Saturday, May 12, 2012

Ảnh Nóng Tiến Đoàn: Có Thực Sự Đáng Lên Án?





Bài viết này xin được đề cập cụ thể đến hai bộ ảnh gần đây mà Nam vương Tiến Đoàn đã thực hiện với tư cách là một người mẫu. Bộ ảnh đầu tiên được thực hiện cho tạp chí Men's Health của Thái Lan. Còn bộ ảnh thứ hai mới được rò rĩ gần đây trên mạng, nhìn vào khung cảnh có thể đoán được là cũng chụp ở Thái Lan. Đa số cư dân mạng và độc giả báo điện tử tỏ thái độ lên án chúng, cho rằng chúng phản cảm và thậm chí kích dục. Một bài viết gần đây của tác giả Nobita còn gán ghép cả công việc người mẫu của anh với tư cách người thầy, để rồi đi đến một kết luận rất thuận với lòng của đa số người đọc là: Nếu anh còn tiếp tục làm thầy, có thể anh sẽ phải đối diện với dư luận đòi tước danh hiệu "làm thầy" của anh.

Trước một dư luận lên án rầm rộ như vậy, những ý kiến ủng hộ anh, dẫu không quá ít, dường như trở nên lẻ loi và lạc lõng. Thực sự, những bộ ảnh đó có đáng nhận những lời chỉ trích quá đáng như vậy không, và bản thân Tiến Đoàn có đáng để bị phủ nhận tư cách, kể cả tư cách làm thầy của anh không, theo ý kiến người viết, nên cần được xét lại thấu đáo và trong một cách thức bình tĩnh hơn, để trả lại công bình cho hai bộ ảnh này và bản thân người mẫu Tiến Đoàn.

Trước hết xin được nói về bộ ảnh Tiến Đoàn làm người mẫu cho tạp chí Men's Health của Thái Lan được thực hiện bởi nhà nhiếp ảnh gia nổi tiếng của nước này LanHaruenhun Airry. Điều cần nhấn mạnh ở đây là đây là bộ ảnh được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia người Thái, chủ đích để đăng trên một tạp chí dành cho đàn ông của Thái và nói chung là để phục vụ cho độc giả người Thái. Tiến Đoàn chỉ đơn thuần là một người mẫu, một người mẫu Việt được tự hào và hãnh diện để làm mẫu cho một tạp chí nước ngoài.


Hãy xem người trong cuộc và công chúng Thái nhận định thế nào về bộ ảnh này nhé. Haruehun Airry đang là tên tuổi nhận được nhiều sự tin tưởng từ các nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí ở Thái Lan và cả ngành Hàn Quốc để quản lý hình ảnh. Airry đã nói như thế này về Tiến Đoàn sau khi thực hiện xong bộ ảnh: "Tôi thực sự bất ngờ về Tiến Đoàn với khả năng diễn xuất hình thể của anh. Nếu có một người mẫu như vậy thì quả là đáng mừng cho nền thời trang của các bạn". Còn về công chúng Thái Lan, hầu hết mọi ý kiến của độc giả Thái khi xem xong bộ ảnh đều ngợi khen đây là một bộ ảnh đẹp.


Nếu chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ chẳng có chuyện gì ầm ĩ, đúng như bản chất của vấn đề. Nhưng vô phúc thay cho bộ ảnh, và nhất là cho người mẫu Tiến Đoàn, khi có người ngang nhiên ăn cắp chúng từ trang Web cá nhân của nhiếp ảnh gia Airry, rồi sau đó phát tán tràn lan trên mạng. Cộng đồng mạng Việt vốn là một cộng đồng rất nhạy cảm với những chủ đề "sốc, sến, sex" đã không bỏ lỡ cơ hội, ngay lập tức nhiệt tình chiêm ngưỡng và sau đó hè nhau "ném đá" vào bộ ảnh cũng như anh chàng người mẫu với những lời lẽ phẫn nộ và nặng mùi đạo đức: phản cảm, lố bịch, gợi dục, không thể chấp nhận được.

Thông thường người ta chỉ tỏ thái độ và bình luận với những tác phẩm được thực hiện để phục vụ cho mình. Bộ ảnh này rõ ràng không nhằm phục vụ các cư dân cộng đồng mạng Việt. Các cư dân này chỉ xem "cọp" (hay xem "chùa"), rồi sau đó, một cách nhiệt tình, tỏ thái độ căm phẫn và lên án người mẫu Tiến Đoàn. Hành động này, nếu xem xét kỹ, tiềm ẩn trong nó một dáng nét khôi hài thật đặc biệt, mà có lẽ người trong cuộc đã không bình tĩnh để nhận ra.


Liên quan đến điều này, tác giả một bài báo mạng nêu ý kiến rằng: "Việc anh "cãi" rằng, tôi chụp nude bên Thái, cho độc giả Thái là một cách phản ứng rất.. trẻ con. Bởi một người mẫu chuyên nghiệp, họ luôn biết mình là ai, giới hạn của mình đến đâu, cho dù tác nghiệp ở bất cứ nơi nào". Có lẽ đó cũng là lý lẽ đại diện cho đa số các cư dân mạng Việt. Trong khi tác giả "chê" phản ứng của Tiến Đoàn là trẻ con, bản thân người viết lại thấy lý lẽ đó trẻ con vô cùng.

Trẻ con ở chỗ là: Như nhiếp ảnh gia Vũ Huyến có nói: "Văn hóa Việt Nam và văn hóa Thái Lan khác nhau, việc cảm thụ những sản phẩm thị giác của bạn cũng rất khác so với ta". Tiến Đoàn làm người mẫu cho tạp chí Thái, để phục vụ thị hiếu của người Thái thì dĩ nhiên là anh phải nỗ lực tối đa để thỏa mãn yêu cầu của họ, và kết quả là họ đã hài lòng, thế thì sai trái ở chỗ nào? Chẳng lẽ anh phải làm sao cho người Việt hài lòng hay sao, anh phải làm sao cho "thuần phong mỹ tục" của người Việt vui vẻ hay sao? Thiết nghĩ nếu có cần phản đối hay lên án, người có quyền "danh chính ngôn thuận" để làm điều đó hẳn sẽ là những độc giả Thái, chứ sao lại là cư dân mạng hay độc giả Việt.

Nếu bỏ qua những lời chỉ trích nặng nề, mang nặng hơi hướm giáo điều, hãy thử nhìn lại bộ ảnh với một cái nhìn khách quan hơn, nhất là đừng chất chứa trong đầu những suy tư nhục cảm, đa số người xem hẳn phải công nhận là qua cả hai bộ ảnh, Tiến Đoàn đã có một sự "lột xác" thực sự. Anh đã gột rữa hẳn cái nết "sến sến" cứ đeo đẳng anh dai dẳng ngay cả sau khi anh đăng quang ngôi vị Nam vương thế giới. Trong cả hai bộ ảnh, anh đã thể hiện một sự biểu cảm thăng hoa tuyệt vời mà không phải người mẫu nào cũng có thể làm được. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc.


Ở cả hai bộ ảnh, nhất là ở bộ ảnh thứ hai, không khó để nhận ra rằng người xem Việt thường có thói quen chú trọng vào những phần nhạy cảm nhất rồi có những phản ứng rất ư là "đạo đức": phát khiếp, đỏ mặt. Tại sao lại như vậy? Tại vì trong khi chúng ta một mặt buông ra những lời nói rất đạo đức thì trong đầu óc chúng ta lại không ngừng nghĩ về "cái ấy" và "chuyện ấy". Và đó chính là mấu chốt của vấn đề: Đầu óc chúng ta không đủ trong sáng để nhìn sự vật như nó chính là (as it is).

Đó cũng chính là sự khác biệt trong cách nhìn của người Việt và của người phương Tây về cơ thể trần trụi của con người. Người phương Tây thường không quá khắt khe với sự trần trụi, họ chấp nhận sự trần trụi như là một điều gì rất đỗi tự nhiên. Họ nhìn thẳng vào sự trần trụi và họ đơn giản chỉ thấy cơ thể con người. Phần đông người Việt, trái lại, thường dị ứng với sự trần trụi và không chấp nhận nó. Khi phải nhìn thẳng vào sự trần trụi, họ chỉ thấy "cái ấy" và "chuyện ấy". Điều đó lý giải cho sự hiện diện của nhiều bãi tắm khỏa thân ở các nước phương Tây và hầu như không bao giờ có chúng ở Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Thay đổi sự trần trụi hay thay đổi cách nhìn đây? Mỗi độc giả Việt hẳn sẽ có một câu trả lời cho riêng mình.

Cuối cùng xin được đề cập đến việc đánh giá tư cách làm thầy của người mẫu Tiến Đoàn của một tác giả báo mạng. Thường thì để đánh giá chính xác một con người, chúng ta cần cả một quá trình, chứ không thể chỉ qua vài ba sự việc. Hãy xét tư cách cá nhân của Tiến Đoàn kể từ lúc anh đăng quang ngôi vị Nam vương thế giới. Với một hình thể đẹp và một lối ứng xử thông minh, anh đã lên ngôi Nam vương một cách thuyết phục và mang danh dự về cho đất nước Việt Nam. Kể từ ấy đến nay, nếu có theo dõi báo chí, hẳn là chúng ta có thể thấy được là anh chưa có một lời nói hay hành động nào làm người khác đánh giá tư cách của anh cả (ngoại trừ các bức ảnh nude, mà chúng ta vừa đề cập đến ở trên).


Còn về tư cách làm thầy? Anh đã hoàn thành nhiệm vụ giảng viên của anh một cách tốt đẹp cho đến ngày anh giã từ nó, mà không hề phạm phải bất cứ lỗi lầm nào mà người khác có thể trách cứ được. Anh hoàn toàn có thể tự hào với cái quá khứ làm thầy ấy của mình. Thế thì tại sao lại vịn vào những suy nghĩ chủ quan và thiển cận của mình về công việc người mẫu của anh mà xâm phạm vào cái đoạn đời làm thầy của anh nhỉ! Câu trả lời không khó đoán: Những lý lẽ mang dáng nét đạo đức thường tranh thủ được nhiều sự ủng hộ và việc lên mặt đạo đức bao giờ cũng có cái "thú đau thương" riêng, hấp dẫn của nó.

Nếu anh đã không có bất cứ sai phạm nào trong quá trình làm thầy, để công bình với anh, để chứng tỏ sự tôn trọng đối với con người, thiết nghĩ xin để yên cái quá khứ làm thầy tốt đẹp đó của anh. Còn những ai đã có ý nghĩ là anh đã không có được cái tư cách cần có của một người mẫu thì giải pháp đơn giản là hãy cứ coi như không có anh trong cái thế giới người mẫu này vậy. Thế thôi! Điều buồn cười là ở chỗ, lên án thì cứ lên án, nhưng cứ mỗi khi lên mạng lại cứ miệt mài Google với keyword "Ảnh "nude" của Nam vương Tiến Đoàn", để xem có ảnh mới nào xuất hiện không. Rõ khổ!


01/09/2011
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment