Tại sao là trăm năm cô đơn mà không là ngàn năm cô đơn, hay là một độ dài cô đơn nào khác? Là trăm năm cô đơn vì đó là nỗi cô đơn của con người, mà con người có may mắn lắm cũng chỉ sống đến trăm năm. Có người nói: tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Người khác lại nói: tôi có cuộc sống gia đình đề huề, hạnh phúc, cớ gì lại cô đơn chứ! Một người khác nữa lại nghĩ rằng: chỉ có những người bi quan, yếm thế, không hội nhập được với cộng đồng, với xã hội mới cảm thấy cô đơn. Có thực như vậy không?
Xét về mặt nhân bản, cô đơn là một thuộc tính của con người, một trạng thái xúc cảm tương tự như giận, thương, yêu, ghét. Nhưng trong khi các trạng thái xúc cảm kia cần có một đối tượng bên ngoài tác động, mang tính chất thời điểm và vô thường; cô đơn là một thuộc tính vĩnh hằng của bản thể con người, tồn tại độc lập, tự tại, không bao giờ mất đi mà chỉ ở trạng thái tiềm sinh trong một số hoàn cảnh nào đó. Mọi đứa trẻ khi mới chào đời đều khóc thét lên. Đó là tiếng khóc, tiếng kêu gào của sự cô đơn mà nó ý thức được một cách vô thức. Nó chỉ ngưng khóc, ngưng kêu gào khi có bàn tay người mẹ vỗ về, tức là chỉ khi nỗi cô đơn của nó được xoa dịu. Mọi con người trên trái đất này đều cô đơn, chỉ có điều có người nhận ra, có người không, có người cô đơn ít, có người cô đơn nhiều hơn. Và sợ sự cô đơn là một trong những bản năng cố hữu của con người. Và vì sợ nên họ tìm cách trốn chạy.
Con người là một loại động vật cao cấp có bản năng sống theo bầy. Bản năng sống theo bầy này xuất phát từ bản năng cố hữu của sự sợ cô đơn. Hôn nhân và việc tìm kiếm bạn đời, ngoài mục đích truyền giống, thể hiện rất rõ bản năng cố hữu này. Và thế là với sự ràng buộc của mối liên hệ phối ngẫu, họ cùng đồng hành, dìu dắt nhau trên cuộc hành trình trốn chạy sự cô đơn. Cuộc hành trình này về sau có thêm sự tham gia của những đứa con bé nhỏ của họ. Cùng nhau họ hình thành một "tập đoàn" trốn chạy sự cô đơn. Do đó, nếu chẳng may một thành viên nào đó trong "tập đoàn" này mất đi, họ khóc lóc không thể tả xiết. Trong tiếng khóc ấy, ngoài sự tiếc thương mối thâm tình vừa mất đi, còn có cung điệu của niềm sợ hãi sự cô đơn mà họ sắp phải đối diện.
Nghệ sĩ thường cô đơn nhiều hơn người thường. Thiên tài lại càng cô đơn hơn ai hết. Nghệ sĩ và thiên tài cô đơn vì trái tim họ đập mạnh quá, tâm hồn họ mẫn cảm quá, đầu óc họ dao động với tần số cao quá mà cô đơn lại vô cùng tỉnh ngủ, ngay lập tức thức dậy với những tiếng động nhỏ nhất, những giao thoa nhẹ nhàng nhất. Ta có thể dễ dàng nhận thấy nổi cô đơn lan toả trên từng dòng chữ, từng dòng thơ, từng dòng nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự cô đơn đã đến viếng thăm ông ấy trong từng sát-na của cuộc sống đặc biệt vào những buổi sáng mai khi ông ấy thức dậy và "không thấy hoa quả khai sinh trong trái tim người". Phạm Công Thiện, một nhà triết gia và tư tưởng nổi tiếng của Việt Nam, cũng đã cảm nhận một nỗi cô đơn cùng cực từ khi ông còn rất trẻ. Thuở còn trẻ, ông đã nhiều lần đi lầm lũi trong mưa mà khóc với nỗi cô đơn tận cùng. Nói chung, dẫu có một ít sự khác biệt về cường độ, cô đơn tiếp cận mỗi con người theo cách riêng của nó, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hay giới tính.
Một người anh em song sinh của cô đơn là cô độc. Chúng tuy khác nhau nhưng tựu hình chung chúng chỉ là những phiên bản của cùng một "sample". Sự khác biệt giữa cô đơn và cô độc mỏng manh và mơ hồ như sự khác biệt giữa sương và khói. Nhìn một cõi không gian trắng xoá, mông lung và mờ ảo, đố ai biết được đó là khói hay sương; dẫu biết rằng trong sương có chứa nhiều hơi nước, còn trong khói thì không. Cô đơn thường dễ đến xâm chiếm lòng chúng ta những khi chúng ta cô độc, vì khi đó chúng ta không còn vũ khí để tự vệ, không còn đồng minh để cùng trốn chạy. Ngươc lại, trong bản thân sự cô đơn cũng đã vốn hiện hữu một nổi cô độc nội tại và cực đoan. Nổi cô độc này không chấp nhận bất cứ một "sóng nhiễu" nào, bất cứ sự "xâm lăng" nào và với đặc tính này, nó đã tạo dựng nên những thiên tài.
Để cảm nhận được và "đương đầu" với sự cô đơn, đòi hỏi chúng ta phải có một ít tri thức, một ít xúc cảm tâm linh và nhiều can đảm. Chúng ta không thể cảm nhận được sự cô đơn nếu chúng ta mãi đắm chìm trong những tính toan, lo lắng đời thường, nếu lòng chúng ta đã trở nên chai lì với mọi tác động. Trong trường hợp sau, sự vô cảm- một thảm hoạ xã hội kinh hoàng- sẽ là một hệ quả tất yếu. Chúng ta cũng không thể trốn chạy được sự cô đơn vì nó nằm ở ngay bên trong chúng ta, chứ không phải bên ngoài, mà làm sao chúng ta có thể trốn chạy được chính chúng ta kia chứ. Hãy nghe Phạm Công Thiện chỉ chúng ta cách đối phó với bế tắc: "Bế tắc à! Hãy tròng đầu vào bế tắc, hãy nhảy dây với bế tắc, hãy làm tình với bế tắc". Nếu chúng ta tập làm quen với nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng mình, thay vì trốn chạy nó, tập quan sát nó xem nó vận hành như thế nào như cái cách người ta quan sát hơi thở trong thiền quán, chiêm ngưỡng dung nhan nó như chiêm ngưỡng dung nhan người tình thì chúng ta có quyền tin rằng đến một ngày kia, nỗi cô đơn trăm năm của một đời người ấy sẽ trở thành một đoá hồng đẫm sắc.
Một người anh em song sinh của cô đơn là cô độc. Chúng tuy khác nhau nhưng tựu hình chung chúng chỉ là những phiên bản của cùng một "sample". Sự khác biệt giữa cô đơn và cô độc mỏng manh và mơ hồ như sự khác biệt giữa sương và khói. Nhìn một cõi không gian trắng xoá, mông lung và mờ ảo, đố ai biết được đó là khói hay sương; dẫu biết rằng trong sương có chứa nhiều hơi nước, còn trong khói thì không. Cô đơn thường dễ đến xâm chiếm lòng chúng ta những khi chúng ta cô độc, vì khi đó chúng ta không còn vũ khí để tự vệ, không còn đồng minh để cùng trốn chạy. Ngươc lại, trong bản thân sự cô đơn cũng đã vốn hiện hữu một nổi cô độc nội tại và cực đoan. Nổi cô độc này không chấp nhận bất cứ một "sóng nhiễu" nào, bất cứ sự "xâm lăng" nào và với đặc tính này, nó đã tạo dựng nên những thiên tài.
Để cảm nhận được và "đương đầu" với sự cô đơn, đòi hỏi chúng ta phải có một ít tri thức, một ít xúc cảm tâm linh và nhiều can đảm. Chúng ta không thể cảm nhận được sự cô đơn nếu chúng ta mãi đắm chìm trong những tính toan, lo lắng đời thường, nếu lòng chúng ta đã trở nên chai lì với mọi tác động. Trong trường hợp sau, sự vô cảm- một thảm hoạ xã hội kinh hoàng- sẽ là một hệ quả tất yếu. Chúng ta cũng không thể trốn chạy được sự cô đơn vì nó nằm ở ngay bên trong chúng ta, chứ không phải bên ngoài, mà làm sao chúng ta có thể trốn chạy được chính chúng ta kia chứ. Hãy nghe Phạm Công Thiện chỉ chúng ta cách đối phó với bế tắc: "Bế tắc à! Hãy tròng đầu vào bế tắc, hãy nhảy dây với bế tắc, hãy làm tình với bế tắc". Nếu chúng ta tập làm quen với nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng mình, thay vì trốn chạy nó, tập quan sát nó xem nó vận hành như thế nào như cái cách người ta quan sát hơi thở trong thiền quán, chiêm ngưỡng dung nhan nó như chiêm ngưỡng dung nhan người tình thì chúng ta có quyền tin rằng đến một ngày kia, nỗi cô đơn trăm năm của một đời người ấy sẽ trở thành một đoá hồng đẫm sắc.
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment