J. Krishnamurti là một hiền nhân, triết gia và nhà tư tưởng nguời Ấn Độ được sinh ra vào cuối thế kỷ XIX (1895 - 1996). Ông được xem là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến ý thức của nhân loại ngày nay. Mục đích duy nhất và tối thượng của ông là hướng con người đến sự tự do tuyệt đối và vô điều kiện; và bằng cách đó, con người có thể giải thoát mình ra khỏi mọi nguồn gốc gây ra sự đau khổ.
Trong câu trích dưới đây, điều ông đề cập đến là tính chiếm hữu hiện diện ở mỗi con người. Ông cho rằng khi con người phụ thuộc lẫn nhau, dựa dẫm vào nhau (cho dù vì lý do gì đi nữa, cho dù lý do đó có to lớn và cao thượng bao nhiêu), thì đó cũng là lúc con người đánh mất chính mình; vì sự phụ thuộc này dẫn đến ý muốn chiếm hữu lẫn nhau (chi phối, khống chế mọi suy nghĩ của nhau). Và đó chính là cội nguồn của mọi sự vật vã và đau đớn phát sinh.
Thực tế cho thấy là, con người chỉ có thể có được một đời sống ý nghĩa khi con người có được sự tự do tuyệt đối và vô điều kiện; dẫu rằng, cái giá của sự tự do đó có thể là vô cùng đắt, và sự tự do đó, đôi khi, đồng nghĩa với một sự cô đơn bất tận và bất diệt. Bản năng của con người là bản năng của loài động vật cao cấp sống theo bầy. Từ bản năng đó, con người vô tình phụ thuộc vào nhau mà không hề hay biết, . Dựa dẫm vào nhau, con người nảy sinh ý muốn chiếm hữu nhau như một hệ quả tất yếu; và đó là khởi điểm họ bắt đầu ràng buộc và đày đọa nhau đến chết trong vòng kiềm tỏa sân ái thường tình của nhau.
Nhìn từ góc độ đó, ta thấy dường như không hiện hữu tình yêu thực sự trong đời sống con người. Mục đích duy nhất và tối thượng của tình yêu thực sự là đưa con người đến hạnh phúc viên mãn, nhưng ta có thể thấy một chu kỳ thường tình của tình yêu diễn ra trong đời sống thực là như thế này: tìm kiếm, tiếp cận, chọn lựa, kết đôi, gắn bó, chiếm hữu, khống chế, đày đọa, vật vã, đớn đau...
Một con người tự do tuyệt đối và vô điều kiện không chấp nhận bị chiếm hữu bao giờ; và dĩ nhiên, không bao giờ có ý thức chiếm hữu bất kỳ ai, bất kỳ cái gì.
04.11.18
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment