Đã có một thời tuổi trẻ - ở lứa tuổi đôi mươi - tôi nghe nhạc với tất cả trái tim (qua những băng cassette cũ còn rơi rớt lại). Nghe để sống, để tồn tại, vì cuộc sống thực tại ngoài kia quá đỗi ngột ngạt, tù túng và chán chường. Tôi ngồi hàng giờ ở những góc quán cà phê, với điếu thuốc trên tay (để đốt cháy thời gian và đốt cháy cả cuộc đời tuổi trẻ hoang phế của mình), và cứ thế, để mặc những giai điệu và lời ca của dòng nhạc vàng trữ tình “thao túng” trên mảnh linh hồn đơn côi.
Thắm thoát, tôi đã lưu vong hơn hai thập kỷ. Hai thập kỷ với biết bao thay đổi. Mọi thứ đều đã đổi khác, kể cả con người, kể cả tâm hồn. Tôi hiếm khi nghe nhạc nữa, hay có nghe cũng không còn cảm được bao nhiêu. Tôi không còn nghe được những giọng ca tài danh ngày cũ nữa (như Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Chế Linh, Giao Linh, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Tuấn Vũ …), không phải vì họ hát không còn hay, mà là bởi vì, ngày xưa tôi đã nghe quá nhiều, đã nghe đủ cho một đời. Những giọng ca mới lần lượt thoáng qua, trong những lần tôi xem các DVD ca nhạc, không để lại nhiều dấu ấn. Có phải vì họ hát không hay? Chắc không phải vậy, vì xét ra, họ vẫn có rất nhiều người ái mộ kia mà.
Nói dài dòng việc nghe nhạc của tôi như thế, chỉ để nhằm mục đích là giới thiệu một giọng hát mới, vừa ở lại trong tôi: tiếng hát Lan Anh. Tôi không hề có ý định nói là giọng ca Lan Anh là một giọng ca xuất sắc. Tôi cũng không có ý nghĩ là những phần biểu diễn của Lan Anh là những phần biểu diễn tuyệt vời. Ý tôi chỉ muốn nói: Như những bất ngờ khác trong đời không lường trước được, giọng ca ấy chợt vô tình vừa ở lại trong tôi như một sự hội ngộ hữu duyên và kỳ lạ. Có (hơn) một điều gì đó trong giọng hát ấy, trong nhân dáng ấy, trong ánh mắt và nụ cười ấy, khiến tôi chợt cảm thấy bồi hồi và bâng khuâng.
Lan Anh không hẳn có lối trình diễn của một ca sĩ chuyên nghiệp. Có thể dễ dàng nhìn thấy có chút gì đó bỡ ngỡ, chưa nhuần nhuyễn trong từng động tác và biểu cảm trên gương mặt của Lan Anh khi trình diễn. Lan Anh cũng không hẳn có giọng ca điêu luyện của một ca sĩ chuyên nghiệp. Có thể dễ dàng thấy được là Lan Anh hát một cách tự nhiên, và thiên về cảm xúc nhiều hơn.
Thế nhưng, có phải chính vì thế, chính vì cái nét mộc mạc, tự nhiên và chân chất ấy, phối hợp cùng một giọng ca truyền cảm và riêng biệt, mà tiếng hát Lan Anh đã chạm vào tâm hồn tôi và ở lại, như một thân quen. Giọng ca Lan Anh là một giọng ca có nét riêng. Tôi đã từng nghe hàng trăm giọng ca ở những trung tâm ca nhạc nổi tiếng nhất nhiều lần mà không thể nào nhớ được chất giọng của họ là như thế nào. Với Lan Anh, chỉ cần một đôi lần thôi, chất giọng ấy đã định hình trong tâm trí người nghe: trong, nhẹ, trữ tình và đôi khi, có chút hơi khàn khàn rất quyến rũ.
Góp phần lớn trong việc định hình giọng ca Lan Anh, chính là phong cách hát: Một phong cách hát, luyến láy, ngân nga, nhả chữ rất ung dung, thư thả, tự nhiên và truyền cảm. Phong cách ấy rất giống với phong cách của các danh ca Sài Gòn cũ như Giao Linh, Trang Mỹ Dung… , đặc biệt là rất giống với ca sĩ Hoàng Oanh. Thong thả, ung dung nhưng lại truyền cảm mãnh liệt; đó là nét chung của các tài danh danh ca cũ, và ít khi tìm được ở các giọng ca mới hôm nay. Đó có lẽ cũng là lý do mà những phần trình diễn chung của Lan Anh cùng các danh ca nói trên đã có được một sự đồng điệu nhất định nào đó, và tỏ ra không hề kém cạnh bao nhiêu.
Nhân dáng Lan Anh có lẽ không tác động đến người xem như một mỹ nhân tuyệt sắc ở lần tạn mặt đầu tiên, nhưng nếu bình tâm mà xem Lan Anh biểu diễn, người ta sẽ chợt thấy mình xúc động với những biểu hiện rất mộc mạc và tự nhiên trên gương mặt của người ca, và rồi khi kết thúc bài hát, nụ cười tạm biệt còn nhiều bẽn lẽn và ngượng ngùng ấy khiến người xem không khỏi thấy thương và không thể không nghĩ: Người ca sĩ chưa có tên tuổi ấy đã hát bằng cả trái tim.
04/04/2015
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment