Phá thai có phải là một hành động phạm pháp hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia qui định, có quốc gia cấm và có quốc gia cho phép. Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép phá thai. Tuy vậy, việc cho phép này phải được hiểu là việc phá thai phải được thực hiện ở những cơ sở y tế hợp lệ và có giấp phép của nhà nước, chứ không phải là có quyền phá thai ở bất cứ nơi nào và bằng bất kỳ cách gì.
Câu hỏi tựa đề của bài viết này "Phá thai có còn là tội ác?" không nhằm nhắm vào khía cạnh pháp lý của vấn nạn phá thai, mà là khía cạnh luân lý, đạo đức. Pháp luật có thể cho phép phá thai, nhưng lương tâm và đạo lý của con người luôn cho rằng phá bỏ một bào thai (ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như thai bị dị tật hay phát triển không bình thường... ) là một hành động hủy diệt sự sống, là một hành động giết người.
Một bào thai khi được tượng hình trong lòng người mẹ đã là một con người và có sự gắn kết chặt chẽ với người mẹ, mà bản thân người mẹ có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Do đó, xét về khía cạnh đạo lý và lương tâm, phá thai luôn là một tội ác, cho dù là ngày xưa, ngày nay hay ngày sau cũng vậy. Với cách nhìn mặc định đó, cách nhìn đã tồn tại qua hàng bao thế kỷ của con người, câu hỏi "Phá thai có còn là tội ác?" là một câu hỏi... đau lòng.
Sở dĩ nó làm đau lòng là vì tại sao một điều hiển nhiên như thế mà giờ đây người ta phải băn khoăn tự hỏi, như không còn tin tưởng vào tính tất nhiên của nó nữa. Điều gì đã xảy ra? Đã có nhiều điều xảy ra khiến người ta hoang mang. Nếu nó là tội ác thì sao có những người mẹ lại nỡ đang tâm sinh con rồi thản nhiên đem bào thai còn sống bỏ mặc ở công viên hay bãi rác, đến nỗi bị kiến cắn đến chết hay bị chó cắn xé đến nát bấy? Nếu nó là tội ác thì sao cũng cùng một con người đó lại có thể thản nhiên hủy diệt hết sinh mạng này đến sinh mạng khác của chính những đứa con của mình?
Sự thản nhiên giết con rồi quăng bỏ xác một cách lạnh lùng đó đã làm những người vô tình chứng kiến phải choáng váng. Con số của những trường hợp như thế cứ ngày càng gia tăng không ngừng, làm cho không ít người không khỏi băn khoăn về sự suy đồi của đạo đức xã hội. "Hổ dữ không nỡ ăn thịt con" là câu nói đạo lý đã bao đời được truyền tụng trong nhân gian để nói về tấm lòng của người mẹ. Hình ảnh con gà mái xòe cánh quyết liệt chống trả lại diều hâu để bảo vệ đàn gà con nhỏ dại là một hình ảnh đẹp và thiêng liêng về lòng mẹ thương con, đã đi vào lòng người qua bao thế hệ. Thế mà, giờ đây chúng dường như đã bị khá nhiều người quên lãng khi họ hành xử còn thua xa cả loài vật.
Có một điều nghịch lý là xã hội càng văn minh, khoa học càng tiến bộ, đời sống càng được nâng cao thì con người càng thản nhiên hơn trong việc hủy bỏ mạng sống của những thai nhi. Luôn có vô vàn lý do được viện ra để biện minh cho mỗi tội ác được sản sinh trên trái đất này, nhưng với việc giết chết thai nhi, có một điều những kẻ thủ ác không thể chối cãi: Họ đã không xem những thai nhi kia là con người. Lối suy nghĩ phi nhân bản và chống lại sự sống đó rõ ràng là kết quả của sự tha hóa về nhân cách sống và sự xói mòn của lương tâm con người. Làm sao có thể chấp nhận được việc nâng cao chất lượng đời sống cá nhân bằng cách diệt trừ sự sống của một con người khác!
Thai nhi có phải là con người? Hẳn nhiên là những kẻ vô tâm hủy diệt thai nhi đã không bao giờ nghĩ như vậy. Thực tế cho thấy là về mặt sinh học, kể từ tháng thứ năm trở đi thai nhi hầu như đã phát triển đầy đủ mọi bộ phận cơ thể. Về mặt tâm linh, người ta tin rằng mỗi thai nhi đều đã có một linh hồn kể từ lúc phôi thai được tượng hình. Nhiều tranh cãi trái chiều đã từng nảy sinh trên khắp thế giới nhưng kết luận sau cùng được công nhận chính là: Mỗi thai nhi là một con người. Mà đã cùng là con người thì không ai quan trọng hơn ai, không ai có quyền giết chết ai.
Sự bình đẳng giữa con người với nhau ngay cả đến một em bé cũng có thể hiểu được. Điều này đã được chứng minh qua câu chuyện có thật sau đây. Trong một cuộc hội thảo về việc phụ huynh hay người giám hộ có trách nhiệm nói với các trẻ em về vấn đề phá thai, một vị linh mục đã hỏi một em bé 6 tuổi tên Sharon và được em trả lời như sau:
- Sharon, con có thấy những người dưới kia lớn hơn con không?
- Dạ có.
- Con có thấy họ nhiều tuổi hơn con không?
- Dạ có.
- Con có nghĩ rằng họ khỏe mạnh hơn con không?
- Dạ có.
- Vậy con có nghĩ rằng họ quan trọng hơn con không?
- Dạ không.
Câu trả lời của em bé đã khiến ngài linh mục rất ngạc nhiên và lấy làm thú vị, và nhân đó, ngài khẳng định thêm rằng mọi người đều quan trọng và có giá trị như nhau vì đều là những con người, dù đó mới chỉ là một phôi thai. Và vì thế, không ai được quyền giết chết ai.
Không ai được quyền giết chết ai! Đó là một mệnh lệnh vĩnh hằng của lương tâm và lý trí con người. Thế nhưng, đáng tiếc thay, cái mệnh lệnh tối cao ấy lại bị chối bỏ một cách vô tội vạ trong cái xã hội văn minh và hiện đại mà chúng ta đang sống. Trong cái xã hội ấy giờ đây, tội ác phá thai, giết người đang diễn ra ngày càng "hoành tráng" hơn và đang dần được xem như một điều... bình thường. Chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi những tờ rơi, những biển hiệu quảng cáo cho việc giết người này. Cứ mỗi ngày trôi qua, lại có không biết bao nhiêu thai nhi vô tội bị giết chết; chúng chẳng bao giờ có cơ hội được cất tiếng khóc chào đời; chúng chết trong oan khiên, bơ vơ và tức tưởi vì chẳng ai lên tiếng bảo vệ chúng cả.
Liệu có phải chúng ta đang sống trong một xã hội phi nhân bản? Liệu xã hội đang có một lối mòn tội lỗi, mà chúng ta, những cá thể đang sống trong nó, đang nhắm mắt lại để trượt dài, trượt mãi theo lối mòn ấy, không còn có điểm dừng? Liệu với thực trạng "người giết người" công khai và bình thản này, đạo đức xã hội rồi sẽ về đâu? Xã hội liệu rồi còn có thể tồn tại được không khi con người thoải mái giết hại lẫn nhau, một điều tất yếu sẽ xảy ra khi ngay chính đến giọt máu của mình họ cũng giết đi không thương tiếc? Cuối cùng, tương lai đất nước rồi sẽ về đâu, khi các mầm non cứ tiếp tục bị hủy diệt vô tội vạ?
Đấy là những câu hỏi mà đã đến lúc chúng ta phải trực diện chính mình và hỏi lấy chúng ta, nếu chúng ta còn thực lòng nghĩ đến sự tồn vinh của xã hội, của đất nước. Chúng ta không thể thoái thác được nữa. Chúng ta cũng không thể lẫn tránh chúng. Chúng, như những linh hồn thai nhi bị giết chết oan uổng, sẽ đeo bám chúng ta suốt đời để hỏi chúng ta câu hỏi: "Mẹ ơi, con có tội gì mà mẹ nỡ giết con?".
Điều cuối cùng tôi muốn nói là con người vốn được sinh ra và có quyền chết đi theo cái lẽ tự nhiên mà tạo hóa đã sắp đặt cho mình. Không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để can thiệp vào sự sống và cái chết của con người một cách thô bạo, kiêu hãnh và tàn ác như họ đã và đang làm. Để kết thúc bài viết, xin được giới thiệu những lời tâm sự của một thai nhi đã chết oan khuất và do đó, linh hồn đã không thể siêu sinh. Những dòng tâm sự này, dĩ nhiên là tôi đã viết thay em.
Mẹ yêu của con!
Con là con của mẹ đây- đứa con 24 tuần tuổi mà mẹ đã nhờ người ta tống khứ ra khỏi cơ thể của mẹ, để mẹ không còn phải bận tâm về nó nữa. Khi con được lôi kéo ra khỏi cơ thể mẹ, con chỉ còn là một mớ thịt bầy nhầy không còn nguyên vẹn hình hài nữa. Mẹ đã nhanh chóng bỏ con vào trong một cái túi đen rồi liệng đi cạnh một bãi rác. Ở đó, có một con chó đã cào rách cái túi ấy và bắt đầu xé nát cơ thể con ra thành nhiều mảnh. Thực ra, lúc ấy, con chưa chết hẳn đâu. Con vẫn còn sống thoi thóp đấy, nên khi con chó nó ngoạm mồm vào cái xác con, con thấy đau quá, mẹ ơi. Nó cắn, xé rồi nhai tấm thân nhỏ bé của con cho đến khi còn lại trong túi chỉ là một đống xương con đẫm máu.
Cái xác ấy bây giờ không còn nữa. Nhưng linh hồn con thì vẫn còn, mẹ ạ! Vì con chết oan ức, tức tưởi quá nên linh hồn con không thể siêu thoát được. Con ngày đêm cứ lảng vãng quanh mẹ, nhưng không cách nào hiện hình cho mẹ thấy được. Mẹ ơi, có khi nào mẹ nhớ về con không, đứa con bất hạnh mà mẹ đã không cho nó có cơ hội được sống, dẫu chỉ một ngày thôi trên cõi trần gian này. Mà mẹ ơi, sao mẹ lại nỡ giết con, hở mẹ? Để con chưa được một ngày làm người đã vội thành ma trọn kiếp. Để đêm đêm hồn con cứ bãng lãng, la đà trên những ngôi mộ âm u, nhiều ám chướng. Lạnh lẽo và cô đơn lắm, mẹ ơi!
08/10/2011
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment