Sunday, May 13, 2012

Một Thoáng Nhớ Về Phạm Công Thiện



Vào cái ngày mà cả thế giới hân hoan vinh danh những người phụ nữ  (08/03/2011) thì ở cái tiểu bang của những chàng cao bồi, có một người lặng lẽ ra đi.  Người đó là Phạm Công Thiện.  Đọc thấy dòng tin trên mạng mà tôi thoáng ngỡ ngàng và tự thẳm sâu trong đáy lòng mình, tôi cảm nhận một nỗi mất mát mơ hồ.  Mất ông, đời mất đi một nhà tư tưởng vĩ đại.  Mất ông, tôi như mất một người thân.  


Tôi bắt đầu làm quen với thế giới tư tưởng của Phạm Công Thiện từ tác phẩm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của ông.  Ông viết tác phẩm này vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ông đang ở lứa tuổi đôi mươi. Tôi đọc nó vào nửa sau của thập niên 80, khi tôi cũng đang ở lứa tuổi đôi mươi.  Có lẽ vì người viết và người đọc cùng ở một độ tuổi nên dễ có nhiều sự cảm thông.  Tôi đã nuốt từng chữ trong tác phẩm với cái cách người ta cố hứng từng giọt mưa rào lên đôi môi khô khát sau cơn dài hạn hán. 


Thuở ấy, tôi vừa đến tuổi hai mươi, ngu ngơ bước vào đời, chợt nhận ra rằng mình đã đang sống những ngày tháng dài tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng tàn phá tuổi trẻ của tôi hơn bất kỳ điều gì khác. Tôi đã đang sống mòn mõi, "mòn" hơn cả cái "mòn" của Nam Cao.  Và ở tận cuối đường hầm đó, tôi đã bắt gặp một ánh sáng le lói - tư tưởng của ông, tư tưởng Phạm Công Thiện.  Nó cho tôi biết rằng tôi không cô độc, lẻ loi trong thế giới suy nghĩ của riêng mình; rằng ít ra trên cõi đời này còn có ít nhất một người khác có cùng những suy tư.  

Bài học đầu tiên tôi học được từ ông là cách "tròng đầu vào bế tắc", "nhảy dây cùng bế tắc" và "làm tình cùng bế tắc".  Cái điều tưởng như đơn giản nhưng trên cõi đời này có bao nhiêu người có thể ngộ ra và ứng dụng thành công. Khi chúng ta không thể thay đổi nghịch cảnh thì há chẳng phải tốt hơn là nên tập làm quen với nó, kết bạn với nó, rồi vẫy vùng bơi lội trong nó hay sao.  Một đằng là sự đầu hàng diệt vong.  Còn đằng kia là sự thoả hiệp vinh thăng.  Với tư tưởng thỏa hiệp, "đồng vọng" với bế tắc đó của ông, tôi đã tồn tại và sống qua những ngày dài đen tối nhất của đời mình. 


Thuở là một thanh niên mới lớn, tôi đã ngưỡng mộ Trịnh ở lối viết thanh tao, lối dùng từ vô cùng độc đáo và ở những triết lý thật thâm thuý về kiếp phận con người, về sự vô thường của cuộc sống. Văn Trịnh bao giờ cũng buồn man mác như những nhạc phẩm của Trịnh, như cái cách Trịnh bước qua đời sống, như những cuộc tình của Trịnh cứ đến rồi đi. Ở Trịnh không có sự dữ dội, giằng xé và những mâu thuẫn nội tại của Trịnh cũng không quá mãnh liệt, đối kháng. Tôi đã bắt gặp cái sự dữ dội, giằng xé, mãnh liệt, đối kháng đó ở Phạm. Và cũng ở Phạm, tôi còn đã bắt gặp những đồng cảm rất đời, rất riêng. 

Ông và tôi đã từng sống qua những chiều mưa buồn như ngày tận thế.  Tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể trong tác phẩm đầu tay đó về một buổi chiều mưa.  Đó là một buổi chiều, mưa như trút nước, ông lang thang  trên những con đường của thành phố Đà Lạt, không nón, không dù, không áo mưa. Ông cứ lầm lũi bước đi với một cõi lòng côi cút, bơ vơ và một thế giới tâm tưởng đơn côi, tuyệt vọng.  Một người đàn ông đứng tuổi biết ông, khi nhận ra ông đã tiến đến và trao cho ông cây dù.  Ông lặng lẽ đưa nó lên che đầu và rồi bất ngờ bật khóc như một đứa trẻ thơ.  Trái tim tuổi trẻ cô đơn của ông đã bật lên những nấc reo vui của nó khi chợt nhận ra rằng vẫn còn hiện diện đâu đó trên cõi đời bóng dáng của chút tình người còn sót lại. 

Tôi cũng từng lang thang như thế trong những chiều mưa tận thế của cuộc đời, trên những con đường quanh co của một phố thị bé nhỏ. Cũng không nón, không dù, không áo mưa.  Chỉ trơ trọi một nỗi cô đơn tuổi trẻ giống như ông. Tôi cứ lầm lũi đi giữa mịt mù mưa gió và thấy trước mắt mình một khoảng không gian hư ảo, nhoà nhạt không có dấu vết của sự sống.  Thoáng hoảng sợ, tôi quay lại, định lùi về phía đằng sau, chỉ để nhìn thấy một hố sâu thăm thẳm, ghê rợn ngay dưới chân mình.  Không có sự lựa chọn, tôi tiếp tục lầm lũi đi cho đến khi cơn mưa không còn rơi nữa.  Không được may mắn như ông, đã không có ai đến để trao cho tôi một cây dù.

Tôi đã thấy rằng mình bất hạnh, mang cùng chung số phận như ông, khi đã trở nên già nua quá sớm, trong khi người ta đang mơn mởn, xuân tươi.  Khi ở lứa tuổi hai mươi, tôi vật vã với thế giới tư tưởng của mình, quắt quai, quay cuồng với nỗi cô đơn tuổi trẻ và hình dung tương lai là những chuỗi ngày tận thế.  Nhưng giờ đây, tôi lại thấy mình may mắn, mang cùng chung số phận như ông.  Giờ đây, trong khi mà mọi người đang dần trở nên già cỗi, thì tôi, cũng như ông, lại thấy mình tươi trẻ, tinh anh.  Giờ đây, khi mà mọi ngừơi đang ngồi rầu rĩ ,tính lại xem họ đã "đóng thuế" cho cuộc đời này hết thảy bao nhiêu, thì tôi lại cứ vô tư phiêu lãng và nói chuyện tình yêu.


Có một số người không thích đọc những tác phẩm của ông.  Họ bảo rằng chúng ngông cuồng, mâu thuẫn và khó hiểu. Họ nói không sai. Những tác phẩm của ông đa số đều được viết với những lời lẽ rất ngông cuồng và chứa đựng toàn những điều tưởng như mâu thuẫn, rối rắm, khó hiểu. Nhưng thế thì sao nào?  Đó chính là chân dung thực của ông, chân dung thực của cuộc đời. Vẫn có vô số người miệt mài thưởng thức và say mê.  Tôi thuộc vào nhóm người thứ hai. Sau "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học", tôi lại phiêu lưu cùng ông vào "Hố thẳm của tư tưởng", cùng ông "Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất"... để biết được rằng "Mặt trời không bao giờ có thực", để thấy rằng " Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng".

Tôi viết những dòng chữ này xem như một cách để tưởng niệm chuyến đi của ông về cõi vĩnh hằng. Thường thì các nhà tư tưởng không sống thọ vì mỗi giây phút trôi qua, họ đã sống, đã nghĩ suy, đã vắt kiệt trái tim, khối óc mình gấp đôi người bình thường.  Với cách tính như thế thì xem ra ông cũng đã thọ lắm.  Và ngay cả đến cái cách ông chết, ông cũng để lại cho tôi một bài học cuối cùng đáng giá:  Chẳng có gì là ầm ĩ.  Dường như biết trước được phút cuối của đời mình, ông vào phòng, lặng lẽ nhập thiền rồi.... ra đi vĩnh viễn trong trạng thái đó. 

Ừ thì, chỉ là.... chết thôi mà! Có gì mà ầm ĩ chứ, phải vậy không ông?


Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment