Tôi đã chiêm bao một giấc chiêm bao rất lạ. Trong giấc chiêm bao đó, tôi thấy hồn tôi lạc về bên giòng sông Hát ở xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây. Trong bóng chiều chập choạng mơ hồ, có bóng hai người phụ nữ xấp xỉ tuổi nhau ngồi bên giòng sông thầm thì, dáng nghiêng nghiêng hờn tủi.
Người chị ngước mắt nhìn xa xăm, rồi cất giọng trầm buồn, giọng nghe buồn hơn cả tiếng gió:
- Nhị em, chị em mình 2000 năm trước không sá chi mạng sống, liều mình tuẫn tiết nơi giòng sông này để bảo toàn danh tiết- danh tiết cho mình và danh tiết cho cả những người phụ nữ nước Nam. Thế mà, lũ hậu sinh hôm nay sao nỡ lòng nào "bôi tro trát trấu" lên mặt chị em mình, cho chị không còn dám ngẫng mặt, cho lòng chị rưng rưng buồn tủi quá, em ơi!
Người em lắng nghe chăm chú, nhìn vào mắt người chị ân cần, rồi bỗng cúi xuống, ôm mặt.... khóc nức nở .
*
* *
Đã mười năm rồi dân tộc Việt đau- một nỗi đau không dễ nói nên lời. Xưa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ khí phách anh hùng của bậc nữ lưu, nêu cao lòng yêu nước thương nòi và tấm lòng trung trinh tiết liệt thanh cao vời vợi của người phụ nữ Việt Nam. Giá trị tinh thần ấy không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn là di sản văn hoá của cả nhân loại nữa. Thế mà, ngày nay cái giá trị tinh thần ấy đã bị xói mòn nát vụn không thương tiếc bởi cơn lốc gọi là "lấy chồng xứ lạ" của một bộ phận những người phụ nữ Việt.
Làn sóng "lấy chồng ngoại" ấy đã bắt đầu cách đây 10 năm. Nó nổi lên rầm rộ như một hiện tượng không bình thường trong đời sống hôn nhân của một bộ phận thiếu nữ nông thôn với người nước ngoài. Dĩ nhiên, điều dễ hiểu là đó là những cô gái nghèo, rất nghèo và đó là những cuộc hôn nhân không hề có... tình yêu. Họ đã chọn lấy chồng ngoại- một ông chồng người Hàn Quốc hay Đài Loan xa lạ nào đó- như là một cách để đổi đời. Và mơ ước đổi đời đó đã đưa không ít những cô gái ít học, cạn nghĩ vào những ngã đường tăm tối hoặc thậm chí những kết cục đau thương, chết chóc.
Để đạt được ước mơ đổi đời, với hy vọng được chọn làm vợ, các cô gái đã không quản ngại làm một cuộc vong thân đầy tủi nhục. Họ lần lượt cởi bỏ y phục dưới con mắt săm soi của những gã đàn ông Hàn hay Đài nào đó để được lựa chọn, đánh giá như một "món hàng". Những gã đàn ông trần tục, không đủ tiêu chuẩn để có được một cô vợ nơi bản xứ, đôi khi già nua và khuyết tật, háo hức sờ mó, kiểm định "món hàng" để xem nó có dị tật hay sẹo gì không và khả năng sinh sản như thế nào.
Các cô gái đó đã không ý thức được rằng khi những y phục kia rời khỏi con người họ, phẩm giá của một người phụ nữ, nhất là lại là một người phụ nữ Việt Nam, đã vĩnh viễn không còn nữa. Họ đã không ý thức được rằng họ đã giẫm đạp tàn nhẫn lên hình ảnh thánh thiện, rạng ngời của một giống dân có những người phụ nữ vốn nổi tiếng thế giới về lòng tiết hạnh. Khi những y phục đó rơi xuống lên trên mặt đất, tôi đã nghe thấy tiếng thét đớn đau của một dân tộc, tiếng khóc uất nghẹn cho một nỗi đau không nói được nên lời.
Không nói được nên lời vì còn lời nào có thể cất lên với "nỗi nhục quốc thể" quá lớn làm "tím mật, bầm gan". Không nói được nên lời vì lời chưa được thốt ra đã nghẹn ngào hóa thành những thanh âm tức tưởi không dứt được. Không nói được nên lời vì lời chưa kịp thốt ra đã sững sờ hóa đá khi chứng kiến cảnh Hai Bà lần nữa tuẫn tiết trên giòng sông Hát. Lần này, Hai Bà tuẫn tiết không phải vì quân Mã Viện. Trên sóng nước mênh mông, oan khiên, ám chướng như ám ảnh một giòng sông buồn, giòng sông định mệnh của hai bậc nữ kiệt làm vẻ vang nòi giống.
Nghèo: Cái cớ được nhân danh để biện minh, phân giải cho những cuộc "lấy chồng xứ lạ". Ừ thì nghèo! Nhưng có nghèo hơn những tháng ngày xưa cũ khi mọi người không có đủ gạo để ăn, phải ăn bo bo hay khoai lang để thế cơm từng bữa? Có nghèo hơn ông, bà, cha, mẹ ngày xưa khi không có cả vải để may quần áo mà mặc, phải mặc bao bố làm y phục che thân? Phải chăng cái nghèo hơn bây giờ ở những người phụ nữ như các em là nghèo hơn lòng tự trọng, nghèo hơn phẩm giá làm người? Nghèo hơn ở sự chịu đựng từ tâm mà các chinh phụ xưa đã đưa vào văn học nước nhà như những huyền thoại về lòng tiết hạnh?
Giận... thì giận lắm! Không giận sao được khi các em làm tủi hổ vong linh tổ tiên, làm hồn phách ông bà uất nghẹn nơi chín suối, làm những người phụ nữ khác hôm nay xấu hổ cúi đầu. Trách... thì, thật tình, không dám trách! Vẫn hiểu rằng là phận má hồng có ai lại muốn lựa "lối đoạn trường" mà đi bao giờ. Tôi vẫn cố lý luận miệt mài trong mê muội với chính tôi rằng ắt hẳn phải có những oan khiên, uẩn khúc thâm sâu lẫn khuất đằng sau những mặt nổi. Thương.... thì có lẽ nhiều hơn! Không thương sao được khi nơi xứ người xa lạ ấy, đời em có khi chỉ là một con sen không công, một cái máy đẻ. Thậm chí đôi khi em còn bị đánh đập, bạo hành và vĩnh viễn không bao giờ còn có thể trở về nữa với quê cha, đất mẹ.
*
* *
Những giấc chiêm bao như thế đã vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Đêm nay, tôi lại chiêm bao một giấc chiêm bao rất lạ khác. Trong giấc chiêm bao này, tôi thấy hồn tôi lại lạc về bên giòng sông Hát ở xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây. Lần này tôi không còn thấy bóng dáng Hai Bà thấp thoáng thầm thì bên giòng sông Hát trong bóng chiều chập choạng, mơ hồ.
Tôi thận trọng khẽ tiến từng bước về bước bờ sông, bước thật khẽ vì sợ đánh thức bóng chiều hoang liêu, cô tịch. Khi đã đến đủ gần, tôi mới nhận thấy hình bóng Hai Bà hiện lên mông lung trên giòng sông lạnh, dáng nghiêng nghiêng hờn tủi. Ánh mắt Hai Bà trông mới buồn và u uẩn làm sao. Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt ấy, rồi bỗng nhiên tôi thấy mình ngữa mặt lên trời.... khóc nức nở.
16/07/2011
Jeffrey Thai
toi cung nghi nhu bac. buon cho so phan . hay co gang thay doi suy nghi de vuot len .
ReplyDelete