Hồi tưởng lại sinh hoạt nhà trường VN và hình ảnh làm thầy của mình ngày ấy, tôi thấy mình như vừa trở lại một không gian tuy quen thuộc thật đấy, nhưng lại có nhiều điều rất đỗi kỳ hoặc. Một trong những điểm kỳ hoặc ấy là học sinh ở lứa tuổi cấp ba, đa phần, đã biết hút thuốc và uống rượu; và chúng tôi, những giáo viên mới ra trường, cũng hút thuốc và uống rượu cùng với chúng, giữa thanh thiên bạch nhật, và giữa bàn dân thiên hạ, như là một sinh hoạt sống, một điều gì đó rất đỗi bình thường.
Vốn là một người rất nghiêm khắc với bản thân và mẫu mực trong đời sống cũng như công việc từ trước đến nay, ở góc nhìn của thời điểm hôm nay, tôi thấy mình đang tự giải phẩu con người cũ của mình ngày ấy để lý giải vì sao mình đã cho phép mình "làm thầy" với một cung cách như thế - cái cung cách tuy được xem là rất đỗi bình thường trong cái xã hội ấy, nhưng lại tuyệt đối không bình thường chút nào ở một xã hội bình thường khác.
Lý do tôi tìm ra là tôi là một thanh niên trẻ tuổi vốn đã quá cô đơn và lạc lõng khi sống giữa "thiên đường Cộng Sản" ngày ấy. Đâu đâu người ta cũng hút thuốc, đâu đâu người ta cũng say sưa. Nói không với rượu cũng là một cách đoạn tuyệt mình với xã hội và với mọi liên kết xung quanh. Với riêng tôi, vốn đã cô đơn và lạc lõng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi tự biến mình thành một kẻ lập dị, mà hậu quả là không thể nào tồn tại được. Còn nhớ, có lần tôi đã bị lớn tiếng và giận dữ vì từ chối ly rượu mời của một người lớn tuổi. Vì là một thanh niên còn quá trẻ nên thái độ đó của tôi được xem như vô lễ.
Nếu bỏ qua khía cạnh đạo đức, điều trớ trêu là chính nhờ khói thuốc và men rượu ấy mà việc giáo dục học sinh của tôi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Nhớ về những ngày tháng ấy, tôi không thể không nhớ những khoảnh khắc, những lần mình đã được những đứa học trò yêu thương và tôn kính như một thần tượng sống - dẫu rằng chúng không biết rằng đó là một thần tượng thật đáng thương và đang hấp hối giữa một huyện lỵ thật buồn.
Người ngoài có thể không hiểu được vì sao, nhưng riêng bản thân tôi thì có thể hiểu được tâm lý tôn sùng đó rất rõ. Chúng cần một người bạn cảm thông giữa đời thường - một người mà chúng có thể tâm tình hết được những uẩn khúc trẻ thơ của mình. Và chúng cũng cần một người thầy luôn nhiệt tình, nghiêm khắc và công minh trong lớp học - một người buộc chúng phải học dù chúng có muốn hay không. Tôi thấy con người cũ của mình đã làm tốt được hai điều ấy, và quả thực mà nói, nếu con người ấy có được tôn sùng cũng là một điều gì đó rất đỗi công bình.
Sự kỳ hoặc của việc hút thuốc và uống rượu trong nhà trường VN còn dẫn đến một điều kỳ hoặc khác mà tôi sắp kể sau đây. Trong khoảng thời gian khoảng 5 năm mà tôi đi dạy ấy, trước khi rời VN, thì trong nhà trường, nơi tôi giảng dạy, chỉ có duy nhất một trường hợp của một người thầy bị học sinh đón giữa đường vắng và hành hung. Đó là một người đồng nghiệp ra trường trước tôi vài năm, là bí thư đoàn trường, đang phấn đấu để vào đảng, có đặc điểm nổi bật là người duy nhất trong trường không uống thuốc và uống rượu.
Thật ra, không phải vì không hút thuốc và uống rượu mà anh ta bị học trò đánh; mà nguyên nhân là vì anh ta quá nguyên tắc và luôn muốn trừng phạt học sinh, thay vì khuyên nhủ và giáo dục. Anh ta không phải thuộc dạng giảng dạy thu hút, nhưng cũng không đến nỗi tồi. Điều làm học sinh xa lánh anh ta chính là sự khô khan ở tâm hồn, và sự cứng nhắc ở suy nghĩ, lúc nào cũng mở miệng tuyên truyền chủ nghĩa Marx Lenin.
Có một sự thật tôi cần nói ra là chẳng có đứa trẻ nào lớn lên lại đi tin vào thứ chủ nghĩa đó cả. Đa phần lớn lên một cách tự nhiên đều hiểu rằng xã hội mà chúng đang sống không phải là một xã hội tốt đẹp, và thứ chủ nghĩa mà chúng nghe rao giảng mỗi ngày khô khan và nhàm chán đến mức đáng sợ. Nếu có những con người trẻ nào đó ngoài xã hội đang hô hào tôn vinh thứ chủ nghĩa đó chẳng qua vì chúng xuất thân từ những gia đình cán bộ nên đã được nhồi nhét từ nhỏ, hoặc là những con người trẻ đã chọn thứ chủ nghĩa ấy để làm con đường tiến thân.
Đã có rất nhiều những phút giây yên lặng giữa khói thuốc và men rượu, tôi đã nhìn thấy ở những đứa học sinh của mình hình ảnh của những con người trẻ hoang mang và lạc lối, chẳng biết học để làm gì và rồi sẽ về đâu. Trớ trêu thay, đó cũng chính là hình ảnh của chính mình một vài năm trước đây thôi. Có một điều không nhiều người biết là, giữa chúng tôi, ở trong những khoảnh khắc yên lặng ấy, hiện hữu một sự cảm thông ngấm ngầm về thân phận của những con người trẻ không thấy ánh sáng ở ngày mai. (Dĩ nhiên, ở đây, tôi đang nói về bối cảnh xã hội ở thập niên 80 của thế kỷ trước).
Thuốc và rượu giết chết con người, nhưng đừng tưởng rằng nỗi buồn chẳng giết chết ai. Chúng đều hủy hoại con người như nhau, vấn đề chỉ ở thời gian. Một trong những năm sau cùng sống ở VN, tôi nhận được tin thằng bạn học phổ thông cấp ba đã qua đời do một chứng bệnh từ việc bia rượu quá nhiều. Thằng bạn ấy do không tốt nghiệp phổ thông nên nó phải đi dạy tiểu học ở vùng sâu. Tôi biết nó uống rượu hầu như mỗi ngày. Tôi biết chắc rằng nó uống rượu để giết chết nỗi buồn, còn nó buồn cụ thể về điều gì thì tôi không chắc lắm. Tôi không ngạc nhiên khi hay tin nó chết trẻ đến như vậy, khi chỉ vừa hai mươi mấy tuổi, vì so với lượng rượu và thuốc mà nó tiêu thụ mỗi ngày, tôi chỉ thuộc hàng "tài tử": tôi tuy uống rượu nhưng không quá thường xuyên và hiếm khi vượt quá nửa gói thuốc mỗi ngày.
Chúng tôi, những con người trẻ thời đó, ai chẳng có nỗi buồn, kể cả anh bí thư đoàn trường bị học sinh đón đánh mà tôi kể ở trên. Ở một trong những ngày đi dạy cuối cùng, tôi có nói với anh ta tôi muốn bỏ dạy nhưng lại chẳng biết làm gì sau đó; anh ta đã nhìn tôi với một ánh mắt thông cảm thật buồn. Tôi biết anh ta cũng có nỗi buồn cơm áo của chính bản thân mình. Thật ra, chúng tôi không ghét nhau; chẳng qua chỉ là tôi không thể gần gũi và thân thiết với ai thuộc về đoàn hay đảng, còn anh ta thì vô cùng dị ứng với phong cách sống mà anh ta cho là "tiểu tư sản" của tôi.
Tôi cũng đang tự hỏi mình, ở giữa những ngày tháng hút thuốc lắm và bia rượu nhiều đó, có khi nào tôi nghĩ là mình nên khuyên những đứa học trò bỏ chúng không nhỉ. Câu trả lời là không. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó, và nếu điều đó xảy ra, thì có lẽ chúng sẽ ngạc nhiên lắm. Mà cho dù tôi có ý nghĩ đó đi nữa, thì có lẽ tôi sẽ không muốn hay không thể thực hiện nó; vì khuyên chúng như thế chẳng khác gì biệt lập chúng với cuộc sống xã hội và cắt đứt con đường tiến thân của chúng sau này. Sống trong "thiên đường Cộng Sản", tôi không tin là có ai lại dễ dàng thăng tiến nếu không biết hút thuốc và uống rượu.
Thật ra, về mặt cơ thể học và cả về mặt sở thích, tôi không phải là người được sinh ra để dành cho bia rượu và thuốc lá. Về mặt sở thích, tôi chưa bao giờ thích chúng ngay cả khi tôi đang sử dụng chúng thường xuyên. Về mặt cơ thể, từ khi là một đứa trẻ tôi đã không thích mùi rượu, và khói thuốc bao giờ cũng làm tôi cảm thấy mệt khi hít vào. Vì một lý do này hay lý do khác, những năm tháng trẻ tuổi sống giữa "thiên đường Cộng Sản" là những ngày tháng gần như duy nhất tôi phải dùng đến chúng như một phương cách để tồn tại và sống tiếp. Đó là một ký ức rất buồn và thậm chí còn phần nào mang dáng vẻ của một cơn ác mộng khi nó quyết định ngay đến cả việc sống hay còn.
Cơn ác mộng ấy đã qua đi với tôi từ lâu, nay được biết rằng ở VN ngày nay, người ta (nhất là thanh niên) thậm chí còn hút thuốc và uống rượu nhiều lần hơn, khiến trong tôi chợt gợn lên ký ức của những ngày tháng cũ. Để lý giải cho việc đó ở thời điểm hôm nay, tôi cho rằng, là một điều phức tạp hơn hẳn, chứ không chỉ là vì thứ "nỗi buồn tuổi trẻ" mà tôi đã viện dẫn ở trên.
Khuynh hướng sống toàn cầu hiện nay là người ta không hút thuốc lá nữa, và hạn chế sử dụng rượu, vì những chứng cớ y học rõ ràng về hệ quả của chúng. Thế mà, VN dường như đang đi ngược lại với khuynh hướng này và dĩ nhiên đó là một điều đáng báo động. Bao giờ việc hút và uống ở VN sẽ giảm bớt hay chấm dứt đây? Thật khó để tìm được câu trả lời chính xác vì dường như chẳng ai quan tâm nhiều lắm. Riêng tôi thì dẫu không trả lời được, nhưng có điều tôi chắc rằng ngày nào người dân VN còn "được" sống trong "thiên đường Cộng Sản" thì ngày ấy họ còn uống và hút vô tội vạ, vì lý do này hay lý do khác.
Xét cho cùng ra, mạng sống con người nơi ấy thật rẻ bèo: họ chẳng có gì nhiều để mất.
22/10/2016
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment