Cơn bão tuyết cuối cùng đã đến rồi đi đầu tháng trước. Cứ tưởng rằng Đông sẽ nhanh qua, nhưng ngờ đâu cái lạnh vẫn đeo bám dai dẳng không rời. Năm nay, tính ra tuyết ít rơi hơn năm trước, nhưng Đông đã bám chặt đất trời sớm và lâu hơn nhiều qui luật của trời đất. Đông vốn là lạnh, là băng giá, là bầu trời xám với không nhiều ánh sáng. Là khoảng thời gian con người trốn tránh thiên nhiên để cuộn tròn trong khoảng không gian riêng tư, nhỏ nhoi và ấm áp của riêng mình. Trong vỏ ốc biệt lập ấy, có ít nhất một người (viễn xứ) đã độc thoại với Đông về những ngày sống lạnh lẽo không ánh sáng mặt trời.
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở một thị trấn ven biển. Ở đấy, cũng như ở bất kỳ tỉnh thành miền Nam nào khác, không có mùa Đông. Tôi chỉ biết đến mùa Đông qua nhạc phẩm Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương hay những vần thơ về mùa Đông Paris của Cung Trầm Tưởng trong bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế. Thuở ấy, sống giữa xứ gió và cát, hầu như nắng nóng quanh năm, nghĩ về mùa Đông cứ như nghĩ về một câu chuyện thần thoại, mà gần gũi nhất là câu chuyện về những vị thần tuyết của phim Liên Xô. Khoảng thời gian được cho là lạnh nhất trong năm có lẽ là lúc gió chướng về, mùa gần Tết. Mà chỉ lạnh vào ban đêm thôi, khi gió mang hơi nước từ biển về phả vào không gian phố thị.
Những năm tôi sống ở khu vực gần Bến Ninh Kiều để học đại học, gió chướng mỗi năm cũng thổi về lồng lộng từ con sông Hậu bao la. Ra ngoài Bãi Cát, có quán cà phê nhà lá không vách lớn rộng, gió từ sông Hậu thổi lên càng khuấy đảo đất trời, đưa tiếng nhạc vang vọng thật xa. Tôi cứ quen nghĩ thứ gió ấy là gió Đông. Giờ nghĩ lại, không biết hồi ấy, mình nghĩ rằng đó là thứ gió đến từ phương Đông, hay là gió của mùa Đông. Có lẽ là cái thứ nhất vì ở Tây Đô làm gì có mùa Đông. Nhưng cho dù nó chỉ là thứ gió đến từ phương Đông đi nữa, ít nhất chắc hẳn tôi cũng đã từng nghĩ rằng nó mang hơi lạnh của mùa Đông.
Cái lạnh se se của gió Đông mang chút sắc thái mùa Đông ấy có làm lòng người ít nhiều buồn hơn, nhưng cái buồn ấy không thảm thiết, thê lương. Thứ gió ấy còn có sức khơi gợi mãnh liệt một thứ nỗi nhớ thật mông lung. Tôi sống ở Sài Gòn, xa là thế mà mỗi năm khi mùa Tết về, gió vẫn tìm về, thôi thúc nhắc nhỏ tôi về sống lại những đêm thật trẻ với tiếng gió hú buồn hun hút suốt đêm thâu ở phố thị quê nhà. Mà cũng lạ, cho dù có bao nhiêu năm trôi qua, đêm về, gió vẫn hú và giật liên hồi ngoài kia, ngoài khoảng không gian không ánh sáng mà chỉ le lói chút ánh trăng lẻ loi. Đêm bây giờ không còn quá trẻ như những đêm xưa, nhưng lòng vẫn lạnh và vẫn khao khát bâng quơ đâu đó chút hơi ấm con người.
Rồi tôi không còn sống với gió Đông nữa. Sài Gòn, Cần Thơ, các trại tị nạn Đông Nam Á trở thành các địa danh của một dĩ vãng xa mờ. Tôi làm kẻ tha hương sống với những đêm Đông thực sự ở phương trời Bắc Mỹ. Mùa Đông đầu tiên khi tôi đến Mỹ này, cách đây gần hai thập kỷ, có lẽ là mùa Đông tôi nhớ nhiều nhất. Cái lạnh tái tê và băng giá nơi này khiến con người chỉ còn lo nghĩ đến việc đối phó với nó để bảo toàn tính mạng chứ chẳng còn tâm trí ở đâu để liên tưởng đến những hình ảnh mùa Đông lãng mạn. Lái chiếc xe Toyota Camry vừa mới mua (và cũng vừa mới biết lái) qua các ngả đường xa lạ để kiếm một nơi ở trọ mới (không phải chung đụng với ai) giữa những ngày Đông băng giá là hình ảnh tôi nhớ đến bây giờ. Khoảnh khắc ấy tôi nghĩ về người lữ thứ đêm Đông không nhà của Nguyễn Văn Thương; có khác chăng là người lữ thứ ấy không phải lê từng bước chân mà đi.
Từng mùa Đông cứ thế mà đi. Có khi tuyết rơi nhiều. Có khi tuyết không rơi. Tôi không còn nhớ về ngọn gió Đông quê nhà gợi nhớ mơn man mỗi bận Tết về. Tôi cũng không còn nghĩ về những hình ảnh mùa Đông lãng mạn như hình ảnh người lữ thứ đi giữa đêm Đông, hay hình ảnh một nhân vật tiểu thuyết Nhật bước chân đi giữa một chiều tuyết rơi dày về phía một cái hồ băng giá…. Điều lo nghĩ bây giờ là phải chuẩn bị làm sao để xe cộ an toàn và cầu mong không có cơn bão nào gây ra cúp điện.
Những mùa Đông lần lượt trôi đi. Với chiếc xe Honda mua mới tinh, tôi chưa hề bao giờ gặp rắc rối gì về xe cộ giữa những ngày Đông. Bây giờ, chiếc xe ấy đã cũ và trở thành một vật thân quen, nhưng nó cũng vẫn đủ đảm bảo an toàn, và chưa hề gây ra phiền toái. Tôi thấy mình yên tâm đón những mùa Đông đến. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng, Đông năm nào cũng thế, cũng vẫn lạnh, buốt giá và buồn như nhau. Nhưng với tôi, thì không. Đông đến, rồi đi, nhưng dường như, từ một lúc nào đó đã lâu, nó bỗng chợt như có linh hồn. Tôi cảm nhận ở Đông một uẩn khúc chôn sâu không dễ gì bày tỏ. Mỗi năm, Đông lại đến sớm và ra đi muộn hơn năm trước.
Đã có những mùa Đông gần đây, tôi có cảm giác nó đã trở thành miên viễn, nghĩa là mãi mãi là như thế, không ra đi, không tan biến nữa bao giờ. Đông không chỉ lạnh ở trời đất, Đông còn lạnh nhiều hơn ở lòng người. Tình người, tình đời là cả một mùa Đông buốt giá. Cả vũ trụ này tự bao giờ đã là một khối băng khổng lồ. Tôi chợt nhớ về những ý nghĩ ngây thơ ngày bé của mình về câu chuyện những người hàng xóm ở thành thị chẳng bao giờ quan tâm đến nhau và thấy điều đó thật buồn cười. Có vô tình và bạc bẽo với nhau đến mấy cũng chưa bao giờ đến nỗi tuyệt tình mà!
Ngày ấy, tôi yêu thích vô cùng những vần thơ này của nhà thơ Tagore:
Ngày xưa, tôi chưa ra biển bao giờ,
Tôi thấy biển xanh màu xanh phẳng lặng.
Ngày xưa, tôi chưa yêu bao giờ,
Tôi thấy tình yêu toàn là mộng.
Bây giờ, tôi đã ra biển (từ lâu) và sống với biển khơi. Nghĩ về ngọn gió Đông ngày xưa, mới thấy nó mộng mị làm sao. Cái lạnh của gió Đông ngày ấy chỉ như trêu giỡn, đùa chơi. Nó chẳng làm hại hay giết chết ai bao giờ. Nó chỉ đủ lạnh để dệt nên những vần thơ lãng mạn của những tâm tình đơn côi. Nó, thậm chí, còn ru đời cho nên thơ hơn với một chút buồn man mác của những chiều gió lạnh.
Đã gần gũi và thân quen thế, nên mấy ngày qua, trời không còn lạnh nữa; chợt có cảm giác như có điều gì đó lạ kỳ. Thực ra, có gì đâu. Đấy chỉ là mùa Xuân mới đến thế thôi.
Không còn mùa Đông à? Rồi sẽ ra sao? Câu hỏi lạ kỳ nhỉ! Có ai chết vì mùa Đông qua đi bao giờ. Chết thì không. Nhưng hụt hẫng thì có. Vì đã quá gần gũi, quá thân quen; và thậm chí, còn nợ nần nhau. Tôi còn nhớ tôi còn nợ Đông cả một giấc mộng Alaska. Nợ mà không trả hay chưa trả, sao lại có thể bình yên.
Và cũng vì đã quá gần gũi, quá thân quen, nên khi rời xa, không thể không nói lời tạm biệt. Sống với nhau, không nên đến nỗi quá vô tình.
Tạm biệt mùa Đông!
06/04/2015
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment