đã chuẩn bị sẵn. Và, phập, một nhát nhẹ nhàng vào tim. Anh khuỵu xuống, mọi người tưởng anh ngất xỉu. Khi chạy đến dìu anh thì mới hiểu. Đã quá muộn, vết đâm ngọt lịm từ con dao tự làm đã đưa anh về bên kia thế giới. Đơn giản chỉ vì anh không chịu nỗi áp lực quá lớn, và sự trầm cảm chất chứa từ lâu. Anh ra đi ở tuổi 20 căng tràn nhựa sống, bỏ lại những giấc mơ tươi đẹp của tuổi thanh xuân.

Phép màu cuối cùng đã không xảy ra. Tất cả người rớt thanh lọc hoặc phải tự nguyện hồi hương hoặc bị cưỡng bức. Khổ đau chồng chất khổ đau. Những người không tự nguyện đã bị đánh đập tù đày, bị khiêng quăng lên tàu như con vật. Máu và nước mắt lại đổ trên những thân phận bi thuơng. Có một số trốn trại, sống đời của kẻ đào tẩu fugitive không biết về đâu. Lịch sử thuyền nhân nổi tiếng là nhân đạo đã khép lại một cách vô cùng xấu xí, tràn ngập tiếng kêu ai oán não nùng.

***

Một lần nữa ngày 14 tháng 3 lại đến. Xin ghi lại vài dòng gửi đến các bạn thời cùng khổ như 1 nhắc nhớ xót xa.

Có thể nói mỗi mảnh đời tỵ nạn sau ngày 14 tháng 3 là 1 câu chuyện bi thương. Những gì mình viết ra đây chỉ là 1 phần rất nhỏ của bức tranh đau đớn đó trong suốt 5, 6 năm trường. Giờ đây đã 3 thập niên, thời gian làm thay đổi rất nhiều, nhưng ký ức hãi hùng luôn là câu chuyện đầu môi mỗi khi gặp lại nhau. Hầu hết những anh chị em đến được Mỹ, Canada, Úc đều có cuộc sống khá ổn định. Trong số phải trở về VN, một số ít bắt được nhịp sống mới và vươn lên khá ngoạn mục từ nghịch cảnh. Tuy vậy, phần lớn về các tỉnh có đời sống không mấy khả quan. Buồn hơn nữa là những người đã vĩnh viễn nằm lại nước người. Những ngôi mộ chôn cất sơ sài ở Bidong giờ chắc là hoang phế. Biết phải làm sao.

No comments:

Post a Comment