Sunday, December 30, 2012

Điện Ảnh Hàn vs. Điện Ảnh Việt: Một Thoáng Cảm Nhận

Poster bộ phim Mã Y của Hàn Quốc

Bài viết này chỉ là cảm nhận trong một thoáng, về hai nền điện ảnh ở rất gần nhau, cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á:  Việt Nam và Hàn Quốc, chứ không hẳn là một bài viết mổ xẻ và phân tích một cách có hệ thống.  Thoáng cảm nhận này vừa được khơi dậy khi tôi, lần đầu tiên, thấy mình bị cuốn hút một cách mãnh liệt vào bộ phim truyền hình Mã Y (The Horse Doctor) dài 60 tập, đang làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ của Hàn Quốc.  Hiện giờ, nó đang được trình chiếu đến tập 23 và chỉ chừng ấy thôi, đã đủ để khẳng định nó là một kiệt tác.  Nó đã nói lên được rất nhiều điều về nền nghệ thuật thứ bảy của quốc gia này, và qua đó, phần nào phản ánh được diện mạo và sức khỏe của đất nước này ở các phương diện khác. 


Trước tiên, tôi thiết nghĩ mình nên làm rõ một điều, trước khi viết tiếp:  Đó là, tôi không phải là người quan tâm nhiều đến điện ảnh Hàn, nếu không muốn nói là khá hờ hững, dẫu không thể không biết rằng trong những năm gần đây, nền điện ảnh ấy đã phát triển vượt bậc và vươn được đến thị trường thế giới.  Tính cho đến giờ phút này, số bộ phim Hàn mà tôi xem có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong đó bộ phim tôi có ấn tượng nhất chính là Song Hoa Điếm.  (Tôi cho rằng, tác phẩm điện ảnh này có thể được ví như một Brokeback Mountain của Hàn Quốc).  Còn về phim bộ nhiều tập của Hàn Quốc mà để xem tốn khá nhiều thời gian, dẫu biết rằng có bao người "chết mê, chết mệt" vì chúng, tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình lại chấp nhận bỏ phí nhiều thời gian đến thế để xem.  

Trái với sự hờ hững đó đối với nền điện ảnh Hàn của tôi, có thể nói, tôi là người thủy chung đến mức độ cực đoan với nền điện ảnh Việt.  Tôi yêu thích điện ảnh Việt thuần bằng trái tim và bỏ mặc lý trí.  Ngoài phim ảnh Mỹ mà tôi xem thường xuyên từ dịch vụ online của Netflix, tôi hầu như chỉ chịu bỏ thời gian để xem phim Việt mà thôi, dẫu rằng không phải là tôi không nghe, không đọc được những lời chê bai thẳng thừng và thậm tệ từ đa số người Việt :  Phim Việt dở quá.  Dẫu ưu ái điện ảnh Việt đến mức độ thiên vị và "ngoan cố" như thế, nhưng nếu phải nói thực về nó, tôi vẫn buộc phải nói rằng:  Thực tế là phim Việt dở thật.  Từ trước đến nay, không có nhiều bộ phim Việt để xem, để thích và để nhớ, chứ chưa kể đến những bộ phim để đời.  Trong một vài năm gần đây, chỉ có một vài bộ phim gây được ít nhiều chú ý như Cánh Đồng Bất Tận, Để Mai Tính, Hot Boy Nổi Loạn...

Diễn Viên Jo Seung Woo - vai nam chánh trong phim Mã Y

Quay trở lại với bộ phim truyền hình nhiều tập Mã Y của Hàn Quốc mà tôi vừa đề cập đến ở trên, mặc dù mới được xem chưa được phân nửa số tập phim, nhưng tôi đã thấy được rất nhiều điều.  Điều trước tiên phải nói là tính hấp dẫn.  Tính hấp dẫn này xuất hiện sớm ngay ở tập đầu và cuốn hút khán giả vào cuộc hành trình dài đăng đẳng mà nó sắp dẫn dắt khán giả đi theo mình.  Sau sự hấp dẫn ban đầu đó, mỗi tập phim lại có sự hấp dẫn riêng của nó có khả năng duy trì sự thích thú và quan tâm của khán giả.  Ngay khi mỗi tập phim kết thúc, khán giả có ngay cảm giác mong đợi tập tiếp theo để được đồng hành với số phận của các nhân vật.  Đó là điều mà ta hầu như không còn tìm được ở các phim bộ truyền hình VN hôm nay.  Phim bộ VN hôm nay được sản xuất nhiều và ồ ạt, nhưng đa số lại dài và tẻ nhạt đến mức độ là sau một vài tập đầu, người xem thường bỏ cuộc.  Cũng có bộ phim duy trì được sự theo dõi của khán giả được nhiều tập hơn, nhưng càng về sau sự hấp dẫn càng cạn kiệt dần và người xem đành phải bỏ cuộc trước khi nó kết thúc. 

Diễn viên Lee Yo Won - vai nữ chính của phim Mã Y 

Nhiều người cho rằng những bộ phim bộ Hàn Quốc cuốn hút là do chất "sến" của chúng:  Đa số chúng có một nội dung mang nhiều tính bi thương hay lãng mạn cực đỉnh.  Xét cho cùng, tính lãng mạn hay bi thương đều là những thủ pháp nghệ thuật trong việc xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật.  Điều quan trọng cần xét đến chính là hiệu quả tác động của chúng như thế nào.  Nếu chúng tác động được một cách mạnh mẽ đến tâm tình của người xem, làm họ dõi theo và khóc, cười cùng nhân vật, có thể xem như chúng đã hoàn thành sứ mệnh văn hóa của mình:  Làm phong phú và truyền xúc cảm cho thế giới tâm hồn của người xem. 

Trong Mã Y, tính bi thương và ly kỳ cũng được khai thác một cách tối đa đối với số phận cuộc đời của hai nhân vật chính và hơn nữa, chúng đã được sắp xếp một cách công phu và kỹ lưỡng.  Càng đi sâu hơn vào bộ phim, người ta càng cảm thấy gắn bó hơn và thương yêu các nhân vật chính hơn.  Điều đó, cộng với ngoại hình xinh đẹp đặc trưng của các diễn viên chính của Hàn Quốc, đã lý giải cho việc tại sao ngày càng có nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, ngưỡng mộ họ đến mức say mê.  Trong khi đó, đa số các phim bộ của VN lại mang một sắc thái xúc cảm khá nhợt nhạt:  không hẳn vui, không hẳn buồn.  Ở một số bộ phim có cố xây dựng nên tính bi thương thì lại không được làm một cách hợp lý và không tới nơi, tới chốn, nên cảm giác của khán giả thường dừng lại ở mức độ nửa vời.  Và cứ thế, bộ phim trôi tuột đi cho đến khi kết thúc, mà không để lại cảm xúc gì mang tính dấu ấn trong lòng khán giả. 

Ở tính chất bi thương (hay thường được gọi một cách bình dân là "sến") của các tác phẩm nghệ thuật, tôi có một sự bất đồng rất lớn đối với một số người xem, vốn thường buông ra những lời nhận xét rất vô nghĩa như "sao buồn quá" hay "sao thảm thiết quá".  Dĩ nhiên, không khó để chúng ta hiểu rằng đó là những người không có khả năng cảm thụ văn chương và nghệ thuật.  Thật buồn cười và thật phi lý khi ta thưởng thức một tác phẩm văn chương hay nghệ thuật mà lại luôn mong đợi rằng chúng sẽ làm mình vui hay không được phép làm mình buồn. 

Những tác phẩm kinh điển của thế giới tồn tại qua hàng bao thế kỷ hầu hết là những tác phẩm có tính chất bi kịch được đẩy cao đến đỉnh điểm.  Chẳng hạn như Romeo và Juliet, Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết,  Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, Những Người Khốn Khổ, Cội Rễ, Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn... Trong khi chưa có một tác phẩm điện ảnh hay truyền hình nào của VN thực sự thực hiện thành công được điều này, thì ở lĩnh vực sân khấu, đã có ít nhất hai tác phẩm làm được điều này, theo ý của riêng tôi.  Đó là vở Lôi Vũ của Tào Ngu (Trung Quốc), và mới đây nhất, trên sân khấu kịch Sống ở hải ngoại là vở Giông Tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng.  

 



Một điểm không thể không nói đến và nó đóng góp một phần rất lớn cho sự thành công của các bộ phim Hàn chính là diễn xuất của diễn viên:  chân thực, tinh tế và sâu sắc.  Qua bộ phim Mã Y này, cũng như qua một số bộ phim khác của Hàn Quốc mà tôi đã xem, tôi nhận ra một khoảng cách khá xa giữa khả năng diễn xuất của diễn viên Việt và diễn viên Hàn.  Có thể thấy rằng các diễn viên Hàn đã sống với nhân vật của mình nhiều hơn, tập trung đầu tư cho vai diễn của mình nhiều hơn.  Nói chung, họ đã lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc và gian khổ để tạo dựng nên một tác phẩm có thể để lại dấu ấn trong lòng khán giả.  Các diễn viên Việt Nam không hẳn là không có ai như thế, nhưng thực tế là con số đó rất ít.  Nhan nhản đi qua màn hình của các bộ phim là các diễn viên xinh đẹp mà ta không chắc là họ có thực sự hiểu được là họ đang diễn đạt điều gì không. 

Qua sự so sánh mà tôi vừa trình bày, có thể thấy điện ảnh Việt và điện ảnh Hàn đã và đang phát triển theo hai hướng đối lập nhau.  Trong khi điện ảnh Hàn phát triển mạnh mẽ như vũ bão trong suốt một vài thập kỷ vừa qua và ở thời điểm hiện tại đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, thì điện ảnh Việt lại dần trở nên suy thoái và hiện nay trở nên khủng hoảng và què quặt hơn bao giờ hết.  Nên nhớ rằng, ở đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nền điện ảnh Nam Việt Nam có tầm vóc hơn hẳn nền điện ảnh Hàn Quốc.   Sau 1975, dẫu đã thay ngôi đổi chủ, nền điện ảnh VN tiếp tục phát triển tốt đẹp trong suốt nửa sau của thập niên 70, qua thập niên 80 (với một số bộ phim điện ảnh ghi được dấu ấn trong lòng người xem VN và cả thế giới) và rồi giậm chân tại chỗ và dần trở nên suy thoái như ở thời điểm hiện nay. 

Hiện nay, trong khi lượng phim điện ảnh của Hàn Quốc sản xuất hàng năm ngày càng lớn và thị trường trên thế giới của chúng ngày càng được mở rộng, thì số phim của VN lại không đủ để lấp đầy mười đầu ngón tay.  Trong số các tác phẩm điện ảnh VN hiếm hoi có thể ra đời và ghi được một chút dấu ấn nào đó, phần lớn lại được đạo diễn và sản xuất bởi các đạo diễn Việt Kiều.  Chẳng hạn như đạo diễn Lưu Hùynh với Áo Lụa Hà Đông (2006), Huyền Thoại Bất Tử (2009), Lấy Chồng Người Ta (2012), đạo diễn Charlie Nguyễn với Dòng Máu Anh Hùng (2009), Để Mai Tính (2010), Long Ruồi (2011)...  Gần đây nhất, phải kể đến bộ phim điện ảnh có màu sắc và khung cảnh tuyệt đẹp, cùng với những xảo thuật điện ảnh tuyệt vời "Thiên Mệnh Anh Hùng" của đạo diễn Victor Vũ.  Victor Vũ là đạo diễn Việt Kiều trở về VN kể từ năm 2009 và đã ghi được dấu ấn qua ba bộ phim Chuyện Tình Xa Xứ, Giao Lộ Định Mệnh và Cô Dâu Đại Chiến. 


 Victor Vũ                               Charlie Nguyễn                            Lưu Huỳnh

Về lãnh vực phim truyền hình, trong khi phim truyền hình Hàn có chất lượng nghệ thuật, hình ảnh, nội dung ngày càng xuất sắc, cùng với sức cuốn hút ngày càng lớn và thị phần khán giả ngày càng mở rộng, cũng như ngày càng có nhiều các nam, nữ tài tử trở thành thần tượng được các khán giả ngưỡng mộ, đặc biệt là các khán giả tuổi vị thành niên, thì những bộ phim truyền hình VN, tuy vẫn được ra đời với số lượng ngày càng lớn, nhưng chất lượng lại phát triển theo tỉ lệ nghịch và các nhân vật ngày càng trở nên nhạt nhòa không sức sống.  Tìm được một bộ phim truyền hình Việt ngày hôm nay có đủ sức cuốn hút để có thể xem từ đầu đến cuối mà không bỏ ngang không là một việc dễ dàng. 

30/12/2012

No comments:

Post a Comment