Nếu câu hỏi này được đặt ra cho một người sống ở phương Tây, cụ thể như ở Mỹ chẳng hạn, phản ứng mà người hỏi nhận được đầu tiên là một cặp mắt tròn xoe đầy kinh ngạc, trước khi nghe được lời trả lời chính thức là một tiếng "No" dõng dạc và dứt khoát. Họ ngạc nhiên là vì ở thế kỷ thứ 21 này rồi mà có người khi đề cập đến điều quí giá nhất ở một người phụ nữ lại nêu đích danh cái màng trinh vật chất kia, chứ không phải là một trong những phẩm chất khác mà họ mong đợi sẽ được nghe như trí thông minh, sự tinh tế, sắc đẹp, sự hy sinh hay lòng quảng đại.
Thế nhưng, với khá nhiều tương phản, cũng cùng câu hỏi đó, nếu được nêu ra cho một người sống trong xã hội Việt Nam đương đại lại nhận được một câu trả lời "Vâng, dĩ nhiên!" với một sự đồng thuận cao đến mức đáng ngạc nhiên. Dưới góc nhìn của tôi, câu trả lời "Vâng" với sự đồng thuận cao đó là một cái tát phủ phàng vào giá trị nhân phẩm của người phụ nữ. Nó nói lên một thực tế đáng buồn là cho đến ngày hôm nay, khi mà tư tưởng nam nữ bình quyền đã được phổ cập rộng khắp, người phụ nữ Việt vẫn được xem xét và đánh giá bằng cái tiêu chuẩn của cả một thế kỷ trước.
Lối đánh giá lỗi thời và nghiệt ngã đó, vô hình trung, đã trở thành một bản án treo lơ lửng trên đầu của bao người phụ nữ, gây ra những giằn vặt khôn nguôi, những thảm cảnh đau lòng và thậm chí cả những cái chết oan khiên. Trên thực tế, trinh tiết của một người phụ nữ có quan trọng đến thế chăng? Và lý do nào mà cho đến ngày hôm nay tư tưởng ấy vẫn được chấp nhận như là tư tưởng thống trị trong phần lớn nam giới người Việt? Hãy thử mổ xẻ vấn đề này để thấy thêm được tính phi lý và bất công của nó đối với đời sống của người phụ nữ Việt.
Vấn đề trinh tiết này hoàn toàn không phải là một vấn đề mới. Nó đã được mổ xẻ tới lui nhiều lần qua nhiều thế hệ và bởi nhiều người, nhiều diễn đàn. Tổng quát hóa, trong bài viết này, xin được phân lập luận của các anh chồng người Việt thành hai ý lớn sau:
1) Tính sĩ diện, gia trưởng và chiếm hữu của họ rất lớn. Họ không thể chấp nhận được việc vợ của họ lại không còn trong trắng khi về làm vợ họ. Một bộ phận đàn ông, tuy có bao dung hơn, chấp nhận được thực tế đó, nhưng hầu như lại bị ám ảnh và ray rứt suốt đời.
Tính sĩ diện của người đàn ông xuất phát từ sự sợ hãi miệng đời thế gian với câu nói: "Không ăn ốc mà đổ vỏ". Câu nói này cũng như tính sĩ diện này của người đàn ông là một sự sỉ nhục đối với phẩm giá người phụ nữ, khi gián tiếp xem họ chỉ đơn thuần là một món hàng khoái lạc. Kết hôn với một người phụ nữ, người đàn ông gắn kết với cả một tổng thể phức tạp và cao cấp với đầy đủ nhục thể, xúc cảm và linh hồn. Do đó, tính sĩ diện này hoàn toàn không có cơ sở để được tồn tại và chấp nhận. Đeo mang tính sĩ diện này, người đàn ông luôn nghi ngờ sự trong trắng của người vợ, đưa cuộc sống của người vợ và cả bản thân mình vào một sự đau khổ không lối thoát và cuối cùng dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Tính gia trưởng và chiếm hữu của người đàn ông Việt là "tàn dư" còn sót lại từ tận thời phong kiến, khi mà người đàn ông đóng vai trò trụ cột trong gia đình và hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm lo mọi thứ trong gia đình mình. Ngày nay, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngay cả ở ngoài xã hội đã được nâng lên ngang tầm đấng mày râu, và do đó, không còn có lý do gì để những ý nghĩ "tàn dư" này tiếp tục hiện hữu. Sư hiện diện của nó cho tận đến hôm nay có phần trách nhiệm của người phụ nữ, khi họ chưa nhận thức hết được quyền bình đẳng của mình và đồng thời cũng phải kể đến sự tắc trách của pháp luật khi nó chưa bảo vệ người phụ nữ đúng mức.
Về việc người đàn ông không chấp nhận được sự mất trinh tiết của người vợ, tôi tự hỏi tình yêu của người đàn ông đó dành cho người phụ nữ đã thực sự đủ lớn và mạnh, sự sẻ chia và thông cảm giữa họ đã đủ đầy, để đi đến hôn nhân. Nếu câu trả lời là có thì nó là một nghịch lý rất buồn cười và phi lý, mà tôi thấy không cần phải phân tích tiếp. Còn nếu câu trả lời là không, thì ở đây, quyết định đi đến hôn nhân là một quyết định sai lầm, chính nó dẫn đến nhiều bi kịch và hệ lụy về sau trong cuộc hôn nhân, chứ tác nhân không hẳn chỉ là sự mất trong trắng của người phụ nữ.
Tôi đã đọc nhiều tâm sự về việc bị ám ảnh và giằn vặt suốt đời của người đàn ông Việt khi nhận biết sự không còn trong trắng của người vợ. Một mặt, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ nỗi buồn này của người đàn ông, nhưng ở một mặt khác, tôi không khỏi cảm thấy buồn cười. Tôi buồn cười vì cái màng mỏng đơn giản ấy (cũng như cái điều mà nó đại diện) hóa ra, lại có sức mạnh gây ra nỗi đau khổ quá lớn như thế nơi người đàn ông Việt. Nó làm tôi chợt liên tưởng đến hai câu thơ của Chế Lan Viên:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp,
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.
Rồi tôi đặt ra câu hỏi này: Mong đợi gì ở một người đàn ông ngủ trên một chiếc giường quá hẹp, với một giấc mơ quá bé con và do đó, lòng bao dung cũng nhỏ bé như hạt đậu? Một người đàn ông không có đủ sự bao dung cho một vấn đề như thế với chính người phối ngẫu của mình, liệu là có nên hy vọng gì ở sự bao dung của anh ta với những cá thể khác trong xã hội.
Dẫu biết rằng là khó, việc vượt qua rào cản tâm lý ấy vừa là thử thách, niềm tự hào, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của người đàn ông trong việc duy trì hạnh phúc gia đình, cái gia đình mà anh ta đã thành lập nên một cách tự nguyện với đầy đủ ý thức của một con người đã trưởng thành.
2) Đa số đàn ông thời nay đều đồng ý rằng trinh tiết không đảm bảo hoàn toàn cho hạnh phúc gia đình, cho đức hạnh, cũng như phẩm giá của phụ nữ. Nhưng họ lại tin rằng phụ nữ còn trinh tiết có thể đảm bảo được rằng: Cô ấy là người không dễ dãi, an toàn với các bệnh lây nhiễm về tình dục, chưa từng phá thai.
Thoạt nghe qua, lập luận này có vẻ hợp lý, nhưng xem xét kỹ, nó vẫn tiềm ẩn những mâu thuẫn nội tại. Cứ cho rằng trinh tiết có thể đảm bảo những điều vừa kể trên đi thì làm sao có thể xác định được một cách chính xác rằng một phụ nữ có còn trinh hay không. Về mặt y học, màng trinh chỉ là một màng mỏng, có thể bị rách vì vô số lý do trong quá trình lớn lên của người phụ nữ. Làm sao có thể phân biệt được màng trinh bị rách do quan hệ tình dục với trường hợp bị rách do tai nạn. Rồi còn có trường hợp màng trinh dày quá không chịu rách.
Sự ám ảnh về màng trinh gieo rắc một bầu không khí nghi ngờ thường trực trong gia đình. Khốn khổ thay, điều đó lại xảy ra đối với cả những phụ nữ giữ gìn được trinh tiết đến ngày kết hôn. Trong một câu chuyện có thật trong thực tế, một thiếu nữ như thế đã không may mắn có được những giọt máu hồng để chứng minh trinh tiết đêm tân hôn. Tuy nhiên, cô tạm yên vui khi chồng tỏ ra hiểu biết và thông cảm. Để rồi chín năm sau, trong một lần va chạm với chồng, anh ta đã liệng thẳng vào mặt cô một sự thật phủ phàng là, trong suốt chín năm qua, anh đã không ngừng nghỉ nghi ngờ về trinh tiết của cô. Cuộc hôn nhân kết thúc trong đổ vỡ sau đó, khi họ đưa nhau ra tòa ly dị.
Như vậy, rõ ràng trinh tiết không hẳn là một chứng cớ đáng tin cậy và đủ sức thuyết phục. Thay vì bỏ công để tìm hiểu xem người vợ mình có còn trong trắng hay không, tại sao những người đàn ông lại không tìm hiểu ngay chính đức hạnh, những phẩm chất đạo đức của chính người vợ sắp cưới của mình, trong quá trình hai bên tìm hiểu nhau, thông qua quá trình giao tiếp hàng ngày. Nếu thời gian đủ dài, một cô gái làm sao có khả năng che giấu được tính không đoan chính, không đức hạnh của mình. Thiết nghĩ cái đức hạnh được chứng minh qua quá trình đó, đảm bảo hơn nhiều so với cái màng trinh kia. Hơn nữa, sự tìm hiểu, thông cảm và chấp nhận lẫn nhau là những yếu tố cần thiết cho một cuộc hôn nhân trường cửu và hạnh phúc.
Sự quá đặt nặng vấn đề màng trinh lại còn dẫn đến một hệ lụy nhiêu khê đang diễn ra trong xã hội: Vá màng trinh. Tôi thấy những người phụ nữ đi vá màng trinh vừa đáng thương, vừa đáng trách (đáng thương vẫn nhiều hơn). Họ đáng thương vì họ có muốn làm cái điều dối trá đó bao giờ. Nếu không có sự quá câu nệ về trinh tiết của đàn ông, nếu không vì quá thiết tha muốn mưu tìm hạnh phúc (dẫu là thứ hạnh phúc dối trá và tạm bợ, vì luôn phải sống trong trạng thái âu lo và hồi hộp), hà cớ gì họ phải đi làm các công việc tái tạo đáng xấu hổ đó. Họ đáng trách là vì họ không biết tôn trọng chính bản thân mình. Dẫu có còn trinh hay không, một phụ nữ đức hạnh vẫn còn nguyên vẹn đầy đủ phẩm giá của mình, vẫn có quyền ngẩng cao đầu để tìm cho mình một người đàn ông đủ hiểu biết để chấp nhận cô ta với chính những khiếm khuyết của cô. Làm cái công việc lừa dối đó, vô tình các cô gái đã phủ nhận mình, phủ nhận nhân cách, giá trị của mình và gieo thêm nhiều rủi ro cho cuộc sống đôi lứa về sau.
Tóm lại, đã đến lúc đàn ông Việt nên nhận thức rằng trinh tiết không hẳn là cái quí giá nhất ở một người phụ nữ và không nên để nó thống trị và chi phối cuộc sống chồng vợ của mình. Nói như thế không có nghĩa là cổ xúy cho lối sống tình dục phóng túng, và khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trinh tiết, cho dẫu là ở ngày xưa, ngày nay hay ngày sau, luôn là một phẩm chất cao đẹp và người phụ nữ thật đáng tự hào khi gìn giữ được nó. Nó như một thứ hương thơm điểm tô cho những nhan sắc vốn đã lộng lẫy. Chỉ có điều là, nó không phải là tất cả, và không bao giờ là cái thứ nhất. Ở một người phụ nữ, luôn còn có biết bao nhiêu phẩm chất khác để đàn ông ngưỡng mộ, tôn thờ và tin yêu, như lòng hy sinh, sự tháo vát, sự thông mình, óc tinh tế, lòng bao dung... Chính vì vậy, nếu vì một lý do nào đó bất khả kháng mà một người phụ nữ không còn giữ được trinh tiết của mình, cô ấy vẫn có đầy đủ niềm tự hào và kiêu hãnh để tìm cho mình một người đàn ông hiểu biết, biết chấp nhận điều đó và bằng cách đó, xây dựng một hạnh phúc đích thực, không dựa trên những lo âu và dối trá.
04/09/2011
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment