Wednesday, January 1, 2025

CUỐI MÙA NHAN SẮC XV - JEFFREY THAI


Bây giờ là giao thừa.  Tiếng pháo ngoài kia nổ giòn tan, sôi nổi và miệt mài như những tràng pháo đại liên ngoài chiến trường đang giao tranh ác liệt.  Tôi đếm thời gian:  Năm năm.  Thế là vừa tròn đúng năm năm, kể từ ngày tôi đến thành phố này.  Đêm tôi đến cũng là đêm giao thừa như thế này, chỉ có điều là lạnh giá hơn rất nhiều, như lòng tôi khi ấy.  

Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia như nhánh sông...

Người ta thường lấy cái mốc năm năm để đánh dấu những cuộc tình buồn.  Riêng tôi, năm năm trôi qua, tôi muốn chợt nhìn lại để một lần nữa chiêm nghiệm cuộc hành trình trôi tuột sâu hơn của mình vào... cuối mùa nhan sắc.  

Năm năm.  Khoảng thời gian không hẳn là dài cho một đời người.  Dĩ nhiên, không thể là ngắn cho một nỗi đợi chờ.   Riêng năm năm ở cuối mùa nhan sắc, chúng trôi qua nhanh như một con thác ghềnh với một độ dốc sâu.  

Chiều nay, tôi trở lại thăm công viên kỷ niệm của năm năm về trước, của những ngày đầu tôi mới đến, để tìm lại chính mình của ngày ấy.  Tôi bỗng thấy nhớ chính mình của ngày ấy thật nhiều - cái con người vừa sống lại thanh tân sau những ngày tháng buồn, bỏ cuộc đời mà đi.  Năm năm trở lại cuộc đời để tiếp tục kiếm sống ở cõi ta bà này, tôi tự hỏi chính mình, có khi nào mình cảm thấy hạnh phúc.  Câu hỏi đó có lẽ không cần câu trả lời, vì người hạnh phúc không quay lại tìm những gì (mà mình nghĩ) mình đã đánh mất.  

Những ngày này, cũng như những ngày nào đó trong quá khứ, những lúc rảnh rỗi, tôi lại thấy mình rơi vào một khoảng trống vắng mênh mông đến bất tận.  Ở đó, tôi dường như đã chết.  Ít nhất là về mặt linh hồn.  Tôi ý thức được rằng tôi vẫn còn đang thở, nhưng tôi không thấy có ý nghĩa gì ở nhịp thở đều đặn (hay không đều đặn) ấy.  Tôi không thấy mình nhớ ai, nghĩ về ai.  Cũng không nhớ về, nghĩ về bất kỳ điều gì.  Tôi cũng không mong chờ, mong đợi điều gì.    

Tôi đã thương và vẫn còn thương những câu thơ này của nhà thơ Chế Lan Viên:

Với tôi tất cả đều vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.  

Hai câu thơ tôi đã biết và thương từ thời thanh xuân ấy, thực ra, không hẳn là bi quan, mà trái lại, chúng rất thực, rất đời.  Chúng biểu hiện được tâm tình của cả một thế hệ con người hiện sinh - những con người còn giữ được chất người giữa cuộc hỗn mang, xô bồ của những xã hội thời mạt pháp.  Trong cuộc đấu tranh trường kỳ để giữ vững phẩm chất con người ấy, tôi chợt nhận ra, từ lâu mình đã lọt thỏm và phải sống giữa một trại súc vật khổng lồ.  Có thể lắm, phát hiện ấy là nguyên nhân chính cho nỗi trống vắng miên man bất tận trong tôi.  

Thế là, tôi đã lại đi sâu hơn năm năm nữa vào cuối mùa nhan sắc.  Và hơn bao giờ hết, tôi ý thức được sự hủy hoại của thời gian lên thể xác, lên tâm hồn (như là một qui luật bất biến).  Và vì thế, tôi thấy mình đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi cuối trăm năm - chuyến đi thường đến rất bất ngờ, vừa như một sự giải thoát, vừa như một sự kết thúc tất nhiên.  Ở điểm ấy, tôi thấy mình cần nêu lên một chính kiến:  con người cần có được cái quyền kết thúc sự sống của chính mình khi nó không còn thực sự cần thiết và có ý nghĩa.  

Nói là nói vậy thôi.  Nói vậy là khi tôi nói với chính mình.  Chứ thực ra, dường như ở ngoài kia, khi tôi trình diện đời sống, người ta không hình dung được những gì tôi nghĩ.  Đôi khi, và nhiều khi, tôi thấy mình ít nhiều ngạc nhiên khi người ta dường như nhìn thấy ở nhân dáng mình hình ảnh của một con người chỉ vừa mới thoát ra khỏi ngưỡng cửa tráng niên.  Dẫu sao, đó cũng điều ít nhiều thú vị ở cuối mùa nhan sắc.  Và điều đó cho tôi thêm lý do nữa để cám ơn cuộc đời.  

01/01/2025
Jeffrey Thai 

No comments:

Post a Comment