Saturday, May 12, 2012

Bạo Hành Gia Đình: Những Tiếng Thét Gào Tuyệt Vọng

Cách đây khoảng ba phần tư thế kỷ, giữa đêm khuya thanh vắng, có một tiếng thét sợ hãi của một người phụ nữ vang lên. Người phụ nữ ấy thét lên vì bị chồng xông vào đánh đấm túi bụi với sự cổ vũ và hò hét của bà mẹ chồng và cô em chồng độc ác. Chuyện vì sao mà trở nên to tát thế? Chẳng có gì cả, chỉ là việc cây đèn ngủ thôi: cô muốn để đèn để đọc sách nhưng ông chồng không chịu. Người phụ nữ ấy chính là cô Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh, quyển tiểu thuyết được xuất bản năm 1935.

Cô Loan ấy không hẳn chỉ là một nhân vật tiểu thuyết. Cô đã từ trong một tác phẩm văn học bước ra ngoài đời thực và biến thành hàng ngàn, hàng vạn thân phận phụ nữ khốn khổ khác trong xã hội VN- những người phụ nữ bị người chồng vũ phu xem như một món hàng mình sở hữu, có thể đánh đập, hành hạ tùy tiện bất cứ lúc nào mình thích. Cái xã hội phong kiến với định kiến "trọng nam, khinh nữ", với quan niệm xem thân phận người phụ nữ như hạt mưa sa, đã "trao thân" thì phải "gửi phận", đã ,vô hình trung, biến người phụ nữ trở thành mục tiêu chính cho bạo hành gia đình.


Việc bạo hành gia đình đã có gốc rễ từ xưa như thế đấy, và thực ra còn xa xưa hơn nhiều nữa, khi mà xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Giáo và phong kiến. Những tưởng rằng khi xã hội càng văn minh và phát triển hơn, con người có điều kiện để nâng cao tầm hiểu biết của mình hơn, thì cái vấn nạn bạo hành gia đình ấy sẽ tiêu vong hay chí ít cũng giảm bớt. Nhưng không, như một nghịch lý khó lý giải, nó lại ngày càng phát triển rầm rộ hơn với những hình thức bạo hành độc ác hơn và tàn nhẫn hơn. Tiếng thét gào lẻ loi giữa đêm khuya thanh vắng của cô Loan ngày xưa, giờ đã trở thành những tiếng thét thất thanh hoảng loạn, vang lên vào bất cứ thời khắc nào trong ngày: sáng, trưa hay chiều, tối.



Trong suốt khoảng thời gian dài 22 năm sống với người chồng của mình, thì cũng là chừng ấy thời gian, một người phụ nữ sống ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải sống trong bạo lực và nước mắt, cả về tinh thần và thể xác. Người chồng cứ mỗi lần say rượu lại lôi chị ra đánh đập, có lần dìm đầu chị xuống chuồng lợn, có lần đập đầu chị bằng búa... Thương tâm nhất và gây phẫn nộ dư luận nhất có lẽ là vụ người chồng do bực tức đã bắt vợ cởi quần áo, chui vào cũi chó và khóa lại, sau đó gọi mẹ vợ sang chứng kiến. Rồi lại vụ người vợ xin ly hôn vì bị bạo hành quá nhiều lần, đã bị người chồng cắt hai núm vú bỏ vào cốc rượu.


Có những người phụ nữ khác thì lại bị chồng tra tấn dã man bằng những biện pháp "thời trung cổ": dùng kìm để bóp nát ngón tay, xé rách quần áo để đày đọa, cưỡng dâm khi đang bị bệnh phụ sản... Những vật dụng hàng ngày vốn được dùng để phục vụ cuộc sống như ghế, kìm, bô, dây xích ... thì nay lại được các ông chồng thú tính sử dụng như những dụng cụ tra tấn người vợ. Những dụng cụ ấy đã để lại một ký ức đau thương trong lòng những người phụ nữ bất hạnh, đến nỗi họ quyết định lập nên một căn nhà để lưu giữ chúng. Căn nhà ấy được đặt cho cái tên nghe như chính thân phận của họ: Bảo tàng bất hạnh. Thân phận những người phụ nữ như thế nhiều, nhiều vô kể. Có thể tìm thấy những số phận như vậy ở khắp mọi nơi của đất nước: Nam, Trung hay Bắc, thôn quê hay thành thị, những gia đình có học hay vô học.


Như ở miền Trung, có nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ 56 tuổi ở Quãng Bình, với bông băng đầy người trên giường bệnh vì bị chồng cắt gân tay, chân, mới thấy rằng gã chồng ấy không còn là con người nữa. Quen sống trong sự tra tấn của chồng lâu đến nỗi bà hầu như mất hết mọi cảm giác đau đớn, buồn tủi cũng như... phản kháng. Cái ngày mà "rỗ" và "rá" cạp lại với nhau cũng chính là ngày bắt đầu những cơn ác mộng của bà: ông đánh bà hàng ngày, với bất kỳ lý do gì; dù rằng bà là một phụ nữ hiền lành, hết lòng chăm sóc cho chồng, cho con. Có tiền để uống rượu vào thì khi say, ông đánh bà vì say rượu. Không có tiền để uống rượu, ông đánh bà vì tội không có tiền là tội của... bà. Có lần ông đánh bà đến ngất xỉu, rồi dùng dao cắt từng bộ phận trên thân thể bà.

Những vết thương chi chít trên người bé Thuận

Không những chỉ hành hạ, tra tấn những người phụ nữ, những con thú đội lốt người chồng, người cha ấy không tha cả những đứa trẻ nhỏ chính là máu mủ của mình. Vụ ngược đãi trẻ nhỏ kinh hoàng nhất có lẽ là vụ gần đây, trong đó, người cha tên Bùi Xuân Phong, ngoài việc thường xuyên đánh con của mình là bé Thuận 11 tuổi bằng dây điện để lại nhiều vết sẹo và vết sưng bầm tím, còn nở bắt con phải ăn... phân người. Nếu không có sự can ngăn hết lòng của anh hàng xóm, không biết là đứa con đó sẽ ra sao trước một hình phạt "vô tiền khoáng hậu" như vậy từ người cha của mình. Nhiều người đọc đã không thể nào kìm hãm được tiếng kêu phẫn nộ đầy thảng thốt trước một sự kiện bất nhẫn như vậy.


Trẻ nhỏ vốn còn thơ bé không thể chống cự lại nổi những người cha tàn ác đã đành. Thế sao những người vợ khốn khổ lại chấp nhận lặng im để chịu đớn đau một đời như vậy, khi mà xã hội có hẳn một đạo luật về phòng chống bạo hành gia đình? Vấn đề then chốt là ở điểm đó. Người phụ nữ VN là như thế đấy: tần tảo, chịu đựng, hy sinh một đời vì chồng, vì con. Đau đớn lắm chứ! Tủi nhục lắm chứ! Nhưng người vợ ấy lại nghĩ rằng sự chịu đựng của mình có thể cảm hóa được người chồng vũ phu thú tính. Người mẹ ấy lại tự nhủ với lòng mình rằng phải chấp nhận hy sinh thân mình để gia đình tồn tại, để con mình có đủ cha, đủ mẹ như bè bạn cùng trang lứa.


Sự hy sinh, chịu đựng ấy của người phụ nữ VN thật thiêng liêng và cao quí biết bao. Nó đã vẽ nên những hình ảnh huyền thoại về người mẹ làm xúc động lòng người. Trong văn hóa của người Việt, bên cạnh hình ảnh người cha cao vời như núi, hình ảnh người mẹ bao giờ cũng nổi bật hơn và làm thổn thức lòng người thật mãnh liệt, cho dù con người có ở bất kỳ độ tuổi nào. Chỉ tiếc thay, thực tế cho thấy là, trong những trường hợp bạo hành gia đình, sự hy sinh và chịu đựng ấy của những người vợ hầu như đã chẳng bao giờ thay đổi được bộ mặt vô nhân tính của người chồng, để đòn roi oan nghiệt cứ ngày càng dày đặc hơn và giết chết họ nhanh chóng hơn.


         
Chân dung Bùi Xuân Phong, người cha bắt con ăn phân người

Đã đến lúc những người vợ nên nhận ra rằng, trong trường hợp này, sự lặng im chịu đựng của họ là vô nghĩa và chẳng thể làm xoay chuyển được tình thế. Để cứu chính bản thân mình, để bảo vệ những đứa con yêu quí của mình, người vợ, người mẹ ấy phải học lấy bài học về sự dũng cảm, tố cáo người chồng thú tính ngay khi hắn có những biểu hiện bạo hành đầu tiên. Người vợ nên phân biệt được rằng, bạo hành là bạo hành, không thể đồng nhất bạo hành với những mâu thuẫn bất đồng thường hay xảy ra trong đời sống vợ chồng. Một khi người chồng làm tổn hại đến người vợ, dù chỉ một chút ít thôi, thì đó đã là bạo hành gia đình, chứ không phải đợi đến khi sự việc trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mạng sống của mình và đã gây cho mình nhiều tổn thương về mặt tâm lý.


Người vợ cũng nên học để ý thức được rằng mình là một thực thể có giá trị tương đương với người chồng, chứ không phải là một vật bị sở hữu, và càng không phải là một nô lệ, nhất là nô lệ tình dục. Dẫu biết rằng phá bỏ cái tổ ấm gia đình ấy là điều đau lòng lắm, một mình nuôi con lẻ loi và chông gai lắm, người vợ ấy phải làm cái điều cần làm: giải thoát cho mình và những đứa con bé bỏng của mình. Nhận thức được điều ấy đối với những phụ nữ ở nông thôn có lẽ là còn khó khăn lắm. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ và giảng giải của các hội đoàn, gia đình, người thân, hàng xóm, việc ấy là việc nhất định sẽ làm được.

Đã đến lúc pháp luật cũng nên nhìn lại đạo luật về bạo hành gia đình để cải tiến nó, vì nó hầu như chỉ hiện hữu trên phương diện lý thuyết. Nó thiếu những điều khoản cụ thể để giúp ngăn chặn bạo hành, và bảo vệ người phụ nữ và trẻ con, ngay khi sự việc vừa xảy ra. Không có gì vô lý cho bằng, chỉ đến khi tính mạng người bị bạo hành đang ở trong tình trạng gần như hấp hối, thì lúc đó mới có được sự quan tâm thực sự của chính quyền địa phương; còn nếu không, nó mãi bị xem như là những mâu thuẫn nội bộ gia đình thường tình. Cũng không có gì vô lý cho bằng, với một sự việc mang tính nghiêm trọng chết người như vậy, thủ tục truy tố người bạo hành lại quá nhiêu khê và phải chờ đợi thật lâu, đến nỗi đôi khi người bị bạo hành không còn cơ hội sống sót để xem thi hành án.

Đã đến lúc những người hàng xóm, với truyền thống tương thân, tương ái của người Việt, xin đừng xem chuyện bạo hành gia đình là chuyện nội bộ của một gia đình, của riêng một cá nhân nữa. Xin hãy cùng nhau ngăn chặn ngay kẻ bạo hành. Sự đồng lòng của số đông nhất định sẽ khuất phục được sự điên cuồng của một cá nhân. Xin hãy gọi ngay sự can thiệp của chính quyền địa phương để chấm dứt ngay sự bạo hành càng sớm càng tốt. Xin hãy làm mọi cách để bảo vệ những người vợ yếu đuối, những đứa trẻ thơ vô tội. Xin hãy làm tất cả mọi điều để không còn nữa những tiếng kêu thét gào trong tuyệt vọng!


21/10/2011
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment