Sunday, May 13, 2012

Suy Ngẫm Về Cái Chết Của Bin Laden




            Người dân Mỹ hân hoan đón mừng tin Bin Laden chết ở quảng trường
Times Square vào rạng sáng ngày 02/05/2011 (New York) 

Bin Laden đã chết!  Những thanh âm ấy được hét to lên ở mọi nơi với một âm vực cao nhất mà giọng nói con người có thể.  Thế là, tên trùm khủng bố đứng đằng sau vụ tấn công vào tòa tháp đôi World Trade Center ở New York vào ngày 11/09/2001 và nhiều vụ tấn công tàn bạo khác, cuối cùng, đã bị giết chết.

Tôi vốn không có thói quen viết về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế hay công nghệ thông tin dù rằng không phải là tôi không quan tâm đến chúng.  Riêng đối với cái chết của Bin Laden, tôi tự cho phép mình làm một điều ngoại lệ, vì với tư cách là một công dân Mỹ, tôi không thể không "nhảy cẫng" lên vui sướng khi đọc và nghe về điều này.  Để ăn theo, bàn phím máy tính của tôi bắt đầu vang lên những thanh âm lóc cóc quen thuộc của nó với một nhịp điệu reo vui. 


World Trade Center chìm ngập trong biển khói sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001


Tôi vốn cũng chưa bao giờ vinh danh cái chết và sự hủy diệt, nhưng trong trường hợp này, khi mà cái chết của một con người mang đến sự bình an và tươi sáng hơn cho cả toàn thế giới, thì không có lý gì mà tôi lại không "cảm tạ" sự "nằm xuống" của ngài Bin Laden.  Và tôi càng có lý do để làm điều đó lắm khi mà chính tôi đã đến tận nơi (New York) sau khi vụ khủng bố xảy ra để đứng dưới tòa tháp đôi kia mà bùi ngùi cho sự sụp đổ thê lương của nó và cũng để nghe vọng vang trong không gian ảm đạm ấy tiếng than van oán hờn của hơn 3.000 sinh linh vô tội. 
Chưa bao giờ tôi được chứng kiến cái chết của một con người lại làm nhiều người khác phấn khởi đến như vậy.  Ngay sau khi tổng thống Mỹ Obama xuất hiện trên tivi và thông báo về điều này vào đêm chủ nhật 1 tháng 5 (giờ New York ) nước Mỹ đã có một đêm không ngủ.  Nhiều người đã tụ tập quanh khu vực tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington D.C để ăn mửng chiến thắng này và để vinh danh nước Mỹ.


Chân dung của Bin Laden


Trong khắp các quán rượu của nước Mỹ cũng như trên các trang mạng xã hội, người ta chia sẻ với nhau cảm tưởng vui mừng về sự kiện này và bày tỏ mong ước thiết tha được nhìn tận mặt đội biệt kích Mỹ, những người đã trực tiếp hạ sát Bin Laden.  Navy SEAL Foundation, tổ chức giúp đỡ gia đình biệt hải có trụ sở đặt tại Virginia cho biết số tiền hiến tặng cho tổ chức này tăng lên một cách đáng ngạc nhiên sau sự kiện Bin Laden bị giết. 

Các cựu tổng thống như Bill Clinton và George W Bush cũng lần lượt ra thông cáo để biểu lộ nỗi hân hoan của mình.  Trong khi tổng thống Bill Clinton nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến thắng này đối với tương lai hòa bình, tự do và hợp tác của cả thế giới, thì tổng thống Bush không giấu được sự hả hê của ông khi cho rằng công lý cuối cùng đã thắng sau gần một thập niên miệt mài tìm kiếm và truy đuổi tên tội phạm khủng bố quốc tế.  Ngoài hai vị tổng thống trên, nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia khác cũng gởi lời chúc mừng đến nước Mỹ...


Người dân Kabul ở miền trung của Afghanistan tập trung trên đường phố
để xem tin về cái chết của Bin Laden


Khủng bố dù được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào và nhân danh bất kỳ chính nghĩa nào cũng vẫn là khủng bố, không hơn không kém, một hình thức tội ác chống lại con người.  Bin Laden không chỉ là một tên khủng bố, hắn còn là một tên trùm khủng bố với một chiến dịch khủng bố qui mô toàn thế giới.  Trước khi chết, hắn đã có mười năm trời ròng rã lãnh đạo nhóm Al Qaeda để gieo rắc kinh hoàng khắp mọi nơi.  

Tổ chức Al Qaeda có chừng 3.000 tín đồ.  Bin Laden tài trợ cho tổ chức này bằng số tài sản khổng lồ của mình, ước tính khoảng 250 triệu USD.  Bằng tiền riêng và những tín đồ riêng rất trung thành của mình, Bin Laden có khả năng tự mình tổ chức những cuộc tấn công khủng bố cực lớn. Hắn ta cũng không loại trừ khả năng dùng vũ khí hóa học hoặc nguyên tử để hành động, nói rằng bảo vệ đạo Hồi là nhiệm vụ thiêng liêng.  Năm 1998, Bin Laden tuyên bố tất cả công dân Mỹ và Do Thái, kể cả trẻ em, phải chết.

Việc truy tìm và theo dõi Bin Laden trong suốt gần một thập niên qua đã tiêu tốn của nước Mỹ khá nhiều công sức và tiền bạc, kể cả một ít thể diện quốc gia.  Chừng nào mà Bin Laden còn sống, ngày đó nước Mỹ còn ray rứt với vong linh của hơn 3.000 sinh mạng, còn cảm thấy áy náy với cái thế giới vốn tin rằng nước Mỹ là hiện thân cùa sức mạnh và khả năng ảnh hưởng.  

Còn nhớ sau khi vừa nhận được những cảm thông và sẻ chia sâu sắc về thảm cảnh tại New York ngày 11/09/2001, ngay lập tức nước Mỹ đã phải đối diện với sự lên án và phản đối khá gắt gao của dư luận thế giới khi quyết định mở rộng chống khủng bố tại Afghanistan và sau đó tại Iraq.  Sự chống đối đầy cảm tính này đã khiến không ít người dân Mỹ cảm thấy hụt hẩng, tổn thương và tức giận.


Quang cảnh xung quanh biệt thự của Osama bin Laden


Giờ đây, lời cảnh báo mà cựu tổng thống Reagan phán ra với những kẻ khủng bố cách đây hơn một phần tư thế kỷ "You can run but you can't hide" (Các ngươi có thể chạy nhưng các ngươi không thể trốn được) đã được thực thi.  Chiến thắng này đã phần nào làm rạng rỡ gương mặt của nước Mỹ vốn đã hằn lên nhiều đường nét nhăn nheo, ưu phiền kể từ khi suy thoái kinh tế và tài chính bắt đầu diễn ra vào những ngày tháng cuối năm 2007. 

Có một điều khá ngạc nhiên, ít ai biết, dẫn đến chiến thắng này của Mỹ và cái chết của Bin Laden đó là việc Bin Laden hoàn toàn xa lạ với các kỹ thuật công nghệ cao trong khi đó thì người Mỹ lại dùng chúng để tìm kiếm và theo dõi đối phương.  Trong những tháng ngày lẫn trốn, ông ta sống trong các ngôi biệt thự sang trọng nằm sâu bên trong các căn cứ ở Pakistan và Afghanistan.  Nhưng điều khác thường là những ngôi biệt thự này hoàn toàn vắng bóng các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao như internet hay điện thoại. Việc liên lạc thông tin được thực hiện bằng cách đưa thư truyền thống, và lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã lần theo các người đưa thư này mà tìm ra nơi ẩn náu của Bin Laden. 


Chân dung của Al Zawahri, người được cho là kế nhiệm của Bin Laden


Bin Laden đã chết và chúng ta đang ăn mừng.  Nhưng nếu vì thế mà chúng ta cho rằng hiển nhiên là thế giới rồi sẽ an bình và tốt đẹp hơn thì có lẽ là chúng ta "đang ngủ quên trên chiến thắng".  Sau cái chết của Bin Laden này, rồi sẽ có những Bin Laden kế nhiệm, mà người được giới phân tích cho là có khả năng cao nhất chính là bác sĩ người Ai Cập Al Zawahri, nhân vật số một của Al Qaeda và cũng chính là bộ não của Bin Laden.  Và vì thế, trọng trách chống lại khủng bố vẫn còn tiếp diễn và nó sẽ vẫn còn đè nặng trên đôi vai của từng thành viên trên quả địa cầu này.

06/05/2011
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment