Saturday, October 22, 2016

Ký Ức Buồn Việt Nam: Khói Thuốc & Men Rượu (Phần I) - Jeffrey Thai



Nhận định về tuổi trẻ VN hiện nay, có người (và chắc hẳn là rất nhiều người) cho rằng:  Họ hút thuốc lắm, bia rượu nhiều...  

Tôi đọc được những nhận định ấy.  Tôi không ngạc nhiên.  Chỉ cảm thấy hơi buồn.  Thực ra, phải nói là rất buồn.  Nhưng có lẽ khi nỗi buồn đã trở nên quá cũ kỹ và nhàm chán thì việc diễn tả đúng cường độ của nó bỗng trở nên thừa thãi.   

Nói rằng nỗi buồn ấy cũ kỹ là vì đó là một nỗi buồn đã có từ trong một ký ức đã rất xưa, lúc tôi là một thanh niên chỉ vừa mới lớn và "được" định mệnh khéo xếp đặt để sống và lớn lên trong một xã hội được tôn vinh là "thiên đường Cộng Sản". 

Cái "thiên đường" ấy, thắm thoát đã hiện diện trên đất nước VN hơn 41 năm rồi.  Ngày ấy, gần ba thập kỷ trước, chỉ khi vừa bước ra khỏi nhà trường phổ thông và bước vào ngưỡng cửa đại họcđể có thể tiếp tục sống sót và tồn tại trong cái "thiên đường" ấy, tôi đã, một cách rất thản nhiên, tìm đến khói thuốc và men rượu.   

Khi còn ở nhà trường phổ thông, tôi vốn chỉ biết đến sách vở và có thể nói đó là cả thế giới sống của tôi - một thế giới cổ tích và đầy mộng mị.  Ngày bắt đầu bước vào đại học, cũng là ngày tôi tìm đến thuốc lá và đi kèm với nó là vị đắng của cà phê.  Hút, chẳng phải vì nó ngon, cũng chẳng phải vì ghiền (chưa từng biết hút thì sao lại có thể ghiền!), mà chỉ vì chẳng có việc gì khác để làm.  Hút để đốt cháy thời gian và nhân tiện đó, đốt cháy cả luôn thân phận tuổi trẻ của mình.   

Cái thân phận ấy là cái thân phận mà tôi cảm thấy rất lạc lõng và bọt bèo:  chẳng ai cần đến, chẳng biết đi về đâu.  Nó dường như đã tiềm ẩn trong nó một sự lầm lẫn nào đó từ trong buổi sơ khai được tạo dựng và sản sinh.  Ngày học lớp 12, ở dòng văn học lãng mạn, tôi rất thích hai câu thơ này của nhà thơ Vũ Hoàng Chương: 

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ, 
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh... 

Nhà thơ viết những dòng thơ ấy vào thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi đọc chúng ở nhiều thập kỷ về sau, mà sao tâm tình giống nhau đến lạ.  Thật ra, tôi không có cảm giác "bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh", mà chỉ cảm thấy thực sự bơ vơ, lạc lõng, trơ trọi và rẻ rúng giữa "thiên đường Cộng Sản".  Sống giữa "thiên đường" ấy, vốn là người chỉ biết chăm học, tôi chẳng còn biết học để làm gì.  Vả chăng, những gì tôi được học ấy, có vẻ như chẳng mang nhiều ý nghĩa... 



4 năm đại học là 4 năm dài đăng đẳng và chán chường. Tôi vẫn gọi khung trời đại học ngày ấy là "đại học buồn" - ở đó, tôi lẻ loi giữa các "con ông cháu cha" và "gia đình cách mạng". Thực tế là hơn 90% các sinh viên trong lớp đều xuất thân từ các gia đình có công với cách mạng, chỉ còn đôi ba đứa (trong đó có tôi) là không phải - chúng tôi được liệt vào nhóm "tiểu tư sản". Tôi vẫn tự hỏi là tại sao họ lại cho chúng tôi lọt được vào trong đó nhỉ. Câu trả lời có lẽ nằm ở cái thân phận vốn luôn được xem là vô cùng rẻ rúng và đã là tận cùng của ngành sư phạm thời ấy. Tiền đồ của nó đen tối chẳng khác gì tiền đồ của chị Dậu thời phong kiến và thực dân.

Chỉ có đôi ba đứa thôi nên chúng tôi kết nối với nhau bằng một sự cảm thông âm thầm nào đó - lặng lẽ dìu dắt nhau đi qua một quãng đời tuổi trẻ thật buồn và cô đơn.  Đã có rất nhiều đêm, chúng tôi ngồi lặng im trong những quán tối đèn màu, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác.  Sau những điếu thuốc thơm ban đầu được nhập cảng từ Thái Lan là những điếu thuốc lá "Đà Lạt" của Việt Nam hương vị tanh rình.  Tôi thấy mình thích đắm mình vào làn khói thuốc hư ảo ấy - dù nó có thơm hay không.  Dẫu sao, nó cũng tạo được cho tôi một cõi không gian mộng mị mà ở đó tôi có thể quên đi hiện thực ngoài kia là một cuộc sống không tương lai.   

Nhớ về những ngày đại học buồn, tôi nhớ nhiều về những làn khói thuốc ấy.  Thật ra, khi còn học đại học, tôi, cũng như chúng tôi, không uống rượu nhiều vì cùng là sinh viên nên chẳng dư dã gì, chỉ hút thuốc nhiều thôi - hút đến cháy vàng cả những ngón tay.  Chỉ đến khi giã từ đại học và thành phố để về giảng dạy ở huyện lỵ, tôi mới thật sự có những ngày để mình đắm chìm vào men rượu.   

(Còn tiếp phần II)  

22/10/2016
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment