Cái sự hèn đó, thực ra, cũng được người đời ngụy trang hay che giấu kỹ lắm, người ngoài không phải lúc nào cũng thấy được. Nhưng có ngụy trang hay che giấu giỏi đến đâu, cũng không dễ qua mắt được lương tâm của con người. Những phút giây tạm buông bỏ thế giới bao quanh để trở về với bản ngã cũng chính là những phút giây lương tâm tỉnh thức, chỉ thẳng vào mặt con người mà thét to lên: "Mày là thằng hèn!" Với tâm trạng bất an, những người sống hèn thường lảng tránh những phút giây một mình để khỏi phải đối diện với bản thân. Đó là một cuộc trốn chạy miệt mài và đáng thương hại.
Thế nào là sống hèn? Mỗi người có một chuẩn mực sống cho riêng mình. Một cách sống được cho là hèn đối với người này, lại có thể được coi là hoàn toàn bình thường đối với người khác và ngược lại. Không dễ dàng để liệt kê mọi trường hợp hành xử hay cách sống được xem là hèn, nhưng có hai tác nhân chỉ điểm sự hèn hạ rất rõ nét, đó là sự sợ hãi và sự không tôn trọng sự thật. Khi bạn sợ hãi thái quá vì lo sợ cho an nguy hay quyền lợi của bản thân, bạn dễ thấy ở mình lập tức xuất hiện những suy nghĩ và hành xử mang dấu nét của sự hèn hạ. Sự sợ hãi cũng luôn dẫn đến một hệ lụy rất tương quan với nó là sự không tôn trọng sự thật. Người ta thường thấy mình nói dối, bóp méo sự thật, hay lảng tránh, không dám nhìn thẳng vào thực chất của vấn đề khi đã để cho sự sợ hãi khống chế suy nghĩ.
Con người sống thành bầy đàn và hợp quần thành xã hội. Xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển khi luật pháp, kỷ cương cũng như những nguyên lý đạo đức của nó được bảo vệ và duy trì. Chỉ khi đó cái thiện và cái ác mới tọa vị ở đúng vị trí của chúng, và từ đó, cái đúng và cái sai mới được nhận định và đối xử thích ứng. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là cuộc đấu tranh trường kỳ trong lịch sử tồn tại của con người và thắng lợi của cái thiện không phải bao giờ cũng luôn là điều dễ dàng. Để đạt được tất cả những điều đó nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và vinh thăng của xã hội, điều đòi hỏi tất yếu là các thành viên của nó không phải là những con người nhu nhược, yếu đuối bị khuất phục bởi nỗi sợ hãi bẩm sinh.
Nhưng đáng buồn thay, từ một thời điểm nào đó, sự sợ hãi đã dần thống trị thái độ sống của một bộ phận con người hôm nay - sợ hãi đến tê liệt, sợ hãi đến đớn hèn. Họ sợ hãi quyền lực cho dù quyền lực đang áp đặt lên họ vô vàn điều phi lý, mà nói cho cùng, cái quyền lực đó cũng từ họ ban ra mà có. Họ cúi đầu phục tùng và thỏa hiệp với cái xấu, cái ác chỉ vì chúng đang ở vị trí thắng thế, có đủ khả năng sinh sát trong tay. Họ sợ hãi ngay cả việc nhận chân cái thiện vì lo rằng điều đó đồng nghĩa với việc tuyên chiến với cái ác, việc họ chẳng bao giờ muốn và dám. Với sự sợ hãi "toàn diện" ấy, họ ngày càng trượt sâu hơn vào thái độ sống vô cảm, như một hệ quả tất yếu. Và cái thái độ sống vô cảm ấy cứ thế ngày càng lên ngôi để trở thành một triết lý sống chủ đạo, được xem là thức thời và khôn ngoan của một bộ phận không nhỏ con người. Không nói thì chắc ai cũng có thể hình dung ra được cái kết cuộc sau cùng cho một xã hội đã bị thống trị bằng nỗi sợ hãi như thế.
Tôi có thái độ ấy vì hai lý do. Lý do thứ nhất là qua ba ngày đêm trên biển, họ đã lén lút giành hết mọi phần ăn, tôi chẳng có gì để ăn cả thì hơi sức đâu nữa để làm cái công việc ấy. Lý do thứ hai là tôi đang bận tĩnh tâm để đón chờ cái chết và chưa bao giờ thấy lòng mình thanh thản đến như vậy. Ý nghĩ trong đầu tôi lúc ấy là chỉ chút nữa thôi tôi sẽ được cuốn vào lòng biển lạnh và nơi ấy biết đâu tôi sẽ có dịp để gặp nàng tiên cá trong câu chuyện thần thoại mà tôi vốn hằng ưa thích. Qua kinh nghiệm sinh tử ấy, tôi nghiệm thấy rằng nếu đừng quá tham sống đến mức cuồng si và chấp nhận nó như một điều chẳng thể đổi thay khi nó đến, thì cái chết thực sự chẳng có gì là quá khủng khiếp cả, nếu không muốn nói là một sự giải thoát, trong một số trường hợp nhất định.
Sống một đời sống có ý thức trong từng sát-na của cuộc sống, nghiền ngẫm về cái chết trong từng mỗi phút giây mình đang sống để làm quen với nó, để nhắc nhở mình về lẽ vô thường của đời sống là những kinh nghiệm mà tôi đã học được để tập cho mình một đời sống không sợ hãi. Nếu đã không sợ hãi cái chết thì chẳng có lý do gì để chúng ta phải sợ hãi bất kỳ điều gì khác trong cuộc đời này, và từ đó, chẳng có lý do gì để chúng ta chấp nhận một lối sống đớn hèn làm thui chột mọi giá trị tâm linh và tinh thần quí giá, vốn giúp làm thăng hoa đời sống con người.
Trong những chuỗi ngày làm việc ở đất Mỹ này đây, tôi cũng đã có nhiều dịp để thử nghiệm thái độ sống không sợ hãi của mình và xem xét hệ quả cũng như hệ lụy của nó. Như đã nói, tôi vốn không có phong cách của một người sợ hãi. Tôi nhìn tất cả mọi người - dù đó là một nhân vật cao cấp hay một người vô gia cư - với cùng một ánh mắt như nhau, không phân biệt đẳng cấp. Dù anh là ai và đang làm gì, tôi cũng chỉ có thể dành cho anh một cái nhìn và lối hành xử tôn trọng như nhau - tôn trọng và không sợ hãi. Tôi nghiệm thấy rằng có nhiều người (luôn là những người có cấp bực cao hơn trong công việc) không vui với ánh mắt nhìn bình thản ấy của tôi, và có không ít người có ý định trả thù để dạy tôi biết sợ hãi đối với cấp bậc và quyền uy của họ.
Và có một người phụ nữ Mỹ da trắng đã quyết tâm làm điều đó với tôi trong suốt thời gian bà ta còn được ở vị trí lãnh đạo đối với tôi. Câu chuyện này xảy ra cũng đã cách đây vài năm. Bà ta lúc ấy đang ở vị trí của một Manager và tôi thì ở dưới bà ta một bậc. Bà ta thích mọi người bao quanh bà ta để làm bà ta vui với vị trí cấp bậc của bà ấy và tặng quà cho bà ấy nhân các dịp lễ, tôi không có các thói quen đó, tôi chỉ lo công việc của tôi. Tôi thừa biết rằng bà ta lấy làm bực bội lắm và cảm thấy rất "căm hờn" vì tôi là người Á Châu duy nhất trong nhóm người làm việc thuộc quyền của bà ta mà lại dám hành xử khác biệt như vậy. Tôi không cố ý, nhưng không thể làm khác được. Bà ta không tập trung làm việc là quyền của bà ta, nhưng tôi không thể bỏ công việc để a dua vào những hoạt động chỉ để làm bà ta vui như một vị bá chủ.
Kinh nghiệm ấy cùng những trải nghiệm khác đã cho tôi một bài học quí giá về sự sợ hãi và thái độ sống đớn hèn. Rằng, chúng hoàn toàn không đảm bảo cho một cuộc sống bình yên, rằng sau khi đã đánh mất rào cản đầu tiên là lòng tự trọng, cũng là lúc con người trượt dài vào một sự mất mát hàng loạt những phẩm chất tinh thần cao quí khác, không còn dừng lại được. Cuộc đời con người vốn không dài và ai cũng chỉ có một đời để mà sống. Hãy sống sao cho khi đến giây phút cuối của cuộc đời mình, mình không phải hối tiếc rằng mình đã sống đớn hèn biết bao và đã phí hoài những năm tháng tươi đẹp kia vào một nỗi sợ hãi thường trực vô căn cứ.
18/12/2011
Jeffrey Thai
Sợ hãi là bản năng sinh tôn cô hửu của đông vật, tham sông và sợ chết.
ReplyDeleteMột khi ý thức của loài người hiểu ra răng "giữa sự sống và sự chết" chỉ cách nhau có hơi thớ mong manh. Lúc bạn thớ ra mà không hit́ vào, hoặc hit́ vào mà không thớ được ra...nghĩa là bạn sẽ phải chết . Thêm nữa, đời sống của một kiếp người không thê mãi mãi, nó co giới hạn của nó.thì chẳng ai nào tráng được đâu! Khi hiểu ra điều này ...người ta biết trân trọng đời sống ngắn ngủi của họ, biết giá trị thực sự một đời người để sông thế nào đích đáng làm người.
Ngay cả cái chết sẽ xảy ra kia...người ta đã mặc nhiên thừa nhận rôi thì còn điều gì khác đáng cho họ phải lo sơ nữa . Lúc bây giờ điều họ sợ hãi nhất có lê lại là điều hối tiếc vì đã không sống đủ ý nghĩa con người.